Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Hà Giang

Thứ hai, 10/06/2024 19:55
(ĐCSVN) - Tại Hà Giang, mưa lũ khiến 3 người chết, ước thiệt hại khoảng 19,5 tỷ đồng; Phú Thọ xử lý, tiêu hủy gần 20 tấn chân gà không rõ nguồn gốc; Tấn công khủng bố tại Tây Bắc Pakistan, ít nhất 7 binh sỹ thiệt mạng;… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 10/6.

Hà Giang: Mưa lũ khiến 3 người chết, ước thiệt hại khoảng 19,5 tỷ đồng

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Giang, tính đến 12h00 ngày 10/6, mưa lớn đã làm 3 người chết (2 người tại huyện Hoàng Su Phì, 1 người tại huyện Quản Bạ); 39 điểm bị ngập gây ngập 350 nhà; 9,12 ha đất lúa và rau màu bị ảnh hưởng; 39 con gia súc, gia cầm bị chết; 2 cầu treo bị cuốn trôi tại các xã Thuận Hòa và Thanh Thủy huyện Vị Xuyên; ngập úng nhiều tuyến đường liên xã, thôn tại huyện Vị Xuyên.

 Cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh: Báo Hà Giang)

Mưa lớn làm 12 vị trí sạt lở với tổng khối lượng 3.580 m3, trong đó tuyến đường tỉnh lộ 177 đường Bắc Quang - Hoàng Su Phì bị sạt taluy dương làm ách tắc một số đoạn ô tô không đi lại được thuộc địa phận các xã: Nậm Dịch, Nậm Ty, Thông Nguyên, Nam Sơn - Hồ Thầu, Bản Luốc, Nàng Đôn, Bản Phùng, Bản Nhùng, Pố Lồ, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn. Ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường tại phường Minh Khai, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Quang Trung, Ngọc Hà, Ngọc Đường, Phương Thiện, Phương Độ với 25 điểm ngập úng... Ngoài ra, mưa lớn còn làm ngập 50 ô tô, 70 xe máy; ước thiệt hại 19,5 tỷ đồng.

Hiện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện có thiệt hại thuộc tỉnh Hà Giang đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai; thăm hỏi gia đình có người bị chết; huy động lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục nhà cửa, cây trồng, vật nuôi ... để ổn định cuộc sống và sản xuất.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh. Các địa phương chủ động có biện pháp, sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến nơi an toàn. Đồng thời, bố trí lực lượng kiểm tra, rà soát, khơi thông dòng chảy; tổ chức canh gác, hướng dẫn giao thông, nhất là qua cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; duy trì 24/24 giờ lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Xử lý, tiêu hủy gần 20 tấn chân gà không rõ nguồn gốc

Ngày 10/6, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết Công an huyện Yên Lập đã phát hiện gần 20 tấn chân gà đông lạnh, chân gà rút xương không rõ nguồn gốc xuất xứ và đang xử lý theo quy định.

Theo đó, vào cuối tháng 5, Tổ công tác Công an huyện phối hợp cơ quan liên quan bất ngờ kiểm tra tại cơ sở kinh doanh của bà Hoàng Thị Thanh Nga, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập.

Cơ quan chức năng tiêu huỷ số chân gà không rõ nguồn gốc (Ảnh: CAND) 

Quá trình kiểm tra, Tổ công tác phát hiện tại cơ sở của bà Nga đang lưu trữ gần 16 tấn chân gà đông lạnh và gần 4 tấn chân gà đã được rút xương cùng vật dụng chế biến thô sơ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số chân gà trên và không xuất trình được Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngay sau đó, Công an huyện Yên Lập phối hợp với các lực lượng chức năng niêm phong, thu giữ toàn bộ số chân gà nói trên; đồng thời lấy mẫu gửi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an phân tích, giám định, kết luận làm cơ sở pháp lý để xử lý hành vi kinh doanh “thực phẩm bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Chủ cơ sở kinh doanh Hoàng Thị Thanh Nga khai nhận, đã thu mua gần 20 tấn chân gà trên thị trường về chế biến để thu lợi bất chính, ước tính trên 600 triệu đồng. Kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho thấy, số lượng thực phẩm trên không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người.

Ngày 4/6, Công an huyện Yên Lập đã báo cáo Chủ tịch UBND huyện tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ cơ sở lỗi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, với số tiền 125 triệu đồng.

Công an huyện Yên Lập phối hợp các cơ quan liên quan thành lập Hội đồng tiêu hủy và tiến hành tiêu hủy tang vật theo quy định.

Tấn công khủng bố tại Tây Bắc Pakistan, ít nhất 7 binh sỹ thiệt mạng

Ngày 9/6, một vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan, khiến 7 binh sỹ thiệt mạng.

Theo quân đội Pakistan, chiếc xe chở binh sỹ nói trên đã bị phá hủy hoàn toàn do bom gài ven đường phát nổ tại huyện Lakki Marwat. Trong số các nạn nhân có một sỹ quan cấp cao. Hiện chưa nhóm nào tuyên bố thực hiện vụ tấn công trên.

 Cảnh sát điều tra tại hiện trường một vụ đánh bom ở Peshawar , Pakistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tỉnh miền núi Khyber Pakhtunkhwa từ lâu được coi là nơi trú ẩn của các nhóm chiến binh Hồi giáo, bao gồm cả chân rết của lực lượng Taliban và của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Pakistan.

Huyện Lakki Marwat là một trong những địa điểm bị ảnh hưởng nặng nề do các phần tử khủng bố hoành hành.

Các tay súng Taliban ở Pakistan - còn được gọi là Tehreek-e-Taliban Pakistan - lực lượng hoạt động mạnh nhất tại Khyber Pakhtunkhwa và mục tiêu chủ yếu là nhắm vào lực lượng an ninh.

Số vụ tấn công khủng bố đã tăng vọt tại Pakistan kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền Afghanistan (nước láng giềng Pakistan) vào tháng 8/2021.

Theo Viện Nghiên cứu An ninh và Xung đột Pakistan, trong năm 2023, nước này ghi nhận 29 vụ tấn công liều chết (con số thống kê cao nhất kể từ năm 2014) khiến 329 người thiệt mạng./.

PG (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực