Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước

Thứ hai, 28/11/2022 11:34
(ĐCSVN) - Nhận thức được vai trò, nguồn lực quan trọng của người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy, đề ra đường lối, chính sách đúng đắn đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đặc biệt từ sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW ra đời, người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và là bộ phận không tách rời, là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhận thức được vai trò, nguồn lực quan trọng của kiều bào, Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy, đề ra đường lối, chính sách đúng đắn đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài; luôn coi kiều bào ta ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn đánh giá cao những đóng góp của kiều bào, việc kiều bào ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó với quê hương, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chung của dân tộc. Các nghị quyết, chỉ thị,  kết luận của Đảng về người Việt Nam ở nước ngoài có tầm quan trọng đặc biệt, mang tính toàn diện, cơ bản và lâu dài, thể hiện tư duy đổi mới của Đảng, Nhà nước đối với công tác kiều bào, là kim chỉ nam cho hành động của cả hệ thống chính trị.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện thân mật với bà con kiều bào tại buổi
tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu dự chương trình Xuân Quê hương năm 2018.
Ảnh: qdnd.vn 

Sau năm 1945, Đảng, Chính phủ coi trọng việc xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đã vận động, kêu gọi được nhiều trí thức kiều bào ở nước ngoài về nước tham gia kháng chiến như: Trần Hữu Tước, Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Hân, Võ Đình Quỳnh, Đặng Văn Ngữ... Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (năm 1954), trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, để đáp ứng nguyện vọng của kiều bào được trở về quê hương xây dựng đất nước, theo Nghị định số 416/TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23/11/1959, Ban Việt kiều Trung ương (nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) được thành lập với nhiệm vụ giúp Chính phủ chỉ đạo công tác hồi hương của Việt kiều; vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của bà con ta sinh sống ở nước ngoài. Sự ra đời của Ban Việt kiều Trung ương thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đối với những người Việt sống xa quê hương.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác vận động kiều bào tham gia công cuộc xây dựng miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước luôn được Đảng, Nhà nước coi trọng đẩy mạnh và đạt được những kết quả tích cực. Ngay sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, kiều bào ta ở nước ngoài, nòng cốt là lực lượng cốt cán, sinh viên du học tại các nước tư bản phát triển đã tích cực tham gia phong trào phản đối chiến tranh, phong trào đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định dưới các hình thức mít tinh, lấy chữ ký vận động nhân dân và dư luận sở tại, chống đàn áp những người kháng chiến. Kiều bào ở nước ngoài là lực lượng nòng cốt vận động nhân dân và chính giới các nước, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam, đấu tranh chống đế quốc Mỹ... Nhiều trí thức và kiều bào đã tình nguyện hồi hương, đem kiến thức và tài sản tích lũy được góp phần xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước.

Sau năm 1975, trước yêu cầu mới của công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh, vừa xây dựng, vừa bảo vệ đất nước, chống bao vây cấm vận và âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch từ bên ngoài, công tác người Việt Nam ở nước ngoài tập trung vào huy động kiều bào tích cực tham gia vào các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Nhiều trí thức Việt kiều yêu nước đã về nước trao đổi, giảng dạy, giới thiệu công nghệ mới. Nguồn kiều hối, hàng hoá do kiều bào gửi về đã góp phần giảm bớt những khó khăn trong nước... 

Để đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) đã đưa ra nhận định và đề ra phương hướng thu hút nguồn lực của kiều bào nhiều hơn vào công cuộc xây dựng đất nước “Người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài đang hình thành một cộng đồng vừa hòa nhập vào xã hội sở tại vừa gắn bó với quê hương. Đảng và Nhà nước ta thông cảm và đánh giá cao lòng yêu nước của đồng bào, sẽ tạo thêm những điều kiện thuận lợi để đồng bào xây dựng khối đoàn kết cộng đồng, tiếp xúc với bà con trong nước, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào công cuộc xây dựng Tổ quốc[1]. Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài được Đảng ta coi trọng, nâng lên một yêu cầu cao hơn. Công tác này phải gắn liền với nhiệm vụ phát huy sức mạnh của toàn dân tộc phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991) biểu dương, khích lệ những đóng góp của kiều bào trong công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời coi trọng việc thông tin tình hình đất nước để bà con hiểu đúng về sự phát triển của đất nước: “Hơn hai triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài có mối quan hệ gắn bó với nhân thân, với quê hương, đất nước. Đảng và Nhà nước ta hoan nghênh bà con giữ gìn bản sắc, truyền thống và giá trị văn hoá dân tộc, tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước, nâng cao tính cộng đồng, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, xây dựng quan hệ tốt đẹp với nhân dân sở tại, đồng thời quan tâm theo dõi, ủng hộ và đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước. Cần tổ chức tốt việc thông tin tình hình trong nước và tạo điều kiện dễ dàng để bà con người Việt ở nước ngoài về thăm đất nước[2] .

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đổi với công tác người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 29/11/1993, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đây là lần đầu tiên, Đảng ta có một nghị quyết riêng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, là sự đổi mới quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng chính sách của Nhà nước. Để bám sát sự phát triển tình hình, nhiệm vụ, tháng 7/1994, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài được thành lập thay thế cho Ban Việt kiều Trung ương và ngày 6/11/1995, Chính phủ đã ra Nghị định số 77/CP đặt Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao. Cũng từ đây, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng, góp phần thực hiện tốt ba trụ cột ngoại giao: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng ( tháng 7/1996) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu cột mốc mới trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta. Đại hội VIII là Đại hội tiếp tục đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đánh giá về những đóng góp của kiều bào trong sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, Đảng ta nhấn mạnh: “Đồng bào ta ở nước ngoài cũng ngày càng hướng về quê hương vì đại nghĩa ấy”; đồng thời đề ra mục tiêu, phương hướng: “Đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay đang định cư ở nước ngoài. Phát huy sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc, truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc vì mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh[3].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001), bên cạnh việc khẳng định vai trò của kiều bào ngày càng cao trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tư duy của Đảng về vị trí, vai trò của kiều bào được rõ hơn, cụ thể hơn: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đảng và Nhà nước chăm lo cung cấp thông tin về tình hình đất nước, bảo hộ quyền lợi chính đáng của đồng bào, nâng cao lòng yêu nước và trách nhiệm công dân, ý thức cộng đồng, tinh thần tự trọng và tự hào dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tôn trọng pháp luật nước sở tại và góp phần tăng cường đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước. Có những chính sách tạo điều kiện thuận lợi để kiều bào về thăm quê hương, mở mang các hoạt động văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, góp phần thiết thực xây dựng đất nước[4].

Chính những quan điểm của Đại hội IX và thực tiễn quá trình lãnh đạo thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài là cơ sở để ngày 26/3/2004, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW - Nghị quyết đầu tiên về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đánh giá về những đóng góp của kiều bào, Nghị quyết nhấn mạnh: “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tiềm lực kinh tế nhất định, có mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nước ngoài và quốc tế, có khả năng tìm kiếm đối tác và làm cầu nối với các doanh nghiệp, tổ chức trong nước. Nhiều trí thức có trình độ học vấn và chuyên môn cao; một số người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các công ty và tổ chức quốc tế, có khả năng tạo dựng quan hệ với các cơ sở kinh tế, khoa học ở nước sở tại. Mặc dù sống xa Tổ quốc, đồng bào luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống văn hóa và hướng về cội nguồn, dòng tộc, gắn bó với gia đình, quê hương. Nhiều người đã có những đóng góp về tinh thần, vật chất và cả xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước[5].

Để phát huy tốt nhất mọi nguồn lực của kiều bào trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta nhấn mạnh và coi trọng “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước[6]. Nghị quyết đề ra 4 chủ trương, phương hướng và 9 nhiệm vụ chủ yếu của công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới. Những quan điểm cơ bản của Nghị quyết 36 chứng minh hết sức sinh động trong thực tiễn, một lần nữa được khẳng định lại trong các văn kiện của Đại hội, làm cơ sở cho sự thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động và được thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013. Điều này đã tạo cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc cho sự nghiệp đại đoàn kết, tập hợp đồng bào cả trong và ngoài nước cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa Việt Nam vượt qua mọi thách thức, trường tồn và không ngừng phát triển.

leftcenterrightdel
Kiều bào vui đón Tết 2021. Ảnh: tienphong.vn 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (tháng 4/2006) tiếp tục khẳng định và đề cao vai trò của kiều bào trong sự nghiệp phát triển đất nước: “Đối với đồng bào định cư ở nước ngoài: Hiện nay nước ta có khoảng gần ba triệu người đang sinh sống và làm ăn ở khoảng 80 nước trên thế giới... Đây là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước[7]. Để quan tâm hơn nữa đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng ta khẳng định: "Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ đồng bào ổn định cuộc sống, chấp hành tốt pháp luật các nước sở tại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đồng bào. Làm tốt công tác thông tin trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tình hình trong nước và các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Có chính sách khuyến khích người Việt Nam, trí thức Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, góp phần xây dựng đất nước; khen thưởng những người có nhiều thành tích đóng góp cho Tổ quốc"[8].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 01/2011) tiếp tục xác định: “Đồng bào định cư ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng đất nước[9].

Trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đòi hỏi cần được tăng cường, đẩy mạnh nhằm phát huy vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong khối đại đoàn kết toàn dân, vì sự nghiệp chung của cả dân tộc, ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Sau hơn 10 năm thực hiện, với nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, các ngành và các địa phương, việc phát huy sức mạnh của kiều bào trong khối đại đoàn kết dân tộc vì sự nghiệp chung đã thu được những thành quả quan trọng. Nhiều chính sách mới mang tính đột phá và thông thoáng, cơ bản xóa bỏ các rào cản phân biệt giữa đồng bào trong nước và ngoài nước, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích thiết thân của kiều bào trên các vấn đề quốc tịch, đất đai, nhà ở, miễn thị thực, đầu tư, ngoại hối, cư trú, hồi hương…, tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở tất cả các địa bàn, tăng thêm mối liên kết, gắn bó ruột thịt của kiều bào với đất nước, đưa nhận thức người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” ngày càng đi vào thực tế cuộc sống. Trên cơ sở tổng kết, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Chỉ thị 45 đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm, là cơ sở để các cấp, các ngành thực hiện tốt hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 01/2016) tiếp tục đề ra phương hướng cụ thể đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài:  "Nhà  nước hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước[10].

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 02/2021), Đảng ta tiếp tục thể hiện sự đổi mới tư duy trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài: “Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hội nhập xã hội nước sở tại. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh... Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc[11].

Để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả hơn Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, ngày 12/8/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12-KL/TW về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Sau 16 năm thực hiện Nghị quyết 36 và 5 năm thực hiện Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được kết quả tích cực. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã thực sự là bộ phận không tách rời; là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Việc Bộ Chính trị ban hành Kết luận 12 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán và đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về củng cố vững chắc đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam; tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài nhằm phát huy mạnh mẽ sức mạnh toàn dân tộc cho phát triển đất nước; thúc đẩy thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài toàn diện và mạnh mẽ hơn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội nước sở tại, giúp kiều bào tiếp tục nâng cao tự hào, tự tôn dân tộc và hướng về cội nguồn, đồng thời có chính sách phù hợp để đồng bào đóng góp hiệu quả vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thể hiện rõ tình cảm và trách nhiệm của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đáp ứng nguyện vọng chính đáng, từ đó động viên, khích lệ đồng bào tiếp tục nỗ lực vươn lên, khơi dậy tiềm năng, phát huy nguồn lực to lớn và hướng về quê hương, đất nước.

Để tiếp tục thực hiện tốt và hiệu quả hơn Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Kết luận 12 của Bộ Chính trị đề ra 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đòi hỏi các ban, bộ, ngành, địa phương phải tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Có như vậy mới góp phần thu hút hiệu quả hơn nữa nguồn lực của 5,3 triệu đồng bào ta ở nước ngoài vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và xây dựng một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại.

Ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 169/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 - 2026. Theo đó, ban hành kèm theo Chương trình hành động của Chính phủ và Danh mục một số nhiệm vụ, đề án cụ thể triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021 - 2026.

Sự phát triển tư duy của Đảng về công tác người Việt Nam ở nước ngoài qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt, góp phần phát huy hơn nữa sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, nguồn lực của các lực lượng, nhất là nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường./.

 

 


[1] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh/đại hội VI/Báo cáo chính trị

[2] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh/đại hội VII/Báo cáo chính trị

[3] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh/đại hội VIII/Báo cáo chính trị

[4] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh/đại hội IX/Báo cáo chính trị

[5] Nghị quyết số 36- -NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

[6] Nghị quyết số 36- -NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài

[7] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh/đại hội X/Báo cáo chính trị

[8] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh/đại hội X/Báo cáo chính trị

[9] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh/đại hội XI/Báo cáo chính trị

[10] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh/đại hội XII/Báo cáo chính trị

[11] https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh/đại hội XIII/Báo cáo chính trị

 
Peter Hồng, Ủy viên TWMTTQ Việt Nam,Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực