Khởi tố vụ án gây thất thoát trên 17 tỷ đồng tại Trường Cao đẳng nghề An Giang

Thứ hai, 09/08/2021 20:04
(ĐCSVN) - Khởi tố vụ án gây thất thoát trên 17 tỷ đồng tại Trường Cao đẳng nghề An Giang; Giáng chức Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Đà Nẵng tát nhân viên y tế; Hà Nội tổ chức xét nghiệm diện rộng 300.000 người; Tấn công thánh chiến tại miền Bắc Mali khiến nhiều dân thường thiệt mạng... là những tin đáng chú ý ngày hôm nay, 9/8.

Khởi tố vụ án gây thất thoát trên 17 tỷ đồng tại Trường Cao đẳng nghề An Giang

Chiều 9/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh An Giang cho biết vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Trường Cao đẳng nghề An Giang.

Trường Cao đẳng nghề An Giang. Ảnh: Nghiêm Túc/VNN 

Theo kết quả điều tra, từ tháng 1/2014 đến tháng 7/2019, ông Huỳnh Thanh Quang - nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề An Giang và bà Trương Thị Kim Tú - Kế toán trưởng của Trường trong thời gian công tác đã thực hiện thu, chi nguồn kinh phí sự nghiệp của Trường không đúng quy định, dẫn đến thất thoát, lãng phí số tiền 17.478.154.698 đồng của Nhà nước.

Ngày 25/8/2020, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang đã có quyết định thi hành kỷ luật Đảng đối với ông Huỳnh Thanh Quang, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Hiệu trưởng Trường và bà Trương Thị Kim Tú, Đảng ủy viên, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán Trường bằng hình thức cảnh cáo.

Trong đó, ông Huỳnh Thanh Quang là người chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Trường Cao đẳng Nghề An Giang khi không thực hiện đúng trình tự quy định về tinh giản biên chế; việc thực hiện đầu tư, mua sắm phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo; không xin chủ trương của UBND tỉnh An Giang khi hợp tác đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất nhà trường...

Bà Trương Thị Kim Tú đã có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao trong quản lý kinh phí, sổ sách kế toán; không tham mưu Ban giám hiệu nhà trường việc trích lập 40% từ nguồn thu sự nghiệp thực hiện cải cách tiền lương trong giai đoạn 2014 - 2018; không tham mưu, đề xuất, sửa đổi khoản chi phụ cấp thâm niên nghề nhà giáo và phụ cấp 25% ưu đãi giảng dạy không đúng đối tượng hưởng thụ.

Hiện vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Cảnh cáo, giáng chức Phó Chánh văn phòng vì tát nhân viên y tế

Chiều 9/8, ông Trần Vinh, Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Đà Nẵng đã bị Chi bộ Công tác Quốc hội thuộc Đảng ủy cơ quan Đoàn ĐBQH & HĐND TP quyết định kỉ luật bằng hình thức cảnh cáo và Thường trực HĐND TP Đà Nẵng đã ra quyết định giáng chức.

Trước đó, sáng 1/8, ông Trần Vinh đã có hành vi tát vào mặt chị P.T.L, nhân viên y tế quận Sơn Trà khi được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 vì cho rằng chị L cố ý ngoáy mũi nhiều lần làm đau ông Vinh.

Ông Trần Vinh bị khống chế, đưa về Công an phường Nại Hiên Đông. Ảnh:  TP

Sau khi ông Vinh về nhà, Công an phường Nại Hiên Đông đến mời về làm việc nhưng ông Vinh không chấp hành và tiếp tục có ý định đôi co với chị L nên bị khống chế, đưa về Công an phường.

Tại đây, ông Vinh đã thừa nhận hành vi sai phạm của mình nhưng sau đó cung cấp thông tin sai lệch cho báo chí theo hướng đổ lỗi cho chị L.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ tình tiết, nội dung sự việc để có kết luận cụ thể về trách nhiệm của ông Trần Vinh và những người liên quan.

Liên quan đến vụ việc trên, ông Trần Vinh cũng bị Công an quận Sơn Trà ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi “xâm hại sức khỏe của người đang thi hành công vụ”;  Sở Thông tin Truyền thông TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin báo chí theo Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.

Hà Nội tổ chức xét nghiệm diện rộng 300.000 người

Ngày 9/8, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội, cho biết dự kiến sẽ tổ chức xét nghiệm diện rộng 300.000 người tại 30 quận, huyện, thị xã căn cứ theo tình hình dịch bệnh trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến 17/8.

Ảnh minh họa: TL 

Theo ông Tuấn, đợt xét nghiệm lần này có mục tiêu phát hiện sớm người mắc bệnh trong các khu vực nguy cơ cao, các nhóm nguy cơ cao, dễ mắc bệnh và lây lan bệnh để chống dịch kịp thời và đánh giá nhận định tình hình dịch tại cộng đồng trên địa bàn toàn TP.

Đối tượng lấy mẫu bao gồm: Người đang sinh sống tại các khu vực nguy cơ cao (thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân phố nơi có nhiều bệnh nhân, nhiều ổ dịch, mật độ dân cư lớn, giao lưu đi lại nhiều có nguy cơ bùng phát dịch bệnh); nhóm người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh và làm lây lan dịch bệnh (người làm dịch vụ vận chuyển hàng hoá, bán hàng ở chợ, siêu thị, vận chuyển phân phối các mặt hàng thiết yếu, người làm dịch vụ vệ sinh công cộng, lái xe taxi, công nhân các khu công nghiệp…).

Với yêu cầu lấy mẫu sớm, có kết quả nhanh trong vòng 24 giờ để sớm đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới, ngoài lực lượng y tế sẵn có trên địa bàn, Sở Y tế Hà Nội huy động thêm gần 1.000 sinh viên Trường Cao đẳng Y Hà Nội (trong đó có 300 sinh viên đã từng hỗ trợ phòng chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang) tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm.

Tấn công thánh chiến tại miền Bắc Mali khiến nhiều dân thường thiệt mạng

Ngày 9/8, nguồn tin giới chức địa phương và quân đội cho biết hơn 40 dân thường đã thiệt mạng khi các phần tử thánh chiến tấn công 3 ngôi làng ở miền Bắc Mali, giáp giới với Niger.

Hiện trường một vụ tấn công tại Gao, Ma Li ngày 13/11/2018. Ảnh: AFP/TTXVN 

Một sĩ quan giấu tên cho biết những phần tử khủng bố đã sát hại dân thường khi tấn công vào các làng Karou, Ouatagouna và Daoutegef ngày 8/8. Trong khi đó, một quan chức nói rằng những tay súng đi xe máy đã bất ngờ tấn công dân làng khiến 20 người tại làng Karou, 14 người tại làng Ouatagouna và nhiều người khác tại làng Daoutegeft thiệt mạng.

Miền Bắc Mali đã bị các tay súng có liên kết với al-Qaeda kiểm soát kể từ năm 2012. Một năm sau đó, Pháp đã phát động chiến dịch quân sự nhằm hỗ trợ Chính phủ Mali đối phó với các mối đe dọa thánh chiến.  Tuy nhiên, các nhóm cực đoan vẫn tập hợp lực lượng và mở rộng các vụ tấn công sang miền Trung và miền Nam Mali. Giao tranh với các phần tử thánh chiến cũng lan sang cả các nước láng giềng Burkina Faso và Niger, bất chấp sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại đây./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực