Thi hành kỷ luật nhiều cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh
|
Ông Nguyễn Đình Phương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh bị Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị xem xét thi hành kỷ luật.
|
Tại kỳ họp thứ 36, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật một số cán bộ.
Cụ thể, sau khi xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết quả kiểm điểm, đề nghị thi hành kỷ luật, Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Bắc Ninh nhận thấy một số đảng viên thuộc Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đã vi phạm quy chế làm việc; vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc lập, thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường.
Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị công tác, đến mức phải thi hành kỷ luật.
Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật Khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Đặng Văn Đường, Trưởng phòng Môi trường, nguyên Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường; ông Lưu Xuân Hùng, Phó Trưởng phòng Nước, Khoáng sản, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường; ông Nguyễn Đức Hiếu, công chức Phòng Môi trường, nguyên Trưởng phòng Thẩm định Chi cục Bảo vệ môi trường; ông Ngô Xuân Hậu, nhân viên Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường.
Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, Bí thư Chi bộ 4, Phó Trưởng phòng Môi trường, nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường; ông Trần Chung, Phó Bí thư Chi bộ 7, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, nguyên Phó Bí thư Chi bộ 4, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cảnh cáo đối với ông Đàm Ngân, công chức Phòng Môi trường, nguyên Trưởng phòng Truyền thông môi trường và đa dạng sinh học Chi cục Bảo vệ môi trường; ông Nguyễn Tiến Bình, công chức Phòng Môi trường, nguyên Trưởng phòng Kiểm soát môi trường Chi cục Bảo vệ môi trường; bà Trương Thị Bích Phượng, Thanh tra viên Thanh tra Sở, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Chi cục Bảo vệ môi trường.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đình Phương, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy yêu cầu Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; tăng cường quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên; chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý.
Chính thức bỏ giám sát cảnh sát giao thông bằng thiết bị ghi âm, ghi hình
Thông tư số 46/2024/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực từ 15/11 đã bỏ hình thức giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình và quy định Cảnh sát giao thông phải công khai kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm giao thông.
|
Loại bỏ hình thức giám sát Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ thông qua ghi âm, ghi hình.
|
Thông tư 46/2024/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 67/2019/TT-BCA của Bộ Công an quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo Điều 11 Thông tư này, nhân dân được giám sát lực lượng công an thông qua các hình thức:
Tiếp cận thông tin công khai của lực lượng công an và trên các phương tiện thông tin đại chúng; Qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật;
Tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sĩ; Kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Quan sát trực tiếp công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Như vậy, từ hôm nay, hình thức giám sát CSGT bằng thiết bị ghi âm, ghi hình đã bị bãi bỏ. Bên cạnh đó, Thông tư 46/2024/TT-BCA cũng bỏ quy định CSGT phải công khai kế hoạch tuần tra, xử lý vi phạm giao thông.
Việc giám sát của nhân dân phải bảo đảm các điều kiện: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ;
Không được vào khu vực thực thi công vụ quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư này, trừ người có quyền và nghĩa vụ liên quan; Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Ngoài ra, Thông tư 46/2024/TT-BCA cũng sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 9 về trách nhiệm của nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông như sau: Thông báo cho cơ quan Công an hoặc UBND nơi gần nhất các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông; các vụ đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, vi phạm pháp luật hình sự làm ảnh hưởng an toàn giao thông; đặt chướng ngại vật trên đường gây cản trở giao thông; ném đất, đá hoặc các vật khác vào phương tiện hoặc người tham giao giao thông; vận chuyển trái phép chất cháy, chất nổ, chất ma túy hoặc vận chuyển trái phép các hàng hóa khác; các hành vi giả danh công an nhân dân; chống người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông khác.
Các trách nhiệm khác của nhân dân tham gia vào hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gồm:
Tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.
Tham gia cấp cứu và bảo vệ tài sản của người bị nạn, bảo vệ hiện trường trong các vụ tai nạn giao thông.
Bảo vệ các công trình giao thông, thiết bị an toàn giao thông. Trường hợp phát hiện công trình, thiết bị có dấu hiệu không bảo đảm an toàn giao thông hoặc bị hư hỏng, bị xâm hại thì nhanh chóng thực hiện các biện pháp báo hiệu cho người tham gia giao thông biết và khẩn trương thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan quản lý công trình, thiết bị, cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.
Phát hiện, ngăn chặn, tố cáo những trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông. Hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ khi làm nhiệm vụ…
Cháy viện dưỡng lão Tây Ban Nha khiến ít nhất 10 người thiệt mạng
Vụ hỏa hoạn xảy ra sáng sớm 15/11, tại một viện dưỡng lão ở miền Bắc Tây Ban Nha đã khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và nhiều người trong tình trạng nguy kịch, Reuters đưa tin.
|
Lực lượng cứu hộ có mặt tại khu vực vụ cháy xảy ra.
|
Người phát ngôn chính quyền khu vực Aragon cho biết, ngọn lửa bùng phát tại một viện dưỡng lão có tên "Jardines de Villafranca" nằm ở thị trấn Villafranca del Ebro, miền Bắc Tây Ban Nha vào khoảng 5h sáng 15/11 (giờ địa phương).
Vào thời điểm vụ hỏa hoạn xảy ra, trong viện dưỡng lão đang có 82 người, hầu hết trong số này được cho là những người cao tuổi sống trong tòa nhà, cùng y tá và nhân viên hỗ trợ.
Sau nhiều giờ nỗ lực, lực lượng cứu hỏa đã cơ bản dập tắt được đám cháy. Tuy nhiên, theo Reuters, đã có ít nhất 10 thiệt mạng và 2 người khác đang trong tình trạng nguy kịch sau vụ hỏa hoạn.
Ông Fernando Beltran, đại diện khu vực Aragon, cho biết đám cháy bắt đầu từ một trong những căn phòng của viện dưỡng lão. Cũng theo ông, phần lớn các nạn nhân tử vong do ngạt khói.
"Đây là một kết cục thảm khốc", ông thừa nhận, cho biết thêm rằng nhiều người đang được chăm sóc y tế sau vụ cháy và lực lượng cứu hỏa đã nỗ lực trong vài giờ để kiểm soát đám cháy.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong một chia sẻ trên mạng xã hội X cũng bày tỏ rằng ông "bị sốc trước thảm kịch". "Tôi hy vọng những nạn nhân trong tình trạng nghiêm trọng sẽ hồi phục sớm nhất có thể", ông chia sẻ.
Vụ hỏa hoạn xảy ra chỉ vài tuần sau trận lũ quét kinh hoàng ở Valencia, Tây Ban Nha khiến hơn 200 người thiệt mạng và phá hủy hàng nghìn ngôi nhà. Đây được coi là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong nhiều năm trở lại đây ở Tây Ban Nha./.