Có thể tiêm mũi 2 vaccine Moderna cho người đã tiêm mũi 1 Pfizer hoặc AstraZeneca

Chủ nhật, 12/12/2021 21:56
(ĐCSVN) - Có thể tiêm mũi 2 vaccine Moderna cho người đã tiêm mũi 1 Pfizer hoặc AstraZeneca; phát hiện hai hộ gia đình trồng hơn 600 cây cần sa tại Đắk Lắk; vụ sập nhà tại Italy khiến 4 người thiệt mạng, 5 người mất tích; động đất làm rung chuyển Tokyo và khu vực miền Đông Nhật Bản,…là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 12/12.

Có thể tiêm mũi 2 vaccine Moderna cho người đã tiêm mũi 1 Pfizer hoặc AstraZeneca

Ngày 12/12, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục Quân Y, Tổng Cục hậu cần (Bộ Quốc phòng), Cục Y tế (Bộ Công an), Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur về việc tiêm mũi 2 vaccine do Moderna sản xuất với các vaccine phòng COVID-19 khác.

Vắcxin ngừa COVID-19 của Moderna. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp nhận vaccine Moderna do COVAX Facility hỗ trợ để tiêm chủng cho người dân.

Ngày 8/9/2021, Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine phòng COVID-19 mũi 1 đã tiêm không còn sản xuất hoặc cung ứng không kịp thời để cung cấp cho mũi nhắc lại thì có thể sử dụng mũi nhắc lại bằng vaccine khác. Cụ thể, nếu tiêm mũi 1 bằng vaccine do Astrazeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; nếu mũi 1 tiêm vaccine do Moderna sản xuất thì mũi 2 có thể tiêm vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng nêu trên, để sử dụng vaccine hợp lý, an toàn và hiệu quả vaccine do Moderna sản xuất, tiếp theo công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 và công văn số 7548/BYT-DP ngày 10/9/2021, Bộ Y tế hướng dẫn như sau:

Những người đã tiêm mũi 1 vaccine nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vaccine đó.

Trong trường hợp nguồn vaccine hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 vaccine do Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine do Pfizer hoặc Astrazeneca sản xuất. Khoảng cách tiêm mũi 2 sau mũi 1 vaccine do Pfizer sản xuất theo hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách sau mũi 1 vaccine do Astrazeneca sản xuất theo công văn số 7820/BYT-DP ngày 20/9/2021 của Bộ Y tế.

Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng phối hợp các loại vaccine phòng COVID-19.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vắc xin được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm an toàn, đúng lịch đảm bảo diện bao phủ đồng thời thông tin đầy đủ cho các đối tượng trước khi tiến hành tiêm chủng để tạo sự đồng thuận cao.

Đối với các Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vaccine được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm an toàn, đúng lịch.

*Cả nước ghi nhận 14.638 ca mắc COVID-19 mới, số ca mắc tại Hà Nội tăng mạnh

Bộ Y tế cho biết, tính từ 16 giờ ngày 11/12 đến 16 giờ ngày 12/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.638 ca mắc mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 14.621 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.483 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố, có 9.377 ca trong cộng đồng.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Thành phố Hồ Chí Minh (1.216 ca), Hà Nội (980 ca), Tây Ninh (920 ca), Đồng Tháp (745 ca), Bến Tre (722 ca), Cà Mau (675 ca), Cần Thơ (669 ca), Khánh Hòa (590 ca), Vĩnh Long (584 ca), Bạc Liêu (563 ca), Sóc Trăng (524 ca), Trà Vinh (475 ca), Đà Nẵng (442 ca), Kiên Giang (384 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (381 ca), Bình Dương (375 ca), Tiền Giang (367 ca), Đồng Nai (366 ca), Thừa Thiên Huế (359 ca),…

Các địa phương ghi nhận số ca mắc giảm nhiều nhất so với ngày trước đó gồm: Bình Phước (1.164 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (225 ca), Khánh Hòa (204 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (432 ca), Đắk Lắk (315 ca), Đà Nẵng (256 ca).

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua 14.833 ca/ngày. Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.413.051 ca mắc, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.332 ca mắc).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca mắc mới ghi nhận trong nước là 1.407.655 ca, trong đó có 1.051.903 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Thành phố Hồ Chí Minh (487.259 ca), Bình Dương (287.252 ca), Đồng Nai (92.246 ca), Long An (39.240 ca), Tây Ninh (38.696 ca).

*Đắk Lắk: Phát hiện hai hộ gia đình trồng hơn 600 cây cần sa

 Cây cần sa con được ươm trong túi nilon (Ảnh minh họa:TTXVN)

Ngày 12/12, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý 2 hộ gia đình trồng trái phép 616 cây cần sa.

Theo đó, sáng 11/12, sau một thời gian theo dõi, một tổ công tác của phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công an xã Hòa Thuận, thành phố Buôn Ma Thuột tiến hành kiểm tra khu vực nhà rẫy của gia đình Mang Chí Hùng (51 tuổi) và Đỗ Văn Thanh (33 tuổi) cùng ở thôn 8 xã Hòa Thuận.

Tại nhà của Hùng, tổ công tác phát hiện Hùng đang ươm trồng 360 cây cần sa. Xung quanh vườn ươm, Hùng che chắn kín và trang bị hệ thống đèn Led, quạt mát để giúp cây cần sa phát triển tốt. Còn tại nhà của Thanh, lực lượng Công an phát hiện có 256 cây cần sa, chiều cao từ 80cm đến 1m. Bước đầu 2 đối tượng này khai nhận, trồng cần sa để lấy lá cho gà, heo và dê ăn để giúp tăng trưởng và phòng tránh dịch bệnh.

Lực lượng Công an đã lập biên bản vụ việc, tiến hành nhổ bỏ, niêm phong toàn bộ số cây cần sa trên. Đồng thời, củng cố hồ sơ để xử lý 2 đối tượng này theo quy định của pháp luật.

*Vụ sập nhà tại Italy khiến 4 người thiệt mạng, 5 người mất tích

 Hiện trường vụ sập nhà. (Nguồn: CNN)

Giới chức Italy ngày 12/12 xác nhận có 4 người thiệt mạng và 5 người đang mất tích trong vụ nổ gây sập tòa nhà 4 tầng xảy ra đêm hôm trước ở thị trấn Ravanusa trên đảo Sicily của nước này.

Lực lượng cứu hộ đã đưa được 2 người còn sống ra khỏi đống đổ nát, trong khi các nhân viên và chó nghiệp vụ đang tiếp tục tìm kiếm những người mất tích.

Vụ nổ được cho là do nổ đường ống khí đốt, xảy ra đêm 11/12 (giờ địa phương). Khoảng 50 người đã được đưa đi sơ tán, trong khi có ít nhất 2 tòa nhà kế bên bị hư hại.  Hiện các cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân vụ việc.

*Động đất làm rung chuyển Tokyo và khu vực miền Đông Nhật Bản

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản thông báo ngày 12/12, một trận động đất mạnh đã làm rung chuyển Tokyo và các khu vực xung quanh ở miền Đông nước này, song không có cảnh báo sóng thần được đưa ra.

Trận động đất có độ lớn 5, xảy ra vào khoảng 12h 30 phút (giờ địa phương) tại tỉnh Ibaraki nằm ở phía Đông Bắc Tokyo và các khu vực khác, được xếp ở mức độ 4 trên thang đo cường độ địa chấn 7 cấp độ của Nhật Bản.

Mới đây, tối 7/10 (theo giờ địa phương), tại khu vực Kanto (bao gồm Tokyo và các tỉnh lân cận như Chiba, Saitama…), xảy ra trận động đất có độ lớn 6,1. Đây là trận động đất lớn đầu tiên trực tiếp xảy ra tại Tokyo và các vùng lân cận trong nhiều năm trở lại đây. Trận động đất lớn và kéo dài khiến độ rung lắc lớn, gây hoảng sợ cho nhiều gia đình, đặc biệt là gia đình có trẻ em./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực