Thủ tướng kêu gọi toàn dân chung tay phòng, chống dịch COVID-19

Thứ bảy, 01/05/2021 19:11
(ĐCSVN) - Thủ tướng kêu gọi toàn dân chung tay cùng Chính phủ phòng, chống dịch COVID-19; Ghi nhận thêm 3 trường hợp, Hà Nam cách ly xã hội đối với xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân; 12 người tử vong vì tai nạn giao thông trong ngày 1/5; Mỹ ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Ấn Độ; Bão ở Giang Tô (Trung Quốc) làm hơn 100 người thương vong… là một số tin tức chú ý diễn ra ngày 1/5.

Thủ tướng kêu gọi toàn dân chung tay cùng Chính phủ phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp khẩn về phòng, chống COVID-19.
(Ảnh: Văn Điệp/TTXVN) 

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đưa ra lời kêu gọi toàn dân, toàn quân chung tay cùng Chính phủ phòng chống dịch COVID-19, yêu cầu chấn chỉnh ngay các biểu hiện chủ quan, lơ là, chùng xuống, thậm chí buông xuôi, “xả hơi”, chặn ngay mọi sơ hở, xử lý ngay mọi vi phạm. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành quan tâm cao nhất, chỉ đạo liên tục, sát sao nhất với công tác này.

Người đứng đầu Chính phủ đưa ra lời kêu gọi và yêu cầu này tại cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống dịch COVID-19 sáng Ngày Chiến thắng 30/4 - ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với dân tộc Việt Nam, cũng là ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ kéo dài.

Cuộc họp được Thủ tướng triệu tập khẩn cấp trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới cực kỳ phức tạp, nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài rất cao, luôn rình rập, Việt Nam chính thức ghi nhận đợt dịch mới từ một trường hợp nhập cảnh - sau hơn 1 tháng không ghi nhận các ca nhiễm cộng đồng.

Trước đó, ngày 27/4, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; các tỉnh ủy, thành ủy; các ban Đảng, ban cán sự Đảng; Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; các Đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tại cuộc họp ngày 30/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng lưu ý, khâu tổ chức thực hiện các quy định, quy chế cần phải siết chặt hơn nữa, làm tốt, hiệu quả hơn nữa. Thủ tướng nhấn mạnh việc xem xét kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và thực hiện không đúng các quy định trong phòng chống dịch, để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. Bởi, chỉ một người lơ là, cả xã hội vất vả.

Theo Thủ tướng, vừa qua có nơi, có lúc, người đứng đầu cũng chưa thực sự tâ%3ḅp trung lãnh đạo, chỉ đạo nên tình hình có những sơ hở, do đó, phải xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiê%3ḅm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch theo quy định của Đảng và pháp luâ%3ḅt của Nhà nước với tinh thần hết sức khách quan, công bằng, hợp lý.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi toàn thể đồng bào và chiến sĩ cả nước chung tay với Chính phủ, nỗ lực cao nhất, gác lại việc chưa cần thiết, ngay lập tức thực hiê%3ḅn các quy định của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch vì sức khỏe của mỗi cá nhân, vì sức khỏe của cô%3ḅng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tô%3ḅc.

Kinh nghiệm một năm rưỡi kiên cường phòng, chống dịch của Việt Nam cho thấy, càng về sau, các đợt dịch càng khó khăn, phức tạp hơn, thời gian khống chế lâu hơn, song chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng vẫn có thể xử lý tốt tình hình. Qua các đợt dịch, các giải pháp ngày càng được hoàn chỉnh, hoàn thiện, triển khai bài bản hơn trong thực tế. Có chiến lược đúng đắn, giải pháp phù hợp chưa đủ, một “bí quyết” của Việt Nam là triển khai quyết liệt, nhất quán, đồng bộ chiến lược, giải pháp đó khi xảy ra tình huống dịch.

Nhìn lại những chỉ đạo liên tiếp gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, có thể khẳng định, tình hình dịch bệnh hiện nay là tình huống đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự kiến, trong bối cảnh làn sóng COVID-19 đang hoành hành dữ dội ở nhiều nước láng giềng và trong khu vực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sẵn sàng ở mức cao nhất để phòng, chống dịch theo tinh thần bất luận tình huống nào cũng sẵn sàng các kế hoạch để ứng phó.

Tại tất cả các cuộc họp với các bộ, cơ quan kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều nhắc tới yêu cầu nâng cao cảnh giác, siết chặt đội ngũ, quyết liệt triển khai giải pháp phòng chống dịch. Thủ tướng phân công Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp kiểm tra công tác chống dịch tại các tỉnh biên giới Tây Nam và Thành phố Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia đã yêu cầu các bộ, cơ quan sẵn sàng đáp ứng tình huống dịch bùng phát, chuẩn bị cho tình huống có 30.000 người mắc bệnh…

Đến thời điểm này, chúng ta vẫn kiểm soát được tình hình và nhất định chúng ta sẽ tiếp tục kiểm soát được tình hình nếu cả nước thực hiện nghiêm túc các giải pháp mà Trung ương đã yêu cầu.

Tuy nhiên, qua một năm rưỡi chống dịch, nếu các chiến lược và giải pháp của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, quyết tâm ở cấp Trung ương càng được củng cố, thì ở chiều ngược lại, càng có nguy cơ xuất hiện tâm lý hoặc chủ quan, lơ là hoặc hoang mang, lo sợ trong ở một bộ phận người dân, các cơ quan, tổ chức và ngay cả trong các cấp, các ngành thuộc hệ thống chính quyền. Thời gian căng thẳng càng kéo dài, tâm lý con người càng dễ uể oải, chùng xuống, thậm chí buông xuôi, “xả hơi”. Các thành tích chống dịch ấn tượng đã đạt được cũng dễ tạo tâm lý chủ quan, thậm chí coi thường dịch bệnh. Đây có thể là điểm cần chú ý nhất, là khâu yếu cần được không ngừng gia cố trong thời gian tới.

Một ví dụ, ngay tại cuộc họp chiều 30/4 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo Chử Xuân Dũng đã nhắc nhở lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) phải tham dự đầy đủ các cuộc họp của Ban Chỉ đạo, đã có tình trạng “lúc nước sôi lửa bỏng mà gọi điện lãnh đạo CDC Hà Nội không được".

Đây là chỉ một ví dụ nhỏ, nhưng nếu tình trạng nói trên nếu không được chấn chỉnh sẽ gây ra những hậu quả chưa thể lường trước được, xô đổ mọi thành quả, thành tựu đáng ngưỡng mộ mà Việt Nam đã đạt được thời gian qua. Điều này nhất định phải được chấn chỉnh, mỗi người nhất định phải ý thức được trách nhiệm của mình, nếu không muốn có trên đất nước chúng ta những thảm cảnh mà Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là “không thể đau lòng hơn” đang diễn ra tại nhiều nước trong khu vực.

Cuộc họp khẩn của Thủ tướng Chính phủ được tổ chức trong ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ dài ngày, lượng người đi lại và tập trung ở nhiều nơi rất lớn. Cùng với chiến lược vaccine đang được Chính phủ tích cực triển khai với quyết tâm cao nhất, mỗi người trong gần 100 triệu đồng bào cần gác lại những thói quen bình thường trong điều kiện cũ nhưng không còn phù hợp trong bối cảnh mới, mà trước hết là hạn chế tụ tập đông người, thực hiện nghiêm túc 5K…

Trước mắt chúng ta là rất nhiều việc quan trọng phải làm, trong đó, có cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp vào ngày 23/5 tới. Yêu cầu của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng, mục tiêu cao nhất của chúng ta là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, đưa đất nước tiếp tục tiến về phía trước.

Ghi nhận thêm 3 trường hợp, Hà Nam cách ly xã hội đối với xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân

Chốt kiểm dịch đã được lập nên tại xã Đạo Lý. Ảnh: Báo Nhân dân

Ngày 1/5, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Hà Nam vào chiều cùng ngày.

Các ca dương tính mới được ghi nhận đều ở thôn Thọ Lão, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân. Cả 3 trường hợp này đều có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp N. V. Đ, ở thôn Quan Nhân, xã Đạo Lý, được phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 28/4. Như vậy, đến ngày 1/5, tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 10 trường hợp mắc COVID-19 tại 3 xã của huyện Lý Nhân gồm: Đạo Lý, Bắc Lý và Chân Lý.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Hà Nam đã quyết định thực hiện các biện pháp cách ly xã hội đối với xã Đạo Lý từ 13 giờ ngày 1/5/2021 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Hà Nam quyết định thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế tập trung đông người đối với xã Bắc Lý, xã Chân Lý từ 13 giờ ngày 1/5/2021 theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dừng hoạt động: các nhà hàng, quán ăn uống; các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, cắt tóc, gội đầu, spa, làm đẹp trên địa bàn huyện Lý Nhân từ 13 giờ ngày 1/5/2021 đến khi có thông báo mới.

Ngày 1/5, cả nước xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người

Chiều 1/5, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, trong ngày nghỉ thứ 2 của dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 năm nay, đã có 12 người chết vì tai nạn giao thông. So sánh với cùng kỳ năm ngoái, giảm 11 người chết, giảm 1 người bị thương.

Công an huyện Tam Đảo xử lý trường hợp chủ phương tiện không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN) 

Cụ thể, trong ngày 1/5, cả nước xảy ra 27 vụ tai nạn giao thông, làm chết 12 người, bị thương 13 người. Tất cả các vụ tai nạn đều xảy ra trên đường bộ. Đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.

Thực hiện cao điểm của Cục Cảnh sát giao thông về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp lễ 30/4-1/5, bảo vệ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 8.408 trường hợp vi phạm, so với ngày nghỉ lễ thứ hai của năm 2020, tăng 1.141 trường hợp (tăng 15,7%); phạt tiền hơn 6,5 tỷ đồng.

Trên lĩnh vực đường bộ, Cảnh sát giao thông Công an các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 8.101 trường hợp vi phạm, tăng 983 trường hợp so với cùng kỳ năm trước (tăng 13,6%); phạt tiền gần 6,2 tỷ đồng; tạm giữ 67 xe ôtô, 2.389 xe mô tô; tước 473 giấy phép lái xe các loại, trong đó vi phạm nồng độ cồn xử lý 1.145 trường hợp, vi phạm các quy định về ma túy 9 trường hợp.

Trong 2 ngày cuối của dịp nghỉ lễ sắp tới, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tiếp tục triển khai những kế hoạch, chuyên đề xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông trên toàn quốc, nhằm giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, đồng thời nỗ lực tránh tình trạng ùn ứ kéo dài trên các tuyến giao thông trọng điểm khi người dân trở về các thành phố lớn để làm việc.

Mỹ ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ Ấn Độ

Ảnh minh họa. (Nguồn: Boston Globe/Vietnamplus) 

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Nhà Trắng thông báo chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ cấm nhập cảnh đối với hầu hết những người từ Ấn Độ trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới gia tăng ở mức báo động ở quốc gia Nam Á này.

Thư ký Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, bắt đầu từ ngày 4/5, Mỹ bắt đầu hạn chế việc đi lại từ Ấn Độ dựa trên khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Theo bà Jen Psaki, quy định này được đưa ra do số ca nhiễm COVID-19 vô cùng cao với quá nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2 đang bùng phát tại Ấn Độ.

Cụ thể, các công dân nước ngoài có mặt tại Ấn Độ trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh sẽ không được vào Mỹ. Quy định này không áp dụng cho công dân Mỹ, người cư trú tại Mỹ dài hạn và một vài trường hợp miễn trừ khác.

Tuy nhiên, những người này khi trở về Mỹ từ Ấn Độ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước khi lên máy bay và phải cách ly nếu chưa tiêm phòng.

Trước đó, Mỹ đã áp dụng các hạn chế đối với đi lại quốc tế, theo đó yêu cầu hành khách phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi đến Mỹ.

Trung Quốc: Bão mạnh ở Giang Tô làm hơn 100 người thương vong

Cây cối bị quật đổ do giông bão tại thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ngày 1/5. (Ảnh: THX/TTXVN) 

Giới chức tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 1/5 thông báo đã có ít nhất 11 người thiệt mạng và 102 người bị thương sau khi giông bão quét qua một khu vực rộng lớn của địa phương này vào tối ngày trước đó.

Theo Cơ quan xử lý tình huống khẩn cấp tỉnh Giang Tô, giông bão đã quét qua nhiều thành phố đông dân của tỉnh này, trong đó có thành phố cảng Nam Thông - nơi có 8 triệu dân sinh sống. Do ảnh hưởng của giông bão, khoảng 3.050 người đã phải sơ tán.

Trong khi đó, một tàu đánh cá chở theo 11 thủy thủ đã bị lật. Hiện 2 thủy thủ đã được giải cứu, trong khi 9 người còn lại vẫn đang mất tích. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm số người này./.

PC (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực