Khởi tố Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai
Ngày 19/7, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
|
Trụ sở Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Ảnh: TL. |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) đang điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan.
Mở rộng điều tra vụ án, ngày 18/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Cùng ngày 18/7/2024, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ các sai phạm khác của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai và các đơn vị, cá nhân có liên quan, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Tuyên án các bị cáo tham gia đường dây buôn lậu 6 tấn vàng
Ngày 19/7, sau 3,5 ngày xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu 6 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Giàu (44 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh); Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh) mức án 18 năm tù; Nguyễn Thị Kim Phượng (39 tuổi, em gái Nguyễn Thị Ngọc Giàu) 15 năm tù; 21 bị cáo khác trong vụ án bị tuyên phạt từ 4-13 năm tù.
|
Bị cáo Phụng (ngoài cùng bên phải) và bị cáo Phượng (thứ tư phải vào) tại phiên tòa.
(Ảnh: Báo Tiền phong) |
Theo Hội đồng xét xử, quá trình điều tra và xét hỏi công khai tại tòa, có đủ cơ sở để khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo về tội “Buôn lậu” là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Giàu và Nguyễn Thị Minh Phụng là chủ mưu, cầm đầu, có vai trò chính trong vụ án; các bị cáo khác có vai trò đồng phạm.
Cũng theo Hội đồng xét xử, các bị cáo buôn lậu số lượng vàng đặc biệt lớn. Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng đến sự ổn định của hoạt động kinh doanh vàng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước nên cần xử lý nghiêm. Hội đồng xét xử khi tuyên án đã xem xét, ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục một phần hậu quả, một số bị cáo gia đình có công với cách mạng….
Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính, kê biên tài sản của các bị cáo để đảm bảo quá trình thi hành án.
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2022, Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng thấy giá vàng trong nước cao hơn Campuchia nên móc nối với Nguyễn Thị Ngọc Giàu (sinh sống gần cửa khẩu Chàng Riệc, Tây Ninh) cùng nhiều người khác lập hai đường dây vận chuyển vàng về Việt Nam, bán lại cho khách hàng, kiếm lời bất chính.
Tính từ tháng 7-9/2022, hai đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu, móc nối với các đối tượng đã buôn lậu 6.150 kg vàng từ Campuchia vào Việt Nam, với trị giá 8.461 tỷ đồng, thu lợi bất chính 24,4 tỷ đồng.
Gián đoạn các dịch vụ toàn cầu do sự cố của Microsoft
Ngày 19/7, dịch vụ đám mây của Microsoft gặp sự cố đã khiến hàng trăm chuyến bay bị hoãn hoặc hủy, trong khi các dịch vụ ngân hàng, truyền thông và các công ty khác trên thế giới cũng buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Theo thông tin mới nhất, mặc dù Microsoft cho biết tập đoàn đang từng bước khắc phục sự cố này, song tình trạng gián đoạn các hoạt động nói trên vẫn tiếp diễn nhiều giờ sau đó.
|
Biểu tượng Microsoft tại một cửa hàng ở London. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Theo Microsoft, sự cố bắt đầu xảy ra với nhiều dịch vụ Azure tại miền Trung nước Mỹ vào khoảng 18h00 ngày 18/7 (giờ địa phương), ảnh hưởng đến quyền truy cập vào phần mềm ứng dụng văn phòng và dịch vụ trực tuyến của hãng này mang tên Microsoft 365. Azure là một nền tảng điện toán đám mây cung cấp các dịch vụ xây dựng, triển khai và quản lý các ứng dụng và dịch vụ.
Theo Downdetector.com - trang web chuyên phản ánh sự cố của các dịch vụ Internet, đã có báo cáo về sự gia tăng tình trạng gián đoạn hoạt đông đối vơi các dịch vụ tại Visa - tập đoàn dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, dịch vụ an ninh do công ty ADT của Mỹ cung cấp và dịch vụ bán lẻ trực tuyến Amazon cũng như hàng loạt hãng hàng không trên thế giới.
Tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết các hãng hàng không của nước này gồm United Airlines, American Airlines, cùng với hãng Delta và Allegiant đều phải tạm ngừng các chuyến bay. Sự gián đoạn cũng xảy ra tại các hãng hàng không, đường sắt, đài truyền hình hay ngân hàng… ở nhiều quốc gia như Anh, Đức, Australia… Tại khu vực châu Á, 3 hãng hàng không của Ấn Độ đã thông báo tình trạng gián đoạn xảy ra đối với hệ thống đặt vé trong ngày 19/7. Một số hãng hàng không tại sân bay quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) cũng chịu ảnh hưởng.
Trên mạng xã hội X, Microsoft cho biết đang nỗ lực để định tuyến lại lưu lượng truy cập bị ảnh hưởng đến các hệ thống thay thế nhằm giảm bớt tác động theo cách phù hợp hơn. Tập đoàn cũng cho biết đã quan sát thấy xu hướng tích cực về tính khả dụng của dịch vụ. Tuy nhiên, Microsoft không nêu nguyên nhân dẫn đến sự cố nói trên./.