Doanh số xe điện Việt Nam tăng trưởng hơn 400%, góp 17% trong khu vực Đông Nam Á

Thứ ba, 25/06/2024 20:38
(ĐCSVN) - Doanh số xe điện Việt Nam tăng trưởng hơn 400%, góp 17% trong khu vực Đông Nam Á; Trung Quốc thành nước đầu tiên đưa đá từ vùng tối Mặt trăng về Trái đất…, là những tin đáng chú ý trong ngày 25/6/2024.

Doanh số xe điện Việt Nam tăng trưởng hơn 400%, góp 17% trong khu vực Đông Nam Á

Doanh số bán xe điện tại Việt Nam trong quý I/2024 tăng hơn 400% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp vào khoảng 17% tổng doanh số bán xe điện tại Đông Nam Á.

Xe điện đang phát triển nhanh ở nhiều khu vực trên thế giới. 

Theo báo cáo mới được Counterpoint Research công bố, doanh số bán xe điện đang tăng mạnh ở Đông Nam Á, dẫn đầu là thương hiệu BYD của Trung Quốc cùng một số cái tên mới nổi khác, bao gồm VinFast của Việt Nam. Trước đó, thị trường ô tô Đông Nam Á được biết tới là nơi mà các mẫu xe xăng đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc tỏ ra không có đối thủ.

Counterpoint Research cho biết doanh số bán xe điện trong quý I/2024 tại khu vực Đông Nam Á đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, doanh số bán xe xăng đã giảm khoảng 7%.

Những thương hiệu xe Trung Quốc hiện chiếm tới hơn 70% doanh số bán xe điện ở khu vực Đông Nam Á, trong đó dẫn đầu là BYD. Tính riêng trong quý I/2023, có tới 75% xe điện bán ra ở Đông Nam Á đến từ các thương hiệu xe Trung Quốc.

Thái Lan, nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, nơi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã cam kết chi gần 1,5 tỷ USD để thành lập các cơ sở sản xuất xe điện mới, đang dẫn đầu trong việc đón nhận các mẫu xe điện tới từ Trung Quốc. Theo đó, chỉ tính riêng trong quý đầu năm nay, số lượng xe điện mới bán ra ở Thái Lan đã chiếm tới 55% doanh số bán xe điện trong cả khu vực Đông Nam Á, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, mức tăng trưởng này của Thái Lan vẫn đứng sau Việt Nam. Cụ thể, doanh số bán xe điện tại Việt Nam trong quý I/2024 tăng hơn 400% so với quý I/2023, đóng góp vào khoảng 17% tổng doanh số bán xe điện ở Đông Nam Á trong cùng kỳ.

Xét trên toàn khu vực Đông Nam Á, BYD hiện vẫn là nhà sản xuất xe điện có doanh số lớn nhất, chiếm tới 47% thị phần. Đứng ở vị trí thứ hai là hãng xe điện Việt Nam - VinFast.

Nguyên Phó Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên bị bắt

Ngày 25/6, Bộ Công an cho biết căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" xảy ra tại thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.

ông Nguyễn Văn Yên, nguyên Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương 

Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Nguyễn Văn Yên, nguyên Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương (58 tuổi, ở Phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội).

Ông Nguyễn Văn Yên bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước quy định tại điều 337 Bộ luật Hình sự.

Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở đối với bị can Nguyễn Văn Yên.

Hiện, vụ án đang được Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trung Quốc thành nước đầu tiên đưa đá từ vùng tối Mặt trăng về Trái đất

Chiều 25/6, tàu trở về của sứ mệnh Hằng Nga-6 đã hạ cánh xuống khu vực định sẵn ở Nội Mông, đánh dấu sứ mệnh thu thập vật chất từ vùng tối Mặt Trăng đưa trở về Trái Đất lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại của Trung Quốc đã thành công tốt đẹp.

Con tàu hạ cánh lúc 14h07 phút chiều 25/6, kết thúc hành trình kéo dài 53 ngày trong một sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng được đánh giá là phức tạp nhất bằng robot của Trung Quốc cho đến nay.

Quá trình quay về và hạ cánh bắt đầu vào khoảng 1h22 chiều. Sau hai lần đi vào khí quyển Trái Đất, con tàu đã mở dù, hoàn thành lần giảm tốc cuối cùng khi cách mặt đất khoảng 10 km và hạ cánh chính xác xuống bãi đáp.

Tàu vũ trụ Thường Nga-6 trở về Trái Đất vào chiều nay, 25/6/2024. (Ảnh: CCTV) 

Ngay sau khi con tàu hạ cánh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi thư chúc mừng. Ông khẳng định, sứ mệnh Hằng Nga-6 đã đem về các mẫu vật từ vùng tối Mặt Trăng lần đầu tiên trong lịch sử loài người. Đây là thành quả mang tính bước ngoặt tiếp theo trong tiến trình xây dựng cường quốc không gian và cường quốc khoa học công nghệ của Trung Quốc.

Tàu thăm dò Hằng Nga-6 được phóng lên không gian vào ngày 3/5 và làm việc trên Mặt Trăng 49 tiếng. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành các công đoạn xử lý trên mặt đất, tàu trở về sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không đến Bắc Kinh để lấy các mẫu vật ra. Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc sẽ tổ chức lễ bàn giao các mẫu vật này vào một thời điểm thích hợp, trước khi chúng được đem đi cất giữ, phân tích và nghiên cứu.

Đây là cuộc đổ bộ thứ hai của một tàu vũ trụ đến vùng tối của Mặt Trăng. Khu vực rộng lớn này chưa từng được tàu vũ trụ nào chạm tới cho đến tháng 1/2019, tàu thăm dò Hằng Nga-4 của Trung Quốc hạ cánh xuống lưu vực Cực Nam-Aitken. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên các mẫu vật ở khu vực này được mang trở về Trái Đất.

Trước đó, sứ mệnh Hằng Nga-5 thực hiện vào mùa Đông năm 2020 đã thu thập được 1.731 gram mẫu, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Liên Xô cũ, thu thập được các mẫu vật Mặt Trăng./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực