Triệt phá đường dây đưa nguyên liệu từ châu Âu về Việt Nam để sản xuất ma túy

Thứ sáu, 28/04/2023 20:44
(ĐCSVN) – Triệt phá đường dây đưa nguyên liệu từ châu Âu về Việt Nam để sản xuất ma túy; Cả nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong hơn 6 tháng; Triệt phá đường dây cá độ bóng đá liên tỉnh, quy mô lớn; Chìm tàu cao tốc ở Indonesia, ít nhất 11 người thiệt mạng;… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 28/4.

Triệt phá đường dây đưa nguyên liệu từ châu Âu về Việt Nam để sản xuất ma túy 

Ngày 28/4, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vừa triệt phá đường dây đưa nguyên liệu từ châu Âu về Việt Nam sản xuất ma túy quy mô lớn do người đàn ông có tên thường gọi là Trí “cá voi” cầm đầu thực hiện.

 Các đối tượng trong đường dây đưa nguyên liệu từ châu Âu về Việt Nam sản xuất ma túy quy mô lớn. (Ảnh: Thành Chung/Vietnam+)

Cụ thể, thời gian dài theo dõi, Công an Thành phố phát hiện thông tin về đường dây mua bán trái phép ma túy tổng hợp có tính chất xuyên quốc gia, hoạt động liên tỉnh của đối tượng Trí “cá voi”. Vào khoảng cuối năm 2021, Trí “cá voi” đã móc nối với các đối tượng người Việt Nam định cư tại Pháp để đặt mua nguyên liệu làm thuốc lắc. Đối tượng lợi dụng dịch vụ bưu điện chuyển phát nhanh quốc tế, giao hàng tận nơi về Thành phố Hồ Chí Minh bào chế thành ma túy tổng hợp thành phẩm.

Ngày 20/4, Công an Thành phố đã bắt giữ Trí “cá voi” và đồng phạm. Theo Cơ quan điều tra, quá trình đấu tranh bóc gỡ toàn bộ đường dây tội phạm nêu trên gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, khép kín; thường xuyên thay đổi địa điểm bào chế, đóng gói ma túy...

Đến nay, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt 21 đối tượng, thu giữ hơn 18.000 viên ma túy tổng hợp, 900 gram ketamine, 120 gói “nước vui”, 21 gói chứa chất tinh thể không màu, viên nén các loại (hiện đang tiến hành giám định) cùng toàn bộ phương tiện, thiết bị, nguyên liệu để phục vụ quá trình bào chế, nghiên cứu sản xuất thuốc lắc.

Cơ quan điều tra nhận định, từ 106 kg bột nguyên liệu, băng nhóm của Trí “cá voi” pha trộn với các chất bột hóa học khác và bào chế ra được khoảng 230 kg thuốc lắc thành phẩm dạng viên (khoảng 450.000 viên thuốc lắc). Sau đó, nhóm này đem đi tiêu thụ tại nhiều điểm trên nhiều tỉnh thành, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Vụ án đang tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét hàng chục đối tượng khác có liên quan.

Cả nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong hơn 6 tháng

Bản tin phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế cho cho biết, ngày 28/4 ghi nhận 3.094 ca mắc mới. Đây là ngày có số ca cao nhất trong hơn 6 tháng qua ở nước ta.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.557.969 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.802 ca mắc).

 Người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh: VGP/Thiện Tâm)

Ngày 28/4 đã có 763 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.620.576 trường hợp. 62 ca đang phải thở oxy, trong đó 55 ca thở ô xy qua mặt nạ; 3 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 4 ca thở máy xâm lấn

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.188 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Trước tình hình số ca mắc COVID-19 thời gian gần đây liên tục gia tăng, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc, đồng thời công bố công khai, cập nhật các địa điểm tiêm vaccine để người dân dễ tiếp cận. Hiện nay, một số địa phương công bố cụ thể các địa điểm tiêm vaccine COVID-19 xuyên dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương để người dân biết, đến tiêm, điển hình như: Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai 61 điểm tiêm vaccine COVID-19 xuyên dịp nghỉ lễ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân ngoài việc tiêm đủ các mũi vaccine COVID-19, cần tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, như: khẩu trang, khử khuẩn, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Chìm tàu cao tốc ở Indonesia, ít nhất 11 người thiệt mạng

Một tàu cao tốc chở ít nhất 78 người đã bị chìm ở miền Tây Indonesia. Lực lượng cứu hộ Indonesia đang nỗ lực tìm kiếm 9 người mất tích trong điều kiện biển động vào sáng 28/4.

  Lực lượng cứu hộ Indonesia đang nỗ lực tìm kiếm 9 người mất tích sau vụ chìm tàu cao tốc (Ảnh: AFP)

Người đứng đầu Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Pekanbaru - ông Nyoman Sidhakarya cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 11 thi thể, trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em; đồng thời cứu sống được 58 người, nhiều người trong số họ đã bị bất tỉnh sau nhiều giờ trôi dạt trên biển.

Theo ông Nyoman Sidhakarya, tàu Evelyn Calista 01 chở 6 thành viên thủy thủ đoàn và 72 hành khách, phần lớn là những người vừa trở về quê hương để đón lễ Eid al-Fitr cùng gia đình.

Tàu Evelyn Calista 01 đã chìm tại vùng biển Pulau Burung, huyện Indragiri Hilirm, tỉnh Riau khoảng 30 phút sau khi khởi hành. Con tàu đang trong hành trình đến Tanjung Pinang, thủ phủ tỉnh đảo Riau.

Cảnh sát địa phương cho biết, nguyên nhân của vụ chìm tàu vẫn đang được điều tra, nhưng một số người sống sót nói rằng chiếc thuyền đột ngột lắc lư và lật úp sau khi va phải một khúc gỗ lớn khi đang đi trong gió mạnh.

Tai nạn tàu phà thường xảy ra ở Indonesia  - nơi có tới hơn 17.000 hòn đảo và tàu phà thường xuyên được sử dụng để làm phương tiện di chuyển. Năm 2018, một chiếc phà quá tải chở khoảng 200 người đã chìm trong một hồ miệng núi lửa sâu ở tỉnh Bắc Sumatra, khiến 167 người thiệt mạng. Một trong những thảm họa tồi tệ nhất từng được ghi nhận ở nước này là một tàu chở khách bị chìm vào tháng 2 năm 1999 với 332 người trên tàu, chỉ có 20 người trong số họ sống sót./.

 
PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực