Phát huy vai trò của doanh nhân kiều bào trong xây dựng và phát triển đất nước

Thứ hai, 10/10/2022 15:54
(ĐCSVN) - Trải qua 36 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cùng với toàn Đảng, toàn dân, đội ngũ doanh nhân kiều bào luôn được đánh giá là thế mạnh, là nguồn lực đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Đoàn gồm gần 100 kiều bào tiêu biểu từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới về dự Chương trình “Xuân Quê hương 2018 – Việt Nam rạng ngời tương lai" (Nguồn: báo Quân đội Nhân dân)

Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”. Trải qua 36 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cùng với toàn Đảng, toàn dân, đội ngũ doanh nhân kiều bào luôn được đánh giá là thế mạnh, là nguồn lực đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao” thì hơn bao giờ hết việc phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), đặc biệt là doanh nhân kiều bào về đầu tư, xây dựng quê hương là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo.

Quán triệt và thực hiện 12 định hướng lớn phát triển đất nước, nhất là định hướng về phát triển kinh tế; định hướng về thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2030 mà Đại hội XIII của Đảng đề ra; tinh thần Nghị quyết số 36-NQ-TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới; Nghị quyết 169/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2021-2026, cộng đồng NVNONN nói chung, doanh nhân kiều bào nói riêng ngày càng thể hiện rõ vai trò là thế mạnh, là nguồn lực đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vai trò, những đóng góp quan trọng của kiều bào nói chung, cộng đồng doanh nhân, trí thức kiều bào nói riêng trong quá trình phát triển đất nước

 Đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp đoàn đại biểu Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài năm 2020 (BAOOV).

Hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển. Có khoảng 500.000 đến 600.000 doanh nhân, trí thức có trình độ cao (chiếm 10-12% trong cộng đồng NVNONN), tích cực tham gia “hiến kế” cho lãnh đạo Đảng, nhà nước nhiều vấn đề quan trọng, như nhân lực chất lượng cao, tài chính, thương mại và đầu tư, công nghệ, trí tuệ nhân tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phòng chống dịch bệnh, mô hình phát triển kinh tế…Người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng chứng tỏ được trí tuệ và tài năng của mình trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân, trí thức kiều bào (gốc Việt) có trình độ, năng lực cao, có uy tín trong giới khoa học quốc tế...đã thành danh và góp mặt trong danh sách các tỷ phú thế giới; trở thành các chính trị gia, nhà quản lý, lãnh đạo ở một số nước như Mỹ, Đức, Australia, Pháp, Nhật... Dù sống ở nước ngoài, nhưng trái tim, khối óc và dòng máu “Lạc hồng” của NVNONN luôn hướng về Tổ quốc. Các doanh nhân, trí thức kiều bào sẵn sàng, khao khát trở về đầu tư làm giàu và xây dựng quê hương, đất nước.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/5/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà ĐTNN đạt trên 11,71 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 53,4%, nhưng vốn điều chỉnh và GVMCP tăng mạnh lần lượt là 45,4% và 51,6%. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Việt Nam đã thu hút được 34.700 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 418,8 tỷ USD đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó có 376 dự án FDI của kiều bào đang sinh sống tại 29 quốc gia trên thế giới đầu tư về nước với tổng vốn đăng ký khoảng 1,72 tỷ USD, các dự án này tập trung tại 42/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam và tập trung vào nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm đa số. Tuy nhiên, con số này mang tính tương đối, vì đây là thống kê theo hướng đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, còn đầu tư gián tiếp thông qua kiều hối và hình thức đầu tư về nước khác thì rất lớn, vì trung bình, 1 năm kiều hối về Việt Nam khoảng hơn 10 tỷ USD, điển hình, năm 2021 kiều hối về Việt Nam đạt 12,5 tỷ USD. Đây là nguồn vốn rất lớn phục vụ tích cực vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam”.

Theo Ngân hàng Thế giới, từ năm 2016-2021, tổng kiều hối về nước đạt hơn 89,1 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 6% hàng năm. Trong bối cảnh các nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2021 là 18,1 tỉ USD (tăng 10% so với năm 2020), tương đương gần 5% tổng thu nhập quốc gia. Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.

 Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019 đã thu hút sự tham gia của hơn 100 trí thức trẻ Việt Nam đang học tập và làm việc ở 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: Báo Thế giới và Việt Nam).

Cộng đồng doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài phát triển mạnh mẽ, gia tăng vị thế ở quốc gia sở tại và có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, kết nối với doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương trong nước. Các chương trình do doanh nhân kiều bào tổ chức đã rất thành công như: Diễn đàn kiều bào toàn cầu lần thứ nhất tại Seoul - Hàn Quốc (năm 2019), thu hút đông đảo doanh nghiệp kiều bào trên thế giới tham gia và đã có 33 ghi nhớ hợp tác với tổng trị giá 10 triệu USD đã ký, triển khai tại Việt Nam; Hội nghị xúc tiến Thương mại Thái Lan - Việt Nam quốc tế mở rộng TVITEC  thu hút hơn 500 đại biểu từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự; 80 gian hàng và hơn 20 ghi nhớ hợp tác đã được ký kết giá trị 38 triệu đô la. Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) đã phối hợp, tham dự các Diễn đàn doanh nghiệp Việt kiều châu Âu tại Warsaw (Ba Lan); Chương trình kết nối Doanh nghiệp Malaysia - Việt Nam và các nước tại Malaysia. Hiệp hội và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc hưởng ứng, hỗ trợ Hội nghị “Ngày hội hàng Việt Nam chất lượng cao tại Melbourn, Úc”.

Đặc biệt, từ năm 2020 và đến nay, Hiệp hội đã chủ trì tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại thu hút các doanh nghiệp kiều bào hợp tác, đầu tư tại Việt Nam, bao gồm: Hội nghị Kết nối doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Hoa Kỳ (13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và 10 bang Hoa kỳ) nhằm phát huy nguồn lực kiều bào vào đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản với tổng giá trị gần 100 triệu đô la. Hiện nay, BAOOV đang phối hợp với chi hội BAOOV tại Lào, Mông cổ chuẩn bị tổ chức Hội nghị quốc tế xúc tiến thương mại, đầu tư Lào 2022 (tháng 11/2022), Mông cổ (tháng 11/2022) …

Có thể nói, những hoạt động thiết thực đã mang hình ảnh của Hiệp hội đến gần hơn với cộng đồng doanh nghiệp và các bên có liên quan, góp phần quan trọng quảng bá các doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế. Hàng trăm nghìn doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực tham gia liên kết, thúc đẩy xuất nhập khẩu, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đóng góp kể trên, những khi đất nước gặp khó khăn thì đồng bào ta ở nước ngoài nói chung, các doanh nhân kều bào nói riêng luôn sát cánh, hướng về Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực. Kiều bào cũng tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông, quyên góp tiền và hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ đồng ủng hộ Trường Sa và “Quỹ vì biển, đảo Việt Nam”; quỹ phòng, chống COVID -19… ngày càng làm sâu sắc hơn “Tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Những thuận lợi và khó khăn khi doanh nhân kiều bào về đầu tư tại Việt Nam

Hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Hoa Kỳ năm 2020 (điểm cầu TP Hồ Chí Minh). (Ảnh: Hữu Huy).

Trong lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam, thời gian qua, doanh nhân kiều bào cũng gặp nhiều thuận lợi. Trước tiên phải kể tới đó là Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách tích cực thu hút đầu tư của cộng đồng NVNONN nói chung và doanh nhân kiều bào nói riêng. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chính sách phù hợp để cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển đất nước: Khuyến khích người Việt Nam, trí thức Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, góp phần xây dựng đất nước; bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng cho kiều bào; ban hành các cơ chế mới, hình thành “sân chơi” bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp của kiều bào. Bên cạnh đó còn có thuận lợi nữa là kiều bào luôn hướng về Tổ quốc, có mong muốn góp sức để xây dựng quê hương, đất nước. Đồng thời, việc đi lại của kiều bào về nước hiện nay rất thuận lợi do chính sách miễn visa cho kiều bào về nước. Hơn nữa, việc thành công trong kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam thời gian qua cũng góp phần làm gia tăng uy tín, sự an toàn của Việt Nam, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích bà con về nước sinh sống và đầu tư, kinh doanh.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đưa ra nhiều chính sách cởi mở, tạo thuận lợi cho các doanh nhân kiều bào về nước. Cụ thể, đối với người Việt Nam ở nước ngoài khi đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam theo Luật Đầu tư năm 2020, nếu người dân còn quốc tịch Việt Nam thì được áp dụng các cơ chế chính sách, ưu đãi thủ tục như đối với người Việt Nam, còn đối với kiều bào có quốc tịch Việt Nam và có quốc tịch nước ngoài thì Luật quy định bà con được phép lựa chọn chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện nay doanh nhân kiều bào đầu tư tại Việt Nam cũng còn gặp một số khó khăn nhất định. Đó là công tác tuyên truyền, vận động và kết nối người Việt Nam ở nước ngoài chưa được như kỳ vọng do thiếu nguồn lực. Nhiều kiều bào còn chưa nắm rõ chủ trương, chính sách của nhà nước. Một khó khăn nữa là theo quy định hiện hành, không còn các chính sách ưu đãi đầu tư áp dụng riêng cho kiều bào, do vi phạm các cam kết quốc tế về phân biệt đối xử mà Việt Nam là thành viên. Đặc biệt, hiện, nhà đầu tư kiều bào cũng gặp khó khăn về thủ tục quy trình giấy tờ, tính minh bạch chi phí và thiếu am hiểu tường tận về đặc điểm vị trí địa lý nơi đầu tư. Một số quy định chậm hơn thực tế cũng làm chậm nghiệm thu dự án, làm tăng chi phí vốn của các nhà đầu tư…

Giải pháp để thu hút đầu tư của doanh nhân kiều bào đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước

 

Ông Peter Hồng, Ủy viên TWMTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.

Một là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đề cao trách nhiệm của các tổ chức trong thực hiện có hiệu quả Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Rà soát tổng thể và toàn diện các chương trình, kế hoạch công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua, đánh giá làm rõ những mặt được cũng như những bất cập, tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm; phân tích kỹ các nguyên nhân khách quan và chủ quan; đề ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới, thực sự làm cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là “bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam” trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch.

Hai là, phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, sửa đổi, ban hành Luật Quốc tịch, Luật Đất đai … cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân nói chung và kiều bào nói riêng, nhằm bảo hộ và tạo điều kiện cho doanh nhân, kiều bào đầu tư kinh doanh. Phải quyết liệt thực hiện đột phát về cải cách các thủ tục hành chính về xuất nhập cảnh, đầu tư, kinh doanh, làm việc, mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư; chủ động tháo gỡ các điểm nghẽn về giải quyết về thủ tục đầu tư. Hình thành trung tâm (viện, văn phòng….) liên kết với hội luật sư các nước tư vấn, trọng tài pháp luật đầu tư cho các doanh nghiệp kiều bào khi ký kết, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trong nước, hạn chế thấp nhất những tranh chấp thương mại trong hợp tác đầu tư; tăng cường đưa thông tin chính thống về pháp luật, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như hỗ trợ doanh nhân kiều bào tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh. Việc kết nối và hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc từ thông tin chính thống sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư của kiều bào vào các dự án tốt và hiệu quả, đồng thời tránh làm nản lòng bà con kiều bào do thiếu thông tin về pháp luật.

Ba là, có thể xem xét huy động vốn của kiều bào bằng cách phát hành trái phiếu trong những dự án công như cầu, đường cao tốc, khu công nghiệp, v.v…như vậy sẽ giúp gia tăng lượng kiều hối được huy động, dòng tiền được đảm bảo. Đó là nguồn đầu tư minh bạch, có uy tín từ Nhà nước sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn.

Bốn là, khuyến khích việc hình thành các hiệp hội chuyên ngành với các hoạt động thiết thực như thành lập các câu lạc bộ trí thức kiều bào, các Hiệp hội doanh nhân kiều bào; xây dựng, triển khai các chính sách ưu đãi và thu hút những chuyên gia, trí thức kiều bào có tŕnh độ chuyên môn cao, xây dựng những đầu mối về xuất nhập khẩu và hỗ trợ đầu tư đi ra nước ngoài.

Năm là, có chính sách thu hút các nguồn lực để xây dựng và tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam toàn cầu (bao gồm các chương trình kết nối trực tiếp và nền tảng kết nối online) nhằm quy tụ, tập hợp trí thức, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, kết nối các hoạt động về khoa học công nghệ (đào tạo, chia sẻ tri thức, chuyển giao công nghệ), các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại … để tạo ra những giá trị cụ thể, đóng góp trực tiếp cho hoạt động đổi mới sáng tạo cũng như nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Sáu là, thường xuyên tổ chức các hoạt động diễn đàn, xúc tiến đầu tư hướng tới việc hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động đầu tư, thương mại hoặc tiếp nhận thông tin, hợp tác thực hiện dự án đã có; tạo lập môi trường trao đổi, cung cấp thông tin, tương tác, đàm phán, thỏa thuận hợp tác; tổ chức sự kiện; góp phần định hướng và xác định mô hình, dự án đầu tư; phát hiện và xử lý vướng mắc; thu hút vốn đầu tư vào những dự án chính thống, dự án tốt và hiệu quả; đồng thời tránh làm nản lòng của doanh nhân kiều bào do thiếu thông tin về pháp luật.

Bảy là, đề cao trách nhiệm và tăng phối hợp giữa BAOOV với các bộ, ban, ngành, nhất là với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm cho hàng xuất khẩu Việt Nam vào các nước, nhất là nông sản, thủy hải sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu chính ngạch, giá cả cạnh tranh với các nước, không thông qua nhiều khâu trung gian, tạo được uy tín với đối tác.

Tám là, kết nối hệ thống doanh nghiệp Việt kiều và doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa địa phương; tăng cường kết nối doanh nhân trong nước và ngoài nước thông qua kênh thông tin điện tử. Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm sự đồng hành, hợp tác giữa các doanh nhân kiều bào với các doanh nhân trong nước trong đầu tư, kinh doanh, phát triển đất nước./.

 

Peter Hồng, Ủy viên TWMTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực