Bộ Y tế khuyến cáo về tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu
|
Nhân viên y tế tiêm vacvine phòng bệnh bạch hầu cho người dân. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN |
Chiều 11/7, Bộ Y tế đã có khuyến cáo về tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu.
Theo Bộ Y tế, bạch hầu là một bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc nếu không có miễn dịch. Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ra độc tố gây tổn thương đường hô hấp trên và có thể lan ra toàn cơ thể, gây biến chứng nghiêm trọng.
"Hiện nay, đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, do bệnh vẫn chưa được loại trừ ở Việt Nam, việc tiêm vaccine phòng bệnh là biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất", Bộ Y tế nhấn mạnh.
Việc tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu đã được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1985. Hiện nay, vaccine có chứa thành phần bạch hầu đã triển khai tiêm trong chương trình với 3 liều để tạo miễn dịch cơ bản cho trẻ dưới 1 tuổi và 1 liều nhắc lại khi trẻ 18-24 tháng tuổi. Đến nay, căn cứ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và theo xu hướng quốc tế, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT trong đó bổ sung thêm một liều vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ 7 tuổi.
Hiện tại Việt Nam hiện triển khai tiêm 5 liều vaccine chứa thành phần bạch hầu cho trẻ từ 2 tháng tuổi, lịch tiêm này hoàn toàn phù hợp theo khuyến cáo của WHO để tạo miễn dịch lâu dài, cũng như lịch tiêm chủng của quốc gia trên thế giới, đảm bảo mức độ miễn dịch cơ bản cần thiết cho trẻ em ở Việt Nam trong các độ tuổi quan trọng.
Cũng theo WHO, việc bổ sung liều vaccine cần dựa trên tình hình dịch tễ học cụ thể của từng quốc gia và đánh giá nguy cơ mắc bệnh. Tại Việt Nam tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu hiện ở mức thấp và hệ thống y tế có thể kiểm soát được các ca bệnh.
Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
Đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, đưa trẻ tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.
Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế. Trong trường hợp tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế.
Người dân không để tâm lý hoang mang, tiếp nhận thông tin sai lệch từ các phương tiện thông tin đại chúng không chính thống, không tự ý tiêm chủng vaccine chứa thành bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vaccine có chứa thành phần bạch hầu.
Trong trường hợp cần thiết, liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn về các biện pháp phòng bệnh, đảm bảo thực hiện tiêm chủng đúng đối tượng, đúng liều và đúng thời điểm cũng như an toàn, hiệu quả phòng bệnh.
Triệt phá ổ nhóm cá độ bóng đá quy mô hơn 200 tỷ đồng
Ngày 11/7, thông tin từ Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, các đơn vị nghiệp vụ vừa phối hợp làm rõ một nhóm đối tượng chuyên cá độ bóng đá qua mạng giải đấu EURO 2024, với số tiền giao dịch đánh bạc hơn 200 tỷ đồng.
|
Một số đối tượng trong đường dây cá độ do Hùng và Phúc cầm đầu. (Ảnh: Vietnamnet.vn) |
Cụ thể, sau một thời gian nắm tình hình, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một nhóm đối tượng trên địa bàn, móc nối với các đối tượng ở tỉnh ngoài để hoạt động cá độ bóng đá quy mô rất lớn. Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, rạng sáng 7/7, Phòng Cảnh sát hình sự và Phòng An ninh mạng, Công an tỉnh Đắk Lắk đã huy động 20 tổ công tác phối hợp đồng loạt khám xét tại 20 địa điểm trên địa bàn huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh Bình Dương, Bình Định và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, 30 đối tượng liên quan đã được đưa về trụ sở Công an tỉnh để làm việc. Cầm đầu nhóm này là Nguyễn Phi Hùng (33 tuổi) và Phạm Hoàng Phúc (34 tuổi) cùng trú tại huyện Ea H’leo.
Bước đầu, Công an đã làm rõ, vào đầu giải đấu EURO 2024, Hùng và Phúc liên hệ với 2 đối tượng chưa rõ nhân thân, lai lịch ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Định để nhận 2 tài khoản tổng cá độ bóng đá. Sau đó, hai đối tượng này chia các tài khoản tổng trên thành nhiều tài khoản nhỏ rồi giao cho các đối tượng trong đường dây để tổ chức cá độ. Từ các tài liệu thu thập được, lực lượng chức năng đã làm rõ, từ đầu mùa giải EURO 2024 đến nay, nhóm đối tượng này đã tham gia cá độ bóng đá với số tiền giao dịch lên đến hơn 200 tỷ đồng.
Hiện, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định tạm giữ hình sự 21 đối tượng để điều tra về hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc…
Động đất làm sập mỏ than ở Ba Lan, hàng chục thợ mỏ mất tích
Ngày 11/7, giới chức Ba Lan cho biết ít nhất 10 thợ mỏ đã bị thương và hàng chục người khác mất tích sau khi một trận động đất mạnh làm rung chuyển mỏ than Rydultowy nằm sâu khoảng 1.200 mét dưới lòng đất.
Người phát ngôn của Tập đoàn khai thác than Ba Lan Aleksandra Wysocka-Siembiga cho biết vụ việc xảy ra vào khoảng 8h ngày 11/7 (giờ địa phương). Theo nhà chức trách, 68 thợ mỏ đang ở trong khu mỏ vào thời điểm đó.
Dịch vụ xe cứu thương địa phương cho hay 15 người đã được đưa lên mặt đất, trong đó có 10 người phải nhập viện. Công tác cứu hộ đang được khẩn trương tiến hành, với sự tham gia của trực thăng cứu thương./.