Sạt lở làm nhiều xã biên giới tại Lai Châu bị chia cắt tạm thời
|
Khắc phục điểm sạt lở trên Quốc lộ 12, thuộc địa phận xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: TTXVN |
Sau nhiều ngày mưa lớn trên diện rộng, nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã, liên bản tại Lai Châu bị sạt lở nghiêm trọng, gây chia cắt giao thông cục bộ nhiều xã biên giới trong nhiều giờ.
Huyện Mường Tè là địa phương ghi nhận lượng mưa lớn nhất và thiệt hại nhiều nhất tỉnh Lai Châu. Tính đến 14 giờ chiều 1/8, tại Mường Tè đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở trên các tuyến Quốc lộ 4H và đường Tỉnh 127. Trong sáng 1/8, trên tuyến Quốc lộ 4H có nhiều điểm sạt lở lớn tại các vị trí km 198+450, 222+410, 81+650, 303+550… với khối lượng đất đá gần 10 nghìn mét khối.
Đặc biệt, đường đi trung tâm các xã biên giới như Tá Pạ, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, với khối lượng hàng nghìn mét khối, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Tại xã Bum Nưa, nước lũ trên suối Nậm Bum dâng cao đã cuốn trôi và làm ngập úng hơn 4ha ao cá, lúa và hoa màu của người dân.
Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết, mưa lớn từ ngày 29/7 đến nay đã làm hầu hết các tuyến đường liên xã, liên bản tại địa phương bị sạt lở, ước thiệt hại gần 4 tỷ đồng.
Địa phương đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ tập trung khắc phục các điểm sạt lở để đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Đối với các tuyến đường liên xã, liên bản, huyện đã chỉ đạo các lực lượng tại chỗ huy động phương tiện, nhân lực phối hợp với người dân khắc phục tạm thời để đảm bảo giao thông; đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng chủ động phương án tích trữ lương thực, thực phẩm để đảm bảo đời sống người dân.
Thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Lai Châu cho biết, mưa lớn trên địa bàn tỉnh sẽ kéo dài đến hết ngày 2/8 với lượng mưa phổ biến từ 50 đến 100mm, cục bộ có nơi hơn 200mm, nguy cơ cao sạt lở ta tuy dương và ngập úng tại vùng trũng.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, người điều khiển phương tiện khi lưu thông trên đường cần chú ý quan sát các hiện tượng sạt lở, đá rơi. Đặc biệt, người dân sinh sống tại vùng trũng, thấp, ven sông suối cần chủ động các phương án phòng, chống ngập úng, lũ quét, không đánh bắt cá, vớt củi khi trên địa bàn có mưa to để đảm bảo an toàn.
Kéo dài thời gian nghị án vụ “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” tại CDC Đắk Lắk
|
Bị cáo Trịnh Quang Trí tại phiên tòa (Nguồn: Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh). |
Trong hai ngày (31/7 – 1/8), Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk (CDC), trưa 1/8, Hội đồng xét xử đã quyết định kéo dài thời gian nghị án đến chiều 5/8 để đưa ra mức án phù hợp với vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo.
Theo cáo trạng, triển khai xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Trịnh Quang Trí trong giai đoạn làm Phó Giám đốc phụ trách (từ ngày 11/3/2020 - 18/10 2020) và giai đoạn làm Giám đốc CDC Đắk Lắk đã chỉ đạo Trần Thanh Mỹ - Trưởng phòng Tài chính - Kế Toán, Đặng Minh Tuyết - Phó khoa phụ trách Khoa xét nghiệm và Trần Thị Nguyên Hằng - Nhân viên Khoa xét nghiệm liên lạc với Đinh Lê Lê Na - Nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á phụ trách khu vực Tây Nguyên để tạm ứng sinh phẩm hóa chất, vật tư phục vụ xét nghiệm rồi sau đó hợp thức hóa các hồ sơ đấu thầu để thanh toán hàng tạm ứng.
Từ năm 2020-2021, CDC Đắk Lắk đã lập, ký duyệt, hợp thức hóa hồ sơ 6 gói thầu vào 6 đợt, trong đó có 4 gói thầu đã thanh toán với tổng số tiền hơn 13,1 tỷ đồng, còn lại 2 gói thầu đang hợp thức hoàn thiện hồ sơ nhưng chưa ký kết hợp đồng mua bán với nhà cung cấp, chưa thực hiện thanh toán tiền. Cơ quan điều tra cũng xác định hậu quả thiệt hại đối với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là hơn 6,8 tỷ đồng.
Như vậy, các bị can trên đã hợp thức hóa hồ sơ đấu thầu, đảm bảo cho các Công ty An Việt, Công ty Dược phẩm Huế, Công ty Việt Á trúng thầu theo giá mà các Công ty đưa ra là không đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, là hành vi gian lận trong đấu thầu, vi phạm các quy định trong đấu thầu, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Cáo trạng cũng nêu rõ, sau khi CDC Đắk Lắk thanh toán tiền 4 gói thầu cho các công ty, Trịnh Quang Trí đã được hưởng lợi số tiền hơn 211,3 triệu đồng; Trần Thị Nguyên Hằng được hưởng lợi số tiền chiết khấu gần 930 triệu đồng; Trần Thanh Mỹ được hưởng lợi số tiền 171 triệu đồng; Đặng Minh Tuyết được hưởng lợi số tiền 66 triệu đồng từ Đinh Lê Lê Na.
Cáo trạng cũng chỉ rõ, quá trình điều tra, Trịnh Quang Trí không thừa nhận việc nhận tiền từ Đinh Lê Lê Na. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khẳng định có căn cứ để xác định Trí đã nhận số tiền 211,3 triệu đồng của Đinh Lê Lê Na. Tại phiên tòa Trịnh Quang Trí cũng không thừa nhận việc đã nhận tiền từ Đinh Lê Lê Na.
Những bị cáo còn lại đều thừa nhận cáo trạng truy tố đúng và trình bày do bối cảnh dịch bệnh cấp bách nên dẫn đến hành vi phạm tội.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử nhận định cần có thêm thời gian để xem xét, đưa ra mức án phù hợp với vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo và kéo dài thời gian nghị án đến chiều 5/8 sẽ tuyên án.
Trước đó, tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk thực hiện quyền công tố tại tòa đề nghị Hội đồng xét xử phạt bị cáo Trịnh Quang Trí 4-5 năm tù; bị cáo Đinh Lê Lê Na 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù; bị cáo Trần Thị Nguyên Hằng 2 năm 3 tháng đến 2 năm 9 tháng tù. Các bị cáo Đặng Minh Tuyết và Trần Thanh Mỹ bị đề nghị xử phạt 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù.
Mưa bão lớn tại miền Trung Trung Quốc, ít nhất 30 người tử vong và 35 người mất tích
|
Cảnh ngập lụt sau những trận mưa lớn tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) hôm 28/7 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 1/8 đưa tin mưa lũ dữ dội do tàn dư của bão Gaemi đã khiến ít nhất 30 người thiệt mạng và 35 người mất tích tại tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc.
Thành phố Tư Hưng thuộc tỉnh Hồ Nam là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với lượng mưa kỷ lục 645 mm/ngày ghi nhận từ ngày 26/7.
Theo báo Nhân dân Nhật báo, thảm họa thiên nhiên do bão Gaemi - cơn bão mạnh nhất tấn công Trung Quốc trong năm nay, đã ảnh hưởng tới gần 90.000 người, phá hủy khoảng 1.400 ngôi nhà và hơn 1.300 tuyến đường. Hiện hệ thống đường dây tải điện, thông tin liên lạc tại một số khu vực bị ảnh hưởng đã dần được khôi phục.
Lực lượng cứu hộ cứu nạn tại các khu vực chịu ảnh hưởng vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người mất tích./.