Điện Biên: Lũ quét khiến ít nhất 7 người chết, mất tích

Thứ năm, 25/07/2024 21:40
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Lũ quét khiến ít nhất 7 người chết, mất tích tại Điện Biên; làm rõ thêm các phương án bồi thường khắc phục hậu quả trong vụ án FLC; số người chết đã tăng lên 257 người tại vụ lở đất ở Ethiopia,…là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 25/7.

Điện Biên: Lũ quét khiến ít nhất 7 người chết, mất tích

 Hiện trường sau trận lũ quét tại Mường Pồn. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN

Đêm 24 rạng sáng 25/7, tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã bất ngờ xảy ra lũ quét, khiến ít nhất 7 người chết, mất tích, hàng chục ngôi nhà bị vùi lấp.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Điện Biên cho biết, lũ quét bất ngờ xảy ra trong đêm khiến người dân 4 bản: Tin Tốc, Bản Lĩnh, Mường Pồn 1, Mường Pồn 2 không kịp trở tay.

Thống kê nhanh, đến 7 giờ 30 phút 25/7, đã có 2 người chết, 5 người mất tích, 2 người bị thương. Lũ quét khiến 10 nhà bị đổ sập hoàn toàn, 8 nhà bị hư hỏng một phần, hơn 40ha sản xuất nông nghiệp bị vùi lấp, Quốc lộ 12 đoạn qua địa phận xã Mường Pồn bị tê liệt hoàn toàn.

Hiện, có khoảng 100 người đang tham gia công tác cứu hộ, chia thành 2 hướng, khẩn trương vừa tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân vừa di dời tài sản của người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Xét xử vụ FLC: Làm rõ thêm các phương án bồi thường khắc phục hậu quả

 Bị cáo Trịnh Văn Quyết khai báo trước toà. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáng 25/7, theo kế hoạch, phiên tòa xét xử vụ án FLC chuyển sang phần tranh luận. Tuy nhiên tại phiên tòa, các cơ quan tố tụng đã quay lại phần xét hỏi, thẩm vấn thêm bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) về các phương án bồi thường, khắc phục hậu quả vụ án, để làm rõ và ghi nhận tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố bị cáo Trịnh Văn Quyết về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”, tương ứng với 2 nhóm hành vi vi phạm gồm thao túng 4 mã cổ phiếu họ FLC, hưởng lợi bất chính 684 tỷ đồng và lừa đảo bán cổ phiếu ROS của Công ty Faros, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng. Bị cáo Quyết đã nhận trách nhiệm khắc phục toàn bộ (hơn 4.200 tỷ), không liên đới với 49 bị cáo còn lại.

Tại phiên tòa sáng 25/7, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố nêu câu hỏi, đến nay, bị cáo mới khắc phục hơn 200 tỷ đồng tiền mặt tương đương 5% hậu quả (hơn 4.200 tỷ đồng), vậy phương án khắc phục số tiền còn lại như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát, Trịnh Văn Quyết khai, từ khi bị bắt ngày 29/3/2022, bị cáo đã nhiều lần gửi đơn đề nghị được tạo điều kiện khắc phục hậu quả vụ án. Ban đầu, cơ quan điều tra chỉ khởi tố về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và khi làm việc với cơ quan tố tụng bị cáo Quyết được thông báo số tiền phải đền bù để khắc phục hậu quả là khoảng 700 tỷ đồng. Do đó, bị cáo quyết định bán “tài sản tâm huyết nhất của mình” là Hãng hàng không Bamboo Airways với giá 700 tỷ đồng, để vừa đủ tiền đền bù thiệt hại cho các nhà đầu tư. Đến nay, người mua mới trả khoảng 200 tỷ đồng, chuyển vào tài khoản của C01 Bộ Công an; còn 500 tỷ đồng thiếu, người mua cũng cam kết chuyển vào tài khoản của C01. Như vậy, thiệt hại trong hành vi thao túng chứng khoán đã được khắc phục.

Trịnh Văn Quyết trình bày, tháng 8/2022, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố thêm bị cáo với hành vi lừa đảo liên quan cổ phiếu ROS với số tiền cần bồi thường 3.600 tỷ đồng. Với hành vi này, bị cáo Quyết dự định sẽ bán toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả. Số tài sản này bao gồm 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC cùng các tài sản cá nhân khác trị giá khoảng 4.800 - 5000 tỷ đồng. Bị cáo Quyết cho rằng, tổng tài sản của FLC lên tới “hàng chục nghìn tỷ đồng” và đây là nói khiêm tốn theo giá trị thực, không phải giá trị trên sàn giao dịch. Bởi theo bị cáo, FLC là tập đoàn lớn, sở hữu từ 5 - 6 nghìn phòng khách sạn 5 sao cùng nhiều tài sản giá trị lớn khác. Tính ra FLC phải có giá hàng tỷ USD và số cổ phần hơn 30% của bị cáo khi bán đi sẽ đủ để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Quyết xin Hội đồng xét xử tạo điều kiện cho bản thân cùng các luật sư của mình làm việc, bán tài sản để trả tiền cho các nhà đầu tư ở cả 2 hành vi là thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của chủ tọa phiên tòa, bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng thừa nhận, trong khối tài sản của FLC có tài sản đã thế chấp, có tài sản không thế chấp.

Trước diễn biến trên, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, để ghi nhận đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo cần lùi thời gian luận tội đến chiều 26/7. Hội đồng xét xử đã chấp thuận đề nghị này của công tố viên.

Vụ lở đất ở Ethiopia: Số người chết đã tăng lên 257 người

Ngày 25/7, Liên hợp quốc (LHQ) cho biết số người chết vì vụ lở đất kinh hoàng ở miền Nam Ethiopia đã tăng lên 257 người, đồng thời cảnh báo con số này có thể tăng lên tới 500 người.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân vụ lở đất ở huyện Geze Gofa, miền Nam Ethiopia, ngày 22/7/2024. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Thảm họa xảy ra ngày 22/7 sau đợt mưa lớn kéo dài tại khu dân cư miền núi thuộc bang Nam Ethiopia và là trận lở đất kinh hoàng nhất được ghi nhận ở quốc gia đông dân thứ hai châu Phi này.

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) dẫn thông tin từ chính quyền địa phương cho biết số người chết đã tăng lên 257 người. OCHA lo ngại số người chết có thể lên tới 500 người.

Tại hiện trường ở khu vực Kencho Shacha Gozdi, hàng trăm người vẫn đang lội bùn tìm kiếm những người có thể còn sống sót sau trận lở đất kinh hoàng. Theo OCHA, hơn 15.000 người bị ảnh hưởng cần phải sơ tán, trong đó có ít nhất 1.320 trẻ em, cũng như 5.293 phụ nữ mang thai và sản phụ mới sinh.

Theo OCHA, trước đó từ tháng 4 đến đầu tháng 5, bang Nam Ethiopia đã hứng chịu những trận mưa ngắn theo mùa, gây ra lũ lụt buộc người dân phải sơ tán hàng loạt./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực