Suốt khoảng thời gian ấy đã chứng kiến rất nhiều cuộc trở về của những người con xa quê, cho thấy người Việt dù ở bất kỳ đâu, dù ra đi với lý do nào, từ trong sâu thẳm trái tim luôn nặng tình và mong đóng góp cho quê hương.
Một nghị quyết thiết thân của kiều bào
Ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, cho rằng Nghị quyết 36 xuất phát từ những yêu cầu thực tế trong tình hình mới của đất nước và tiềm năng đóng góp của cộng đồng NVNONN trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Khi Nghị quyết được ban hành năm 2004, lúc đó NVNONN chỉ có khoảng 2,7 triệu người. Đến nay, theo thống kê mới nhất đã có khoảng 6 triệu NVNONN đang sinh sống, làm việc và học tập tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 80% con số này định cư tại các quốc gia phát triển.
|
Đại hội của Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu |
Ông chia sẻ: “Nghị quyết 36 là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị toàn diện và lâu dài không chỉ về phát huy nguồn lực của cộng đồng NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước, mà còn đóng góp to lớn hơn nữa về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với cộng đồng NVNONN đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sau hơn 20 năm triển khai Nghị quyết đã rất thành công, đạt được nhiều thành tựu nổi bật và cũng đã tạo được bước ngoặt lớn trong công tác về NVNONN. Chúng tôi vui mừng vì công tác về NVNONN đã trở thành nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân.
Ở ngoài nước, Nghị quyết được đông đảo NVNONN đón nhận, ủng hộ cùng hưởng ứng thực hiện; góp phần củng cố niềm tin, khích lệ lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý thức trách nhiệm của NVNONN trong các hoạt động duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng cộng đồng vững mạnh cùng hướng về quê hương đất nước”.
Theo ông Đinh Hoàng Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt tại châu Âu, để cộng đồng NVNONN có được những thành tựu như ngày hôm nay, bên cạnh những nỗ lực của từng cá nhân, cần phải nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN, các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước, các thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại. Tất cả các yếu tố này đã góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển và vị thế của cộng đồng NVNONN.
NVNONN trân trọng tình cảm, sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành và địa phương, nhân dân trong nước đối với cộng đồng NVNONN; đồng thời tin tưởng, phấn khởi và tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước. Với tinh thần chia ngọt sẻ bùi, cùng gánh vác với nhân dân trong nước, chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển ngành nghề khác nhau, được bà con đón nhận và đánh giá cao”.
Là một tri thức, doanh nhân kiều bào tiêu biểu tại Hàn Quốc, TS. Trần Hải Linh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc, cũng nhận thấy sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 36, công tác đối với NVNONN đã thể hiện rõ người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Theo ông Linh, cho đến nay, cộng đồng kiều bào ngày một gắn bó hơn với quê hương, đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, hội nhập vào nước sở tại và trở thành nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Ông nhấn mạnh: “Trong quá trình hội nhập sâu rộng quốc tế và để phát huy hơn nữa công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh mới, chúng tôi hy vọng việc tăng cường thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, mối quan hệ từ các trí thức, doanh nhân kiều bào, đặc biệt là tận dụng “những cánh tay nối dài của kiều bào”... sẽ phục vụ đặc lực cho mục tiêu phát triển đất nước”.
Động lực bước vào kỷ nguyên mới
Trên 40 năm sống và làm việc và hội nhập ở xứ người, bà Lê Thanh Hương, chủ một nhà hàng ở Đức, luôn nhận thức được tiềm năng và cơ hội mà quê hương thứ hai ban tặng để góp phần cho công cuộc kiến thiết và xây dựng Tổ quốc.
Có một câu hỏi mà bà Hương cùng nhiều kiều bào luôn tự đặt ra là “có thể đóng góp theo những cách thức nào?” rồi họ lại tự trả lời rằng: “Bất cứ ai, nếu có tinh thần vì cộng đồng đều có thể làm được nhiều việc, góp phần xây dựng quê nhà”.
|
Đại biểu tham dự Hội người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư năm 2024. |
Trong suy nghĩ của Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam Canada (VCBA) Châu Tú Cường, hầu hết kiều bào rất trân trọng sự quan tâm và hỗ trợ từ Đảng, Nhà nước trong việc tạo điều kiện để NVNONN có thể về đầu tư và phát triển tại quê hương. Theo ông, chính sách hỗ trợ đầu tư minh bạch, sự lắng nghe và đồng hành của các cơ quan nhà nước đã trở thành động lực lớn, giúp doanh nhân Việt kiều.
Với vai trò là Chủ tịch VCBA, thời gian qua ông đã tích cực làm cầu nối, thúc đẩy các cơ hội kinh doanh và đầu tư giữa Việt Nam và Canada. VCBA cũng đang hợp tác chặt chẽ với Ủy ban Nhà nước về NVNONN để triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.
Ông chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn xây dựng một trung tâm phân phối hàng Việt tại Canada, nơi các sản phẩm Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, từ thực phẩm, dệt may cho đến công nghệ, giúp nâng cao vị thế của thương hiệu Việt Nam trên toàn cầu. Chúng tôi tự hào là một phần của dân tộc Việt Nam và luôn hướng về quê hương với tất cả tâm huyết”.
Là một người đã và đang sinh sống ở nước ngoài 38 năm, được chứng kiến sự đổi thay và phát triển của cộng đồng người Việt xa xứ, đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động cộng đồng, TS. Phan Bích Thiện - Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, bày tỏ vui mừng vì những năm gần đây cộng đồng NVNONN ngày càng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ quan tâm. Kiều bào ngày càng phát huy được nhiều hơn tiềm năng của mình trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và công tác đối ngoại nhân dân cũng như trong hoạt động hướng về quê hương, đất nước.
Mặc dù là một cộng đồng không lớn, khoảng 8.000 người nhưng người Việt tại Hungary đã có nhiều đóng góp tích cực trong các hoạt động hướng về quê hương, đất nước cũng như trên mọi mặt của đời sống xã hội nước sở tại, được lãnh đạo nước bạn đánh giá là một cộng đồng người nước ngoài đoàn kết và hội nhập tốt.
TS. Phan Bích Thiện nhấn mạnh: “Hiện nay chúng tôi đang tích cực xúc tiến để cộng đồng tại Hungary được công nhận là dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở nước ngoài, chúng ta cần chú trọng để phát huy vai trò của những nhân tố kiều bào tiêu biểu, hội nhập tốt, có uy tín không chỉ trong cộng đồng mà có cả tầm ảnh hưởng đối với cả xã hội nước sở tại để quy tụ được bà con ngày càng gắn bó với quê hương đất nước hơn”.
Khẳng định sự ra đời của Nghị quyết 36-NQ/TW là bước ngoặt về công tác NVNONN, trở thành dấu mốc quan trọng về tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN Lê Thị Thu Hằng, cũng cho rằng những chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 36 vẫn còn nguyên giá trị và phù hợp để triển khai những nhiệm vụ về công tác NVNONN trong kỷ nguyên mới của đất nước, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh của dân tộc. Theo đó, công tác đại đoàn kết tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, hướng tới khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước của cộng đồng NVNONN./.