Bắt 8 đối tượng, thu giữ gần 42.000 viên ma túy tổng hợp
Ngày 16/5, thông tin từ Đoàn đặc nhiệm Phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung (Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh thành công Chuyên án A2-124P, bắt 8 đối tượng, thu giữ gần 42.000 viên ma túy tổng hợp.
|
Tang vật 29.800 viên ma túy tổng hợp bị thu giữ ngày 22/1/2024. (Ảnh: QĐND) |
Theo đó, vào hồi 2 giờ 40 phút, ngày 14/5/2024, thực hiện kế hoạch đấu tranh giai đoạn 2 Chuyên án A2-124P, tại thôn Xuân Hòa (xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm miền Trung chủ trì phối hợp với Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh Quảng Trị), phòng PC04 (Công an tỉnh Quảng Trị) bắt đối tượng Trần Hữu Cương (sinh năm 2001, trú tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) vận chuyển 12.000 viên nén màu hồng, có mùi thơm đặc trưng của ma túy. Bước đầu, đối tượng Trần Hữu Cương khai nhận đã mua số ma túy trên của 1 đối tượng không rõ lai lịch ở thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) với mục đích về bán kiếm lời.
Trước đó, ngày 22/1/2024, tại thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), lực lượng Ban chuyên án A2-124P đã bắt giữ các đối tượng Đoàn Anh Duy (sinh năm 1992), Cao Sỹ Dương (sinh năm 2006), Cao Ngọc Dưỡng (sinh năm 1996) cùng trú tại Quảng Bình; Võ Quốc Mận (sinh năm 1996), Trần Tý (sinh năm 1999), Trương Văn Tâm (sinh năm 1992) cùng trú tại Quảng Trị và Lê Hải Nam (sinh năm 1990) trú tại tỉnh Thừa Thiên Huế). Các đối tượng này đã bị khởi tố tội danh mua bán trái phép 29.800 viên ma túy tổng hợp.
Như vậy, trải qua 2 giai đoạn, lực lượng đánh án đã bắt giữ 8 đối tượng, thu giữ gần 42.000 viên ma túy tổng hợp.
Viện Kiểm sát đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của 11 bị cáo vụ Việt Á
Chiều 16/5, sau hơn 1 ngày xét hỏi, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã nêu quan điểm giải quyết đối với các nội dung kháng cáo của 11 bị cáo và 4 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).
Theo Viện Kiểm sát, trong vụ án này, Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á có vai trò cao nhất, điều hành mọi hoạt động và chỉ đạo liên quan tới các hành vi vi phạm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đây là tình tiết tăng nặng đối với bị cáo Phan Quốc Việt.
Bên cạnh đó, việc bị cáo Việt nộp khắc phục thêm 200 triệu đồng là quá nhỏ so với những hậu quả đã gây ra trong vụ án này, do đó Viện Kiểm sát cho rằng không có căn cứ để chấp thuận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
|
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị tòa phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của 11 bị cáo và 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. (Ảnh: tienphong.vn)
|
Với bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, tuy đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận hối lộ là 2,25 triệu USD, đồng thời nộp khắc phục thêm 1 tỷ đồng cho Phan Quốc Việt, tuy nhiên Viện Kiểm sát đánh giá, tòa cấp sơ thẩm tuyên án 18 năm tù đối với bị cáo Long dưới mức thấp nhất của khung hình phạt là phù hợp, do đó đề nghị không chấp thuận kháng cáo.
Ngoài ra, 9 bị cáo khác trong vụ án này cũng bị bác kháng cáo gồm: Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á; Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế-kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; Phạm Duy Tuyến, cựu Giám đốc CDC Hải Dương; Nguyễn Nam Liên, cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế; Nguyễn Trường Giang, Tổng giám đốc Công ty VNDAT; Ngụy Thị Hậu, cựu Phó trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch, CDC Bắc Giang; Trần Thị Hồng, nhân viên Công ty Việt Á; Lê Thị Hồng Xuyên, nhân viên CDC Bình Dương; Trần Thanh Phong, Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán, CDC Bình Dương. Theo đại diện Viện Kiểm sát, mức án tòa sơ thẩm đã tuyên đối với các bị cáo này là phù hợp, dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố, do đó dù khắc phục thêm hậu quả, hoặc cung cấp thêm một số tình tiết, nhưng không đủ căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Liên quan tới 3 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bác các nội dung kháng cáo.
Viện Kiểm sát cho rằng, số tiền hơn 412 tỷ đồng trong 52 sổ tiết kiệm đứng tên bà Đàm Thị Trinh (mẹ Phan Quốc Việt) và 2 sổ tiết kiệm trị giá 20 tỷ đồng đứng tên con chung của Việt và chị Hồ Thị Thanh Thủy là số tiền được xác định có được trong giai đoạn phạm tội, do đó đề nghị tiếp tục kê biên để khắc phục hậu quả vụ án.
Bên cạnh đó, các nội dung kháng cáo của Công ty Việt Á cũng không được Viện Kiểm sát chấp thuận, do đó yêu cầu khắc phục hậu quả số tiền hơn 833 tỷ đồng, trong đó hậu quả vụ án đã được khắc phục hơn 170 tỷ đồng, còn lại hơn 633 tỷ đồng.
Bắt đầu diễn tập quân sự Rồng Vàng lần thứ 6 tại Campuchia
Ngày 16/5, quân đội Campuchia và Trung Quốc đã bắt đầu cuộc diễn tập chung thường niên Rồng Vàng lần thứ 6 tại tỉnh Kampong Chhnang, Vương quốc Campuchia.
|
Diễn tập quân sự Rồng Vàng lần thứ 6 tại Campuchia. (Ảnh: AP)
|
Trung tướng Thong Solimo, người phát ngôn Quân đội Hoàng gia Campuchia, cho biết tương tự như các cuộc diễn tập thường niên đã được tổ chức trong 5 năm qua, hoạt động diễn tập năm nay tập trung vào chủ đề chống khủng bố và hoạt động nhân đạo, nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa quân đội Campuchia và Trung Quốc, cũng như tăng cường an ninh, chống khủng bố ở mỗi nước và trong khu vực.
Cuộc tập trận Rồng Vàng 2024 diễn ra từ ngày 16-30/05/2024 với chủ đề: “Hoạt động chung chống khủng bố và cứu trợ nhân đạo”, được tổ chức tại trung tâm huấn luyện lực lượng Hiến binh Phnum Chum Sen Reak Reay, tỉnh Kampong Chhnang và vùng biển ngoài khơi tỉnh Preah Sihanouk.
Tổng số binh sĩ tham gia cuộc tập trận lần này là 2.075 binh sĩ, trong đó có 1315 binh sĩ Campuchia và 760 binh sĩ Trung Quốc, cùng nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại như: xe bọc thép, trực thăng, tàu chiến, pháo tự hành, các thiết bị rà phá bom mìn,…/.