Chính phủ chịu trách nhiệm điều hành việc tăng lương
Tại phiên bế mạc sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung toàn bộ đại biểu Quốc hội tham gia tán thành, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7/2024.
Đáng chú ý, nghị quyết của Quốc hội tiếp tục quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Nghị quyết 43. Qua đó, việc giảm thuế áp dụng từ ngày 1/7/2004 đến 31/12/2024.
Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm đạt mục tiêu đề ra; chịu trách nhiệm điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024. Đồng thời, đảm bảo nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và nhu cầu cấp bách phát sinh.
|
Cùng với việc tăng lương phải kiểm soát được lạm phát, tránh tình trạng tăng giá các mặt hàng thiết yếu kiểu “té nước theo mưa” thì việc tăng lương mới có ý nghĩa thực sự. (Ảnh: Hải Nguyễn)
|
Nghị quyết cũng thống nhất thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.
Cụ thể, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết 27-NQ/TW, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025).
Điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng (tháng 6 năm 2024). Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Từ 1/7: CSGT kiểm tra thông tin về người lái và phương tiện qua VneID
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 28/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 32 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của CSGT.
Theo đó, từ ngày 1/7, CSGT có thể kiểm tra thông tin người vi phạm qua ứng dụng VNeID. Cụ thể, các loại giấy tờ gồm: Giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng, chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng; giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực giấy đăng ký xe kèm bản gốc giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính giấy đăng ký xe).
|
Từ 1/7, CSGT có thể kiểm tra thông tin người lái và phương tiện trên ứng dụng VNeID. (Ảnh: Trần Thanh) |
Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định); giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới...
Việc kiểm tra thông tin trên ứng dụng sẽ tạo thuận lợi hơn cho chính người dân và lực lượng chức năng. Bởi người dân đỡ phải xuất trình nhiều loại giấy tờ cùng một lúc, giảm bớt thời gian kiểm tra, kiểm soát.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ kêu gọi xem xét phế truất Tổng thống Biden
Chủ tịch Hạ viện Johnson cho rằng nội các Mỹ nên cân nhắc kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống Biden, sau màn tranh luận gây thất vọng với ông Trump.
"Có rất nhiều người đang yêu cầu sử dụng Tu chính án 25. Hãy kích hoạt Tu chính án 25 ngay bây giờ vì đây là tình huống đáng báo động", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson hôm 28/6 cho hay. "Đối thủ của chúng ta đều nhìn thấy điểm yếu trong Nhà Trắng hiện nay. Tôi không vui khi phải nói về việc đó, nhưng theo tôi đây là tình huống rất nguy hiểm".
Theo Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, nếu Phó Tổng thống và đa số bộ trưởng trong nội các Mỹ thống nhất rằng Tổng thống "không thể đảm trách quyền lực và trách nhiệm" thì Phó Tổng thống sẽ lên nắm quyền.
Johnson cho biết ông sẽ đề nghị các thành viên nội các "tự hỏi lòng mình", đề cập thông tin đảng Dân chủ đang "hoảng loạn" sau màn thể hiện của Tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên với cựu tổng thống Donald Trump.
|
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson trả lời phóng viên tại tòa nhà quốc hội ngày 28/6. (Ảnh: AFP) |
Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhấn mạnh đây là thời điểm rất nghiêm trọng trong lịch sử nước Mỹ nên cần phải được xem xét, giải quyết.
Tu chính án 25, được thông qua năm 1967, chưa từng được kích hoạt để tước quyền của một Tổng thống Mỹ. Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát hồi năm 2021 từng thông qua nghị quyết kêu gọi kích hoạt Tu chính án 25 để phế truất Tổng thống khi đó Donald Trump sau cuộc bạo loạn ở tòa nhà quốc hội. Tuy nhiên, nghị quyết này đã bị Phó Tổng thống bấy giờ là Mike Pence bác bỏ./.