Bão Trà Mi quét qua miền Trung: Nhà tốc mái, đường ngập, cây đổ

Chủ nhật, 27/10/2024 20:51
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bão Trà Mi quét qua miền Trung: Nhà tốc mái, đường ngập, cây đổ; Bình Thuận: Tìm được 5 trong 6 du khách mất tích do bị lật sup ở Phú Quý; Số người thiệt mạng do bão Trami tại Philippines tiếp tục tăng… là một số tin đáng chú ý hôm nay (27/10).
Bão Trà Mi quét qua miền Trung: Nhà tốc mái, đường ngập, cây đổ
Hơn 900 cây xanh tại Đà Nẵng ngã, đổ do bão Trà Mi. (Ảnh: plo.vn).

Chiều 27/10, các địa phương miền Trung bao gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Bình đã có báo cáo sơ bộ về thiệt hại do bão Trà Mi gây ra, với nhiều tổn thất đáng kể về nhà cửa, cây xanh và hạ tầng giao thông.

Tại Đà Nẵng, bão Trà Mi đã khiến 62 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có 9 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, và 53 ngôi nhà tốc mái một phần. Ngoài ra, cơn bão cũng làm 51 ngôi nhà tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, bị ngập lụt. Đến 17 giờ chiều, nước đã rút nhưng nhiều tài sản vẫn bị thiệt hại. Bên cạnh đó, hơn 900 cây xanh trên địa bàn thành phố bị ngã đổ, trong đó nhiều nhất là tại Hòa Vang với 439 cây. Ngành điện lực cũng ghi nhận ba sự cố lưới điện 110kV, 177 trạm biến áp và một tuyến 22kV bị gián đoạn. Tuy nhiên, công tác khắc phục đang được tiến hành, dự kiến sẽ hoàn tất và khôi phục điện trước 18 giờ cùng ngày.

Bão Trà Mi còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đường ven sông ở Đà Nẵng. Đoạn đường Như Nguyệt gần cầu Thuận Phước bị ngập nước sông, với khoảng 150m đường ngập sâu và bị hư hỏng vỉa hè. Sóng lớn khiến trụ đèn trang trí bị ngã đổ, đất và cát tràn lên vỉa hè, gây mất an toàn giao thông. Hàng loạt biển báo và đèn tín hiệu giao thông cũng bị hư hỏng do gió mạnh. Trước tình hình này, đồng chí Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành nhanh chóng khắc phục, dọn dẹp cây ngã, đảm bảo giao thông và vệ sinh môi trường nhằm sớm khôi phục đời sống sinh hoạt của người dân.

Tại Thừa Thiên Huế, tình hình không kém phần nghiêm trọng khi mưa to gió lớn cùng nước biển dâng cao làm ngập lụt nhiều tuyến đường, đặc biệt là khu vực ven biển. Sóng lớn gây hư hỏng nhiều công trình và làm tốc mái một số nhà dân. Ở khu vực ven biển Thuận An, thành phố Huế và xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, nước biển dâng cao làm ngập nhiều tuyến đường và khu dân cư với mức ngập sâu từ 0,5m đến 1m. Để đảm bảo an toàn, Bộ đội Biên phòng Cảng Thuận An đã cắm biển cảnh báo và giám sát nghiêm ngặt các khu vực nguy hiểm, đồng thời huy động lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, phát quang cây xanh ngã đổ và dọn dẹp đường phố.

Đáng chú ý ở Quảng Bình có  một trường hợp mất tích đã xảy ra. Anh Lê Ngọc Hơn, 22 tuổi, đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ tại khu vực hạ lưu đập Thanh Sơn thuộc xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, thì bị nước lũ cuốn trôi mất tích. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng quân sự, công an và các cơ quan cứu hộ để tìm kiếm anh Hơn, nhưng hiện vẫn chưa có thông tin mới về tình hình tìm kiếm. Do mưa lớn kéo dài, mực nước tại sông Kiến Giang và các hồ đập ở khu vực này tiếp tục dâng cao, gây ngập lụt nhiều tuyến đường, như đường 30 và đường An Sơn. Chính quyền huyện Lệ Thủy đã khẩn trương sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, di dời 73 hộ với hơn 200 người tại bản Mít Cát, xã Kim Thủy, cùng hơn 50 hộ dân ở các xã Lâm Thủy, Thái Thủy và Kim Thủy đến nơi an toàn.

Bão Trà Mi đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề tại miền Trung, từ nhà cửa đến hạ tầng giao thông, cây xanh và các công trình dân sinh. Các địa phương đang nỗ lực triển khai công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và sớm ổn định lại cuộc sống sau bão.

 6 du khách chèo sup bị sóng đánh lật thuyền, đã cứu được 5 người, 1 người đang mất tích (Ảnh: Tiền Phong)

Bình Thuận: Tìm được 5 trong 6 du khách mất tích do bị lật sup ở Phú Quý

Sáng 27/10, đại diện huyện đảo Phú Quý (tỉnh  Bình Thuận) thông tin, lúc 7 giờ 45 phút sáng nay, lực lượng chức năng đã tìm thấy và cứu nạn thành công thêm 1 du khách mất tích khi chèo sup bị sóng biển cuốn trôi.

Đó là chị T. (sinh năm 2005, ngụ tại Lâm Đồng), may mắn sống sót được do mặc áo phao trước lúc sự cố xảy ra và được tìm thấy sáng nay, đưa vào bờ an toàn. Du khách này đã được đưa đến trung tâm y tế để chăm sóc sức khỏe.

Trong 6 du khách rơi xuống biển, hiện tại đã cứu được 5 người, chỉ còn 1 nam du khách vẫn đang được lực lượng chức năng huyện Phú Quý và các tàu thuyền tiếp tục tìm kiếm.

Trước đó, khoảng 18 giờ 10 phút ngày 26/10, nhóm khách 6 người ra bãi biển thuộc xã Long Hải tắm và sử dụng 2 thuyền sup để chèo. Khi cách bờ khoảng 200m, do sóng lớn đánh lật thuyền, cả 6 du khách rơi xuống biển. Ngay sau đó, 3 người được cứu sống và 1 du khách tự bơi được vào bờ ngay trong đêm hôm qua.

Số người thiệt mạng do bão Trami tại Philippines tiếp tục tăng

Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão Trami tại Camarines Sur, Philippines, ngày 24/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN )

Ngày 27/10, các nhân viên cứu hộ ở Philippines đang tích cực tìm kiếm hàng chục nạn nhân còn mất tích do bão Trami (tên địa phương là Kristine, còn Việt Nam gọi là bão số 6), trong khi số người thiệt mạng đã lên tới 100. 

Bão Trami đổ bộ vào Philippines ngày 24/10. Đây là một trong những cơn bão cướp đi sinh mạng của nhiều người nhất tại quốc gia Đông Nam Á này trong năm nay.

Theo thống kê của cơ quan thảm họa quốc gia Philippines, bão Trami đã buộc khoảng 560.000 người phải di dời và ít nhất 36 người vẫn mất tích. Hàng trăm ngôi làng ở miền Bắc Philippines chìm trong biển nước. Hơn 5,7 triệu người ở 16 vùng bị ảnh hưởng, cùng thiệt hại cơ sở hạ tầng ước tính lên tới 825 triệu peso (khoảng 14 triệu USD), trong khi thiệt hại về nông nghiệp là hơn 1,43 tỷ peso (24,5 triệu USD). Giới chức Philippines đã ban bố tình trạng thảm họa đối với 84 thành phố và thị trấn.

Bicol ghi nhận 38 người thiệt mạng, trong khi vẫn còn nhiều người ở tỉnh Camarines Sur của khu vực này bị mắc kẹt trên mái nhà. Trong khi đó, số người thiệt mạng ở Batangas, phía Nam Manila, đã tăng lên 55 người.

Văn phòng Phòng vệ dân sự Philippines thuộc Bộ Quốc phòng nước này cho biết số người thiệt mạng có thể còn tăng trong những ngày tới khi lực lượng cứu hộ có thể tiếp cận những nơi bị cô lập. 

Mỗi năm có khoảng 20 trận bão lớn đổ vào Philippines hoặc vùng biển xung quanh, gây thiệt hại về nhà cửa, cơ sở hạ tầng và làm nhiều người thiệt mạng. Một nghiên cứu gần đây cho thấy các trận bão ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh chóng và kéo dài hơn trên đất liền do biến đổi khí hậu.

  

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực