Đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024

Thứ bảy, 22/06/2024 22:03
(ĐCSVN) - Chính phủ đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024; Sân bay Liên Khương được đón các chuyến bay quốc tế; Hàng chục tấn cá chết bất thường trong lòng hồ thủy điện Ia Ly; Hàng trăm người tử vong vì nắng nóng kỷ lục khắp 4 châu lục...là những tin trong nước và quốc tế đáng chú ý ngày 22/6.

Chính phủ đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024

Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc thực hiện nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, trong đó có điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng 6%, áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng. Ảnh minh họa: TTXVN 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội xem xét, cho ý kiến về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025).

Thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương.

Trong đó, giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương, bổ sung chế độ tiền thưởng, quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay).

Đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, xin ý kiến Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát lại toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp.

Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ chế này thì thực hiện mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù từ ngày 1/7/2024, bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc).

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xin ý kiến về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 theo hướng tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2,055 triệu đồng lên 2,789 triệu đồng/tháng (tăng 35,7%); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp. Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/tháng (tăng 38,9%).

Đồng thời, cho mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương để chi cho việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội, chính sách an sinh xã hội và tinh giản biên chế.

Chính phủ đề nghị đưa các nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Sân bay Liên Khương được đón các chuyến bay quốc tế

Sân bay Liên Khương được phép phục vụ các chuyến bay quốc tế, nội địa thường lệ, không thường lệ, các loại tàu bay tư nhân, quân sự và các loại tàu bay khác từ 22/6/2024.

Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định công bố chuyển Cảng hàng không Liên Khương thành Cảng hàng không quốc tế Liên Khương. Theo đó, Cảng hàng không quốc tế Liên Khương sẽ được tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ 7h01 ngày 22/6.

Cảng hàng không quốc tế Liên Khương có đường cất hạ cánh 9/27 kích thước 3250m x 45m (dài x rộng), đáp ứng tàu bay B757, A300 và tương đương trở xuống.

Đây là loại hình cảng hàng không, sân bay phục vụ các chuyến bay quốc tế, nội địa thường lệ, không thường lệ, tàu bay tư nhân, tàu bay quân sự và các loại tàu bay khác khi được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác.

Sân bay Liên Khương được nâng cấp lên Cảng hàng không quốc tế. Ảnh: ACV 

Trước đó, Bộ GTVT cũng đã phê duyệt quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, vị trí, chức năng của Cảng hàng không Liên Khương là cảng hàng không quốc tế; tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.

Trong thời kỳ 2021-2030, cảng này là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II; công suất 5 triệu hành khách/năm và 20.000 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác là B747/B787/A350 và tương đương.

Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II; công suất 7 triệu hành khách/năm và 30.000 tấn hàng hóa/năm. Loại tàu bay khai thác như B747/B787/A350 và tương đương.

Đối với sân đỗ máy bay, trong thời kỳ 2021-2030, cảng hàng không Liên Khương sẽ mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 21 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tiếp tục mở rộng sân đỗ tàu bay đáp ứng 27 vị trí đỗ và có dự trữ để mở rộng khi có nhu cầu.

Đối với nhà ga hành khách, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương giữ nguyên nhà ga hành khách T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở rộng nhà ga hành khách T2 để tổng công suất toàn cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm.

Đối với nhà ga hàng hóa, trong thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch diện tích khoảng 23.300 m2, đáp ứng công suất khoảng 20.000 tấn hàng hóa/năm.

Hàng chục tấn cá chết bất thường trong lòng hồ thủy điện Ia Ly

Chỉ trong vòng một ngày, hơn 25 tấn cá lăng nuôi trong lòng hồ thủy điện của 4 hộ dân ở xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) bị chết hàng loạt, gây thiệt hại gần 3,8 tỷ đồng.

Hơn 25 tấn cá lăng nuôi tại lòng hồ thuỷ điện Ia Ly bị chết bất thường gây thiệt hại gần 3,8 tỷ đồng. Ảnh: CTV 

Sự việc được phát hiện ngày 20/6, nhiều hộ dân nuôi cá lăng tại lòng hồ thuỷ điện Ia Ly (địa bàn xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) tá hỏa phát hiện cá trong lồng có biểu hiện yếu, nổi lên mặt nước và chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Trường Sơn (51 tuổi, trú xã Ya Ly) cho biết, gia đình ông thả nuôi 15.000 con cá lăng giống từ 1 năm trước, với giá gần 150 triệu đồng. Hiện cá lớn nặng 2,2kg, con nhỏ nhất là 1kg, khoảng 1 tháng nữa thì xuất bán.

Theo ông Sơn, số cá bị chết khoảng 10 tấn. Khi mới phát hiện thì còn bán được 50.000 đồng/1 con, sau đó bị sình thì họ chỉ mua để ủ làm phân với giá 7.000 đồng/1 kg.

“Nếu bình thường, giá thị trường là 150.000 đồng/kg, trừ hao phí cũng thu được hơn 1 tỷ đồng. Thế nhưng, chúng tôi chỉ vớt vát được gần 100 triệu đồng”, ông Sơn rầu rĩ.

Cũng nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện, ông Võ Đình Sơn (64 tuổi, làng Chờ, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy) thông tin, gia đình ông thả 5.000 con giống từ tháng 7/2023 theo mô hình chăn nuôi của trung tâm khuyến nông huyện.

“Hiện tại đã tới ngày thu hoạch, con to đã 3kg, con nhỏ 1,5kg. Vừa rồi tiến hành nghiệm thu, dự án được đánh giá rất tốt. Do còn một số cá dưới 2kg nên gia đình muốn nuôi thêm 2 tháng nữa cho đủ trọng lượng thì xuất bán 1 lần luôn”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, thời gian gần đây nước hồ đột ngột xuống thấp làm thay đổi môi trường sống, khiến cá chết la liệt, phải bán tống bán tháo để vớt vát. Chỉ 3 tháng gần đây, mỗi tháng gia đình phải chi phí khoảng 100 triệu đồng tiền thức ăn, chưa kể thuốc men. Giờ như thế này là cụt vốn, không thể vay mượn để tái đàn.

“Bà con muốn tái tạo đàn nhưng kinh phí đã trôi theo con nước nên không biết bấu víu vào đâu. Rất mong chính quyền các cấp có phương án hỗ trợ con giống và nguồn thức ăn trước mắt để giúp đỡ bà con khôi phục lại”, ông Sơn mong muốn.

Thiệt hại nhất trong số các hộ nuôi cá lồng tại thủy điện Ia Ly là gia đình ông Vũ Văn Bình (60 tuổi). Ông Bình có 10 lồng cá, thả 30.000 con giống. Sự cố vừa rồi khiến 10 tấn cá bị chết, chỉ bán giá ủ phân được khoảng 70 triệu đồng. Nếu để đến tháng 10/2024, số cá mà gia đình nuôi sẽ được khoảng 20 tấn, thu khoảng 3 tỷ đồng.

Báo cáo của UBND xã Ya Ly cho biết, theo phản ánh của người dân, từ ngày 18/6, mực nước lòng hồ thủy điện Ia Ly bắt đầu xuống khoảng 1m, ngày 19/6 nước tiếp tục rút xuống 2m. Đến ngày 20/6, mực nước xuống nhanh và kết hợp mưa lớn dẫn đến nước đục, cá bị sốc nước, thiếu oxi và ngợp nước dẫn đến 25,05 tấn cá bị chết, ước thiệt hại khoảng 3,8 tỷ đồng.

Ngày 21/6, UBND xã Ya Ly cho hay, sau khi nhận được thông tin, xã đã kịp thời báo cáo tình hình thiệt hại của các hộ dân về Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và phối hợp cơ quan chuyên môn của huyện xuống kiểm tra tình hình, đánh giá sơ bộ thiệt hại. Đồng thời, huy động các lực lượng, cán bộ, công chức và nhân dân hỗ trợ các hộ dân vớt cá, vận chuyển và hỗ trợ đi bán lẻ để giảm bớt thiệt hại cho các hộ dân.

Cũng theo UBND xã Ya Ly, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã hỗ trợ 3 chuyến xe để vận chuyển cá đi tiêu thụ. Tính đến 15h ngày 20/6, đã tiêu thụ được khoảng 5 tấn cá cho các hộ dân trong huyện, số lượng còn lại các hộ bảo quản và tiếp tục chở đi các nơi tiêu thụ, số cá bị ươn thì bán để ủ phân.

Ông Ưng Văn Thanh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum cho hay, mức độ thiệt hại đối với các hộ gia đình nuôi cá là tương đối lớn. Hiện Chi cục đang tiến hành lấy mẫu nước để quan trắc xem có chỉ số gì bất thường không.

Hàng trăm người tử vong vì nắng nóng kỷ lục khắp 4 châu lục

Những đợt nắng nóng kỷ lục đang thiêu đốt các thành phố trên 4 lục địa khi Bắc bán cầu bước vào ngày hạ chí 21/6.

Đây là dấu hiệu cho thấy, biến đổi khí hậu có thể khiến mùa hè năm nay vượt kỷ lục năm 2023 và trở thành mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm, theo Reuters.

Dòng người hành hương ở thánh địa Mecca dưới nắng nóng ngày 16/6/2024. Ảnh: Xinhua 

Nắng nóng những ngày gần đây có thể là nguyên nhân dẫn đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cái chết khắp châu Á và châu Âu.

Ở Saudi Arabia, trong số gần hai triệu người hành hương dịp lễ Hajj ở thánh địa Mecca trong tuần này đã có hàng trăm người tử vong do nhiệt độ lên đến trên 51 độ C.

Các nguồn tin về y tế và an ninh từ Ai Cập thông báo, ít nhất 530 người Ai Cập đã tử vong trong khi tham gia lễ hành hương.

Các quốc gia khắp Địa Trung Hải cũng trải qua một tuần nắng nóng kỷ lục, dẫn đến các đợt cháy rừng ở Bồ Đào Nha, Hy Lạp và dọc bờ biển phía bắc của châu Phi ở Algeria, theo báo cáo của Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA).

Ở Serbia, các nhà khí tượng dự đoán rằng, nhiệt độ sẽ rơi vào khoảng 40 độ C do gió từ vùng Bắc Phi đem đến một đợt nắng nóng mới khắp vùng Balkan.

Dịch vụ cấp cứu của thủ đô Belgrade thông báo, các bác sĩ ở thành phố này đã điều trị 109 ca bệnh liên quan đến tim mạch và các bệnh mãn tính.

Năm nay, ở châu Âu, một lượng lớn du khách tử vong và mất tích giữa nắng nóng. Thi thể một du khách Mỹ 55 tuổi được tìm thấy trên bờ biển của đảo Mathraki thuộc Hy Lạp. Đây là vụ thứ 3 trong tuần.

Một vùng rộng lớn ở phía đông nước Mỹ cũng đang chịu nắng nóng trong ngày thứ tư liên tiếp dưới “vòm nhiệt”. Hiện tượng này xảy ra khi hệ thống áp suất cao mạnh giam giữ khí nóng trên một khu vực, ngăn không cho khí lạnh xâm nhập và dẫn đến nhiệt độ ở mặt đất duy trì ở mức cao.

Thành phố New York cũng mở các trung tâm làm mát khẩn cấp ở các thư viện, viện dưỡng lão và các cơ sở khác. Tuy các trường học trong thành phố vẫn mở cửa bình thường, một số trường ở các quận xung quanh khu vực ngoại ô thì cho học sinh về nhà để tránh nhiệt.

Các chuyên gia khí tượng cũng đưa ra báo cáo về nhiệt độ lên quá cao ở các vùng thuộc bang Arizona, bao gồm Phoenix vào ngày 20.6, khi nhiệt độ lên đến trên 45,5 độ C. Gần 100 triệu người Mỹ được cảnh báo về nhiệt độ cao vào ngày 20/6.

Mùa hè ở Ấn Độ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, khi các đợt gió mùa dần lan khắp đất nước và phá tan nắng nóng. Tuy nhiên, ngày 19/6, thủ đô New Delhi ghi nhận đêm nóng nhất trong ít nhất 55 năm vừa qua, với nhiệt độ lên đến 35,2 độ C vào 1 giờ sáng.

Như vậy, New Delhi đã ghi nhận 38 ngày liên tiếp nhiệt độ lên đến đỉnh điểm ở ngưỡng 40 độ C hoặc cao hơn từ ngày 14/5.

Một quan chức của Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, có hơn 40.000 ca bệnh nghi có liên quan đến sốc nhiệt và ít nhất 110 trường hợp tử vong được xác nhận do sốc nhiệt trong khoảng thời gian từ ngày 1/3 đến ngày 18/6.

Tổ chức Khí tượng thế giới cho rằng, khả năng 1 trong 5 năm tiếp theo sẽ vượt 2023 để trở thành năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay là 86%.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực