Số ca mắc sởi cao hơn cùng kỳ 111 lần, đã có 5 ca tử vong

Thứ năm, 28/11/2024 18:15
(ĐCSVN) - Số ca mắc sởi cao hơn cùng kỳ 111 lần, đã có 5 ca tử vong; Truy tố ổ nhóm cho vay lãi nặng ở Hà Nội; Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân…là những tin đáng chú ý diễn ra trong ngày 28/11/2024.
Số ca mắc sởi cao hơn cùng kỳ 111 lần, đã có 5 ca tử vong
Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế tổ chức ngày 28/11. 

Tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế tô chức ngày 28/11, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần.

Thông tin về tình hình dịch bệnh, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau đại dịch COVID-19, số ca mắc sởi tăng cao trên toàn thế giới với 10,3 triệu ca mắc, tăng 20% so với năm 2022, trong đó có hơn 107.000 ca tử vong, chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch tại nhiều khu vực trên toàn thế giới. Trong 5 năm qua, dịch sởi đã bùng phát ở 103 quốc gia, nguyên nhân chính là do tỷ lệ tiêm vaccine thấp (chỉ đạt hoặc thấp hơn 80%, so với yêu cầu cần đạt 95%). Tác động của đại dịch COVID-19 trong những năm trước đó đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn thế giới, không đạt được mức độ bao phủ cần thiết để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch bệnh, nhất là bệnh sởi.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, tại Việt Nam, số ca mắc sởi cao hơn cùng kỳ 111 lần, đã có 5 ca tử vong. Tương tại tại Việt Nam số mắc sởi cũng tăng cao.

Chỉ tính riền từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính, 5 trường hợp tử vong liên quan đến sởi (Thành phố Hồ Chí Minh 3 ca tử vong, Bến Tre và Bình Dương mỗi địa phương 1 ca tử vong). So với cùng kỳ năm 2023 số nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số sởi dương tính cao hơn 111 lần.

"Đáng chú ý, nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi. Một số địa phương có số nghi sởi và sởi dương tính cao là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An, Đắk Lắk, Bình Dương, Hà Nội, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp", Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm cho biết.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ ngày 1/9-19/11/2024 đã ghi nhận 195 ca sởi dương tính. Trong đó, tháng 9 có 41 ca, tháng 10 có 90 ca, đặc biệt trong 11 ngày tháng 11 có đến 64 ca. Tỷ lệ mắc ở trẻ dưới 9 tháng (chưa đến tuổi tiêm vaccine phòng sởi) chiếm hơn 31%, với trẻ trên 9 tháng tuổi, tỷ lệ chưa tiêm chủng chiếm đến 40%.

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa cho biết, số ca mắc sởi trong năm nay của địa phương tăng đột biến với 657 ca sởi và phát ban nghi sởi. Đại diện CDC tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, bệnh sởi tại địa phương nghiêm trọng. Trong tháng 9 có 20 ca, tháng 11 đã tăng lên 102 ca. Nhiều đối tượng cộng đồng chưa tiêm vaccine sởi.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, nguyên nhân gia tăng dịch sởi do chu kỳ dịch, đồng thời do tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong đó, nhiều trẻ mắc sởi dưới 9 tháng tuổi, trước tuổi có chỉ định tiêm vaccine sởi.

Trong số đó, tỷ lệ trẻ mắc sởi ở độ tuổi dưới 9 tháng tuổi (chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi) chiếm hơn 31%; trẻ đã đến tuổi nhưng chưa tiêm chủng chiếm tới 40%.

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, sẽ xem xét vấn đề tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng như các đối tượng khác...

Bộ Y tế đã phân bổ 1.134.200 liều vaccine MR do WHO viện trợ cho 30 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, trong đó: Khu vực miền Bắc được phân bổ 223.520 liều; khu vực miền Nam được phân bổ 809.200 liều; khu vực Tây Nguyên được phân bổ 101.480 liều.

Số lượng vaccine này đáp ứng đủ cho 30 tỉnh, thành phố. Hiện 30 tỉnh, thành phố này đã tiêm được 742.653/912.027 đối tượng, đạt 81,4%.

Hiện có 4 tỉnh, thành phố (Khánh Hòa, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận) với nhu cầu khoảng 56.189 liều chưa có vaccine để phân bổ (do 1.134.200 liều vaccine chỉ đủ cho 30 tỉnh, thành phố). Vừa qua, Cục Y tế dự phòng đã có Công văn gửi WHO đề xuất hỗ trợ thêm 60.000 liều để kịp có vaccine cho các tỉnh này tiêm chủng cho trẻ.

Bộ Y tế yêu cầu, thời gian tới, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi theo Kế hoạch của Bộ Y tế đã ban hành; đồng thời, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện tổ chức triển khai Kế hoạch chiến dịch tiêm vaccine sởi tại các tỉnh, thành phố.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát đối tượng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng; đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024.

 Truy tố ổ nhóm cho vay lãi nặng ở Hà Nội
Ảnh minh họa. 

Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố nhóm 3 đối tượng chuyên cho vay lãi nặng gồm: Lê Văn Hưng (sinh năm 1983, trú tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội), Vũ Quốc Anh (sinh năm 1996, trú tại xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì), Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1997, trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201, khoản 2 - Bộ luật Hình sự. Riêng Lê Văn Hưng còn bị Viện Kiểm sát truy tố thêm tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 170, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, năm 2023, thông qua các quan hệ xã hội, anh Phạm Q.A quen biết và có vay tiền Hưng với lãi suất cao. Cụ thể, từ ngày 4/2/2023 đến ngày 17/8/2023, anh Q.A đã liên hệ và vay Hưng hơn 1 tỷ đồng bằng hình thức chuyển khoản. Hai bên không viết giấy vay nợ mà thỏa thuận mỗi mã vay có thời hạn là 30 ngày, lãi suất trung bình là 25.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày và thêm 10% phí dịch vụ như tiền gọi điện, tiền công cho vay… Hưng cắt lãi trước 30 ngày và phí dịch vụ rồi chuyển số tiền còn lại cho anh Q.A.

Trong quá trình vay tiền, khi chưa đến hạn trả nợ ở mã vay trước, anh Q.A lại vay thêm và thường xuyên không trả được lãi đúng hạn. Do vậy, khi anh Q.A trả tiền lãi cho Hưng thường không xác định được tiền lãi được trả cho mã vay nào nên Hưng chỉ tính trả tiền lãi mà không trừ vào tiền gốc. Số tiền lãi và gốc còn lại do Hưng tự tính.

Khi khoản vay quá hạn, Hưng thường xuyên nhắn tin đòi nợ, đe dọa nếu anh Q.A không trả tiền thì sẽ giết anh Q.A và cả nhà anh này. Khi nạn nhân trốn tránh thì Hưng liên tục nhắn tin đe dọa, chửi bới gây sức ép tinh thần làm anh Q.A lo sợ.

Đến ngày 26/6/2022, Hưng ép anh Q.A viết giấy vay tiền nhưng tên người nhận nợ là Nguyễn Thanh Bình (trú tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) với số tiền 5 tỷ đồng. Quá trình vay tiền, anh Q.A đã nhiều lần trả cho Hưng hơn 2 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, Hưng cho anh Q.A vay hơn 1 tỷ đồng lãi suất 912,5%/năm; thu lợi bất chính hơn 2 tỷ đồng. Hưng còn nhờ Bình đứng ra cho anh Q.A vay 150 triệu đồng với mức lãi suất 912,5%/năm. Số tiền lãi dự kiến thu lời bất chính là 110 triệu đồng. Tuy nhiên, do Hưng bị bắt nên Bình không dám đòi tiền.

Ngoài ra, Vũ Quốc Anh còn cho anh Q.A vay 527 triệu đồng từ ngày 6/2/2023 đến ngày 14/8/2023 với lãi suất trên để hưởng lợi bất chính hơn 1 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, sau khi anh Q.A trả tiền, Hưng vẫn tiếp tục nhắn tin, chửi bới, đòi giết anh Q.A nhằm ép anh này phải trả 5 tỷ đồng. Do đó anh Q.A làm đơn trình báo cho cơ quan công an.

Ngày 5/2/2024, chị Nguyễn Thị Phương T (chị họ Q.A) gọi điện thoại cho Hưng hẹn gặp để trả 1,5 tỷ đồng, xin Hưng xóa nợ cho Q.A. Cùng ngày, Hưng đi cùng Quốc Anh hẹn anh Q.A và chị T đến quán cafe. Anh Q.A đưa cho Hưng 1,5 tỷ đồng và yêu cầu Hưng viết vào mặt sau của giấy vay nợ với nội dung “nhận tiền và hứa không dọa nạt”.

Sau khi viết xong, Hưng đưa lại giấy cho anh Q.A rồi cầm tiền. Khi ra đến cửa quán, Hưng bị Công an phát hiện, bắt quả tang về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản”.

Ấn Độ thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân

Tàu INS Arighaat được trang bị tên lửa K-4 có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách hơn 3.500 km. Ảnh: Hindustimes. 

Ngày 28/11, Ấn Độ đã thử tên lửa đạn đạo K-4 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân từ tàu ngầm INS Arighaat mới được đưa vào hoạt động ở ngoài khơi bờ biển Vishakhapatnam, bang Andhra Pradesh.

Tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm (SLBM) K-4 sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn mục tiêu 3.500 km.

Bộ Quốc phòng, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDO) hay Hải quân Ấn Độ đến nay vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về vấn đề này.

Theo hãng tin ANI, cuộc thử nghiệm được Hải quân Ấn Độ thực hiện ngoài khơi bờ biển Vishakhapatnam thuộc Vịnh Bengal. Kết quả của cuộc thử nghiệm đang được các quan chức quốc phòng phân tích. Đây là lần đầu tiên SLBM được thử nghiệm từ INS Arighaat. Được biết, tên lửa K-4 trước đó đã được thử nghiệm từ cầu phao chìm.

Thông tin về vụ thử tên lửa nói trên được đưa ra vài ngày sau khi New Delhi đưa ra cảnh báo hàng không về một vụ thử tên lửa tầm xa ở Vịnh Bengal.

       

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực