Mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và của tại Sơn La

Thứ tư, 24/07/2024 21:20
(ĐCSVN) - 10 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ tại Sơn La; Sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh ở Việt Nam; Tai nạn máy bay tại Nepal: Tìm thấy 22 thi thể… đó là những thông tin trong nước và quốc tế đáng chú ý trong ngày 24/7.

Sơn La: 10 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ

Khoảng 1.000 ha lúa, cỏ chăn nuôi, ao cá tại 28 xã trên địa bàn huyện Thuận Châu bị ngập, nhiều căn nhà bị cuốn trôi, một số tuyến đường bị ngập, sạt lở. Ảnh: TTXVN phát 

Từ đêm 23 đến sáng 24/7, ở Sơn La có mưa to diện rộng, gây thiệt hại nặng. Mưa lũ đã làm nhiều nhà ở các bản bị ảnh hưởng; nhiều tuyến đường bị sạt lở, một số cầu treo bị cuốn trôi; nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập và nhiều bản bị cô lập, không tiếp cận được. Đặc biệt, theo thông tin ban đầu, tại xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, mưa lũ đã cuốn trôi, làm 6 người mất tích. Như vậy, tính đến 16 giờ ngày 24/7, mưa lũ ở Sơn La đã làm 5 người chết, 4 người mất tích, 1 người bị thương do sạt lở và lũ cuốn trôi.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc cho biết, ngày và đêm 24/7, ở Sơn La tiếp tục có mưa to đến mưa rất to, dông, lượng mưa phổ biến từ 70 - 120mm, có nơi trên 150mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ; bố trí lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng di chuyển người và tài sản ra khỏi khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Sử dụng đồ uống có đường tăng nhanh ở Việt Nam

 Việc sử dụng đồ uống có đường đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tăng tỷ lệ bệnh tật ở con người

Ngày 24/7, tại Đà Nẵng, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo “Cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm tác hại đặc biệt là chính sách thuế”.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu thảo luận nhiều nội dung như: Tác hại của đồ uống có đường tới sức khỏe và xu hướng tiêu thụ ở Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát đồ uống có đường và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam; phương thức tiếp cận của UNICEF trong phòng, chống thừa cân, béo phì; thực trạng và sự cần thiết cải cách thuế thuốc lá ở Việt Nam…

Đề cập đến tác hại của đồ uống có đường tới sức khỏe, PGS TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, Bộ Y tế cho hay, việc sử dụng đồ uống có đường đang gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam trong những năm gần đây. Cụ thể, tiêu thụ nước giải khát có đường bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 là 35,31 lít/người, năm 2016 tăng lên 46,59 lít và năm 2020 tăng lên tới 52,09 lít. Năm 2013, tỷ lệ học sinh Việt Nam từ 13-17 tuổi uống nước ngọt thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày là 31,1%. Tỷ lệ này tăng lên 33,9% vào năm 2019. Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do/ngày.

Theo bà Mai, tiêu thụ đường là nguyên nhân chính làm tăng tỷ lệ béo phì trên toàn cầu và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn uống. Ngoài ra, sử dụng thường xuyên đồ uống có đường cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa như bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, tăng huyết áp…

Để hạn chế thuốc lá và đồ uống có đường, bên cạnh nhiều giải pháp khác thì giải pháp được các đại biểu tập trung là phải cải cách thuế. Bởi hiện nay, Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ là 75% giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8% (2020), thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%).

Tai nạn máy bay tại Nepal: Tìm thấy 22 thi thể

 Hiện trường vụ tai nạn máy bay của hãng Saurya Airlines tại Kathmandu, Nepal, ngày 24/7/2024. Ảnh: MyRepublica/TTXVN
Ít nhất 22 người đã thiệt mạng sau khi một máy bay nhỏ bốc cháy do trượt khỏi đường băng khi cất cánh từ thủ đô Kathmandu của Nepal sáng 24/7. Ngoài ra, có một người bị thương.

Trưởng phòng An ninh sân bay Arjun Chand Thakuri cho biết máy bay thuộc sở hữu của hãng hàng không nội địa Saurya Airlines. Theo Flight Radar 24, Saurya khai thác các chuyến bay nội địa ở Nepal với hai máy bay Bombardier CRJ-200, cả hai đều khoảng 20 năm tuổi.

Nepal là một trong nước có hồ sơ an toàn hàng không yếu kém. Vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất tại nước này xảy ra vào năm 1992, khi một chiếc Airbus của Pakistan International Airlines lao vào sườn đồi khi gần đến thủ đố Kathmandu, khiến 167 người thiệt mạng.

Mới đây nhất vào tháng 1/2023, ít nhất 72 người đã thiệt mạng trong vụ rơi máy bay của hãng hàng không Yeti Airlines./.

V.Lê (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực