Khởi tố bị can đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam

Thứ ba, 27/07/2021 20:55
(ĐCSVN) – Khởi tố bị can đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, hơn 2.100 cán bộ y tế đăng ký tham gia chống dịch tại TP HCM, truy tìm đối tượng tấn công vào hệ thống đăng ký "luồng xanh" vận tải, 16 người bị thương, 5 người mất tích trong vụ nổ tại khu công nghiệp hóa chất ở Đức... là những tin đáng chú ý ngày hôm nay, 27/7.

Khởi tố bị can đối với nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam

Bị can Trần Văn Nam 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã tiến hành điều tra mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2) theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 02/PC03 ngày 16/12/2019 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương và Quyết định số 14/QĐ-VKS-P1 ngày 03/9/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương về việc chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền.

Vụ án nêu trên thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu chứng cứ thu thập được, ngày 27/7/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật hình sự 2015.

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định pháp luật.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra triệt để, mở rộng vụ án và áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi tài sản cho Nhà nước. 

Hơn 2.100 cán bộ y tế đăng ký tham gia chống dịch tại TP HCM

Nhiều cơ sở y tế ở miền Bắc tiếp tục chi viện cho các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19. Cùng đó, đã có hơn 2.100 cán bộ y tế đăng ký tham gia sau 2 ngày Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kêu gọi đồng nghiệp chung tay cùng ngành y tế TP HCM.

28 cán bộ y tế Bệnh viện K Trung ương lên đường chống dịch. Ảnh: moh.gov.vn

Trong ngày 26, 27/7, có khoảng 150 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên ở các bệnh viện Trung ương cùng nhiều thiết bị y tế lên đường để hỗ trợ TP HCM trong công tác điều trị các bệnh nhân COVID-19 như Bệnh viện Da liễu Trung ương; Bệnh viện Hữu nghị; Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi Trung ương...

Trước đó, ngày 24/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế có thư ngỏ gửi các đồng nghiệp tại TP HCM cùng tham gia chống dịch. Sau 2 ngày kêu gọi, đã có hơn 2.100 người đăng ký, trong đó tình nguyện viên ngụ tại TP HCM gần 1.900 người; các tỉnh khác hơn 200 người.

Đối tượng là bác sĩ gần 300 người; điều dưỡng gần 400; dược sĩ gần 200 người và các ngành nghề khác là 800 người. Độ tuổi tham gia tình nguyện viện rất phong phú: dưới 20 tuổi: 80 người; từ 20-50 tuổi: hơn 1.800 người; trên 50 tuổi: hơn 120 người.

Truy tìm đối tượng tấn công vào hệ thống đăng ký "luồng xanh" vận tải

Ngày 27/7, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết đã chỉ đạo các cục nghiệp vụ và một số đơn vị liên quan lập tức vào cuộc điều tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tấn công vào hệ thống đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Đây là hệ thống nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" vận tải khi phương tiện đi, đến hoặc đi qua địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

 Ảnh minh họa: vtv.vn

Cũng theo Người Phát ngôn Bộ Công an, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc các đối tượng tấn công vào hệ thống đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là hành vi rất nghiêm trọng.

Theo thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trong những ngày qua, Tổng cục đã ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng liên tục nhằm vào hệ thống server lưu trữ dữ liệu tại địa chỉ tên miền http://luongxanh.drvn.gov.vn. Kết quả thống kê trong ngày 26/7 cho thấy, hệ thống bị tấn công với tần suất trung bình 500 request/giây, tương đương 720.000 request/giờ. Hậu quả của cuộc tấn công đã làm cho hệ thống thường xuyên bị treo, làm gián đoạn; cán bộ xử lý tại các Sở Giao thông vận tải không thể phê duyệt hồ sơ, đơn vị vận tải không thể truy cập hệ thống để đăng ký trong nhiều giờ, đã gây bức xúc rất lớn.

Ngày 27/7, Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông ký công văn số 7633 gửi Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đề nghị hỗ trợ truy tìm và ngăn chặn tấn công mạng vào hệ thống đăng ký Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải).

Trong công văn, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Công an chỉ đạo điều tra, truy tìm, xử lý nghiêm đối tượng tấn công vào hệ thống Giấy nhận diện phương tiện có mã QR Code (luồng xanh) của Tổng cục Đường bộ Việt Nam; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ hỗ trợ Tổng cục Đường bộ Việt Nam bảo vệ hạ tầng công nghệ thông tin và chuyên gia để bảo đảm an toàn thông tin mạng, ngăn chặn và phòng, chống tấn công mạng vào hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống.

16 người bị thương, 5 người mất tích trong vụ nổ tại khu công nghiệp hóa chất ở Đức

Vụ nổ chưa rõ nguyên nhân tại khu công nghiệp sản xuất hóa chất Chempark ở thành phố Leverkusen, miền Tây nước Đức hồi 9h40’ sáng 27/7 đã khiến 16 người bị thương, 5 người mất tích. Thông qua ứng dụng cảnh báo Nina, người dân khu vực xung quanh nhà máy được cảnh báo mức độ "cực nguy hiểm".

 Quang cảnh vụ nổ. (Nguồn: AP)

Theo thông báo của Currenta - công ty vận hành khu công nghiệp trên, cho biết vụ nổ đã khiến 16 người bị thương, 5 người mất tích, trong khi 12 người đã được giải cứu. Vụ nổ xảy tại khu chứa nhiên liệu thuộc cơ sở xử lý và tái chế chất thải Bürrig, sau đó dẫn tới vụ hỏa hoạn tại một bồn chứa dung môi. Người ta có thể nhìn thấy một cột khói đen lớn bốc lên từ cách đó vài km. Lực lượng cứu hộ và các phương tiện kiểm tra không khí đã được triển khai tới hiện trường, trong khi người dân xung quanh được cảnh báo ở mức độ "cực nguy hiểm", nên ở trong nhà, đóng các cửa ra vào và cửa sổ.

Theo thông báo của cảnh sát, do vụ nổ, đường cao tốc A1 thường có mật độ giao thông đông đúc đã bị đóng cửa, ngoài ra giao lộ giữa A1 với A59 và A3 cũng bị phong toả. Một số nguồn tin cho biết nhân viên tại khu công nghiệp Chempark được yêu cầu ở nguyên tại các nhà máy vì lý do an toàn. Khu công nghiệp có thể mất điện trong cả ngày để phục vụ công tác cứu hộ, dập lửa.

Năm 2019, các công ty Bayer và Lanxess đã bán cổ phần trong Currenta cho một công ty đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của ngân hàng Macquarie (Australia). Công ty vận hành khu công nghiệp Chempark (Currenta) có các cơ sở tại Leverkusen, Dormagen và Krefeld-Uerdingen, với tổng cộng trên 70 công ty. Chempark là một trong những khu công nghiệp hoá chất lớn nhất châu Âu. Tại đây có trên 5.000 loại hóa chất được sản xuất, trong đó có nitơ, clo, aroma, hợp chất silic..

TH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực