Cảnh cáo Chánh Thanh tra thành phố Cần Thơ

Thứ bảy, 19/11/2022 20:50
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cảnh cáo Chánh Thanh tra thành phố Cần Thơ; Phát hiện vụ vận chuyển động vật rừng trái phép cực lớn tại Quảng Nam; Khách du lịch đến Hà Nội tăng 5 lần so với năm 2021; Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ra Tuyên bố chung phục hồi kinh tế… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (19/11).

Cảnh cáo Chánh Thanh tra thành phố Cần Thơ

Ngày 19/11, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ xác nhận đã thực hiện quy trình kỷ luật các cá nhân liên quan đến vụ án 'Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng' xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ.

Trao đổi với báo chí, đồng chí Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ cho biết đã triển khai quyết định kỷ luật đối với các cá nhân có vi phạm liên quan vụ án vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ.

 Ông Trần Phước Hoàng, Chánh Thanh tra TP Cần Thơ. (Ảnh: Văn Vĩnh).

Theo đó, ông Trần Phước Hoàng, Chánh thanh tra TP Cần Thơ, ông Bùi Xuân Thành, thanh tra viên chính, cùng 3 cán bộ của Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và đầu tư cùng nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo.

Liên quan vấn đề trên, Giám đốc Sở Nội vụ TP Cần Thơ Châu Việt Tha cho biết, theo thẩm quyền, Sở Nội vụ đã có tham mưu cho UBND thành phố để xử lý kỷ luật về mặt chính quyền đối với ông Trần Phước Hoàng. Các trường hợp còn lại giao cho thủ trưởng cơ quan các sở, ngành xử lý.

Trước đó, qua quá trình điều tra vụ án 'vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng', xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã phát hiện dấu hiệu vi phạm của một số cá nhân là cán bộ công tác tại Thanh tra, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính. Sau khi xem xét không đủ yếu tố cấu thành tội phạm, C03 đã có văn bản kiến nghị Thành ủy Cần Thơ có hình thức kỷ luật nghiêm khắc về mặt Đảng và chính quyền.

Quảng Nam: Phát hiện vụ vận chuyển động vật rừng trái phép cực lớn

Ngày 19/11, Công an huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết vừa phát hiện vụ vận chuyển trái phép hơn 2 tạ động vật rừng gồm mang, chồn, nhím, heo rừng.

Trước đó, vào ngày 17/11, Công an huyện Nam Giang nhận được tin báo của quần chúng về việc có một nhóm đối tượng đang vận chuyển động vật rừng trái phép với quy mô lớn. Công an huyện Nam Giang đã triển khai các tổ công tác tiến hành dừng và kiểm tra ô tô bán tải do Nguyễn Quang Bằng (sinh năm 1995, trú huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển, khi phương tiện đang lưu thông trên tuyến Quốc lộ 14D thuộc thôn Bến Giằng (xã Cà Dy, huyện Nam Giang).

Số động vật rừng không rõ nguồn gốc được Công an huyện Nam Giang bắt giữ. (Ảnh: Bình Minh). 

Qua kiểm tra thùng xe phía sau có một số sắt phế liệu được ngụy trang ở trên, bên dưới là các bao tải chứa 12 cá thể nghi là chồn với trọng lượng 29,9 kg, 1 cá thể nghi là nhím nặng 7 kg, 8 cá thể nghi là mang có trọng lượng 108,6 kg cùng 5 cá thể nghi là heo rừng nặng 111,4 kg.

Tất cả số động vật trên đều đã chết. Trong đó, nhím, mang, heo rừng đều đã bỏ đầu và nội tạng. Tổng trọng lượng của 4 loại này là 259,9 kg.

Ngoài ra, khi kiểm tra trên xe còn phát hiện trong hành lý của Đào Văn Vệ (sinh năm 1992, trú huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá) có 1 túi ni lông chứa một số vảy động vật, 4 sừng động vật, 11 nanh động vật, 3 bộ phận nội tạng động vật. Tất cả đều chưa xác định được chủng loại, nguồn gốc xuất xứ.

Hiện vụ việc đang được Công an huyện Nam Giang tiếp tục điều tra, làm rõ.

Khách du lịch đến Hà Nội tăng 5 lần so với năm 2021

Thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tháng 11/2022 và 11 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội dự kiến tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, tháng 11/2022, khách du lịch quốc tế và nội địa được dự báo tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,61 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, khách du lịch nội địa ước đón 1,35 triệu lượt khách; Khách du lịch quốc tế ước đón khoảng 255,32 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 4,39 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Khách du lịch đến Hà NộiDi tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám - điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tới tham quan. (Ảnh: Hoàng Lân).

Dự kiến, 11 tháng năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 17,02 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đón 1,27 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đón 15,75 triệu lượt khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 48,35 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, kế hoạch trọng tâm trong tháng 12 và cuối năm của ngành Du lịch Thủ đô là triển khai các nội dung tổ chức chương trình Festival Áo dài Hà Nội năm 2022; triển khai một số mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025; tổ chức tọa đàm "Kết nối các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội" năm 2022.

"Ngoài ra, Hà Nội sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện), du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm, du lịch sông Hồng, du lịch bay trực thăng/bay khinh khí cầu, du lịch ứng dụng thực tế ảo... Đây sẽ là những điểm nhấn của du lịch Thủ đô trong thời gian tới", đồng chí Đặng Hương Giang chia sẻ.

Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC ra Tuyên bố chung phục hồi kinh tế

Các nhà lãnh đạo kinh tế APEC đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh quyết tâm đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm, kết nối toàn diện.

Sáng 19/11, tại Bangkok, Thái Lan, các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tiếp tục họp phiên thứ hai của Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 29 với chủ đề “Thương mại và Đầu tư bền vững.”

Các nhà lãnh đạo đã thảo luận thẳng thắn, sâu sắc về tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là tình trạng lạm phát tăng cao và rủi ro suy thoái kinh tế cũng như thách thức nhiều mặt mà khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt.

Các nhà lãnh đạo nhất trí cần có cách tiếp cận mới, toàn diện hơn, cân bằng hơn để vượt qua khó khăn, khắc phục những hạn chế của quá trình tự do hoá thương mại và đầu tư, bảo đảm lợi ích của tất cả các thành phần trong xã hội và các nền kinh tế.

 Toàn cảnh phiên họp thứ hai - Tuần lễ Cấp cao APEC 2022. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Các Mục tiêu Bangkok về mô hình kinh tế sinh học-tuần hoàn-xanh (BCG).

Đây là tài liệu định hướng quan trọng cho việc triển khai chương trình nghị sự của APEC về phát triển bền vững và bao trùm với 4 nội dung chính: i) Đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu trong ứng phó toàn diện với các thách thức về môi trường; ii) Thúc đẩy thương mại và đầu tư bền vững, bảo đảm các chính sách thương mại và đầu tư có tác động tương hỗ đối với các chính sách môi trường; iii) Bảo tồn, quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; iv) Quản lý rác thải bền vững và hiệu quả tài nguyên hướng tới rác thải bằng 0.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo APEC đã giao các bộ trưởng khẩn trương triển khai một cách toàn diện các nội dung hợp tác trên cả 3 trụ cột hợp tác, trong đó đặc biệt chú trọng một số điểm sau:

Về thương mại và đầu tư bền vững: bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, bao trùm và dễ dự đoán; mở cửa thị trường, tạo một sân chơi công bằng thông qua cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thúc đẩy các hiệp định khu vực toàn diện và chất lượng cao; gia tăng tỷ trọng dịch vụ của APEC trong thương mại dịch vụ toàn cầu.

Về kết nối toàn diện khu vực: tạo thuận lợi cho đi lại thông suốt và an toàn qua biên giới sau đại dịch COVID-19; tăng cường kết nối về cơ sở hạ tầng, thể chế, giao lưu nhân dân và kết nối số, chú trọng cả kết nối tiểu vùng, vùng sâu, vùng xa thông qua đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển du lịch bền vững, bao trùm; củng cố và phát triển các chuỗi cung ứng mở, an toàn và tự cường, giảm thiểu đứt gãy chuỗi cung ứng và tiếp tục các nỗ lực xoá bỏ các rào cản đối với các dịch vụ liên quan đến hậu cần.

Về chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng cân bằng, bền vững và bao trùm: đẩy nhanh thực hiện lộ trình kinh tế số/kinh tế Internet để tận dụng các công nghệ, đổi mới sáng tạo và thu hẹp khoảng cách số trong mỗi nền kinh tế và giữa các nền kinh tế; ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bền vững, bảo đảm an ninh lương thực dài hạn; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi xanh và chuyển đổi số./.

Vũ Linh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực