Từ năm 2025, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 3 buổi thi
Ngày 24/12, quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD-ĐT ban hành kèm Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT.
Bên cạnh việc kế thừa nội dung của các quy chế đã được triển khai thực hiện thuận lợi, ổn định các năm qua nhất là năm 2023 và 2024, quy chế mới có những điểm mới đáng chú ý.
Cụ thể, tổ chức kỳ thi thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. So với những năm trước, giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi, qua đó giảm áp lực, giảm chi phí xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng kỳ thi.
Bên cạnh đó, sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Điểm trung bình học bạ các năm được tính theo trọng số.
Bộ GD-ĐT cho rằng, việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30% lên 50% để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết). Bên cạnh đó, điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây, thay đổi này có tác dụng thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT.
|
Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. (Ảnh: TTXVN) |
Cũng theo quy chế, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này. Cách thức này tiếp tục khuyến khích việc học ngoại ngữ nhưng hướng tới công bằng hơn trong xét đỗ tốt nghiệp. Ví dụ, trước đây, học sinh có chứng chỉ IELTS 4.0 cũng quy đổi thành điểm 10 như học sinh đạt điểm IELTS 8.5.
Về điểm khuyến khích, bỏ cộng điểm chứng chỉ nghề đối với tất cả các thí sinh; bỏ cộng điểm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, bằng trung cấp nghề đối với thí sinh giáo dục thường xuyên. Nội dung này nhằm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đồng thời tạo sự bình đẳng bởi học sinh tốt nghiệp hệ giáo dục chính quy và thường xuyên đều được cấp chung một loại bằng tốt nghiệp.
Quy chế cho phép thí sinh là người nước ngoài được sử dụng chứng chỉ tiếng Việt để miễn thi môn Ngữ văn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nội dung này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xét công nhận tốt nghiệp cho người nước ngoài học chương trình giáo dục phổ thông ở Việt Nam nhưng vẫn bảo đảm được học vấn cơ bản của môn Ngữ văn thông qua việc học môn Ngữ văn trên lớp và việc thi để lấy chứng chỉ tiếng Việt.
Lần đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT có thêm phương thức vận chuyển đề thi từ địa điểm Hội đồng ra đề thi tới điểm in sao đề thi của 63 tỉnh thành qua hệ thống đường truyền mã hoá và bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ. Theo Bộ GD-ĐT, đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ vào các khâu trọng yếu của quy trình tổ chức kỳ thi.
Phương thức vận chuyển đề thi mới này giúp chuyển đề thi gốc nhanh, kịp thời, giảm bớt được thời gian và nhân sự vận chuyển đề thi như phương pháp truyền thống đang áp dụng; đồng thời, đây cũng là bước chuẩn bị từ sớm, từ xa và quan trọng trong việc thực hiện phương án thi theo lộ trình chuyển đổi hình thức từ thi trên giấy sang thi trên máy tính đã công bố.
Bộ GD-ĐT cho biết, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị kỹ và công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ngay từ cuối năm 2023; đã ban hành định dạng cấu trúc đề thi, đề thi tham khảo tất cả các môn thi tốt nghiệp theo hướng phù hợp với đánh giá năng lực học sinh; tập huấn đội ngũ cán bộ giáo viên trong toàn quốc về ra câu hỏi thi, tổ chức thi, tập huấn kỹ thuật cho các địa phương; tăng cường thử nghiệm trên phạm vị rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi…
Công bố nguyên nhân vụ nổ khiến 6 thanh thiếu niên bị thương nặng
Ngày 24/12, công an tỉnh Tây Ninh đã thông tin chính thức về vụ nổ khiến 6 thanh thiếu niên bị thương nặng tại nhà anh P.P.Đ (SN 1985, trú ấp Thạnh Tây, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên). Cơ quan công an xác định, nguyên nhân của vụ nổ do nhóm thanh, thiếu niên này đặt mua thuốc pháo qua mạng, về tự chế pháo, bất cẩn dẫn đến nổ (không phải do nghi nổ bình gas như thông tin ban đầu gia đình nạn nhân khai báo tại bệnh viện).
Trước đó, tại nhà anh Đ xảy ra vụ nổ lớn. Người dân xung quanh nghe tiếng nổ liền chạy đến và phát hiện tường gạch của căn nhà bị sập. Con trai của anh Đ và 5 người bạn (tuổi từ 14 đến 17, cùng trú huyện Tân Biên) bị bỏng nặng, được đưa đi cấp cứu.
|
Căn nhà nơi xảy ra vụ nổ. (Ảnh: N.N) |
Qua khám nghiệm ghi nhận toàn bộ mái nhà bị văng ra xa, tường nhà sập đổ. Tại hiện trường có nhiều vật dụng được xác định là pháo tự chế và mùi thuốc pháo bám quanh khu vực phát nổ.
Cả 6 nạn nhân đều bị bỏng nặng với diện tích từ 40% đến hơn 60% và nhiều vết thương nghiêm trọng. Trong đó, 4 nạn nhân đã được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) để điều trị chuyên sâu.
Từ vụ việc nói trên, cơ quan chức năng cảnh báo tình trạng tự chế pháo nổ gần dịp Tết gia tăng, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc tự chế pháo không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà còn vi phạm pháp luật. Người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, cần cảnh giác và tuyệt đối không thực hiện các hành vi chế tạo pháo nổ.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tái khẳng định kế hoạch luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol
Ngày 24/12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tái khẳng định phiên tòa luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol có thể tiến hành chỉ với 6 thẩm phán.
Thông tin trên được đưa ra sau khi đại diện pháp lý của Tổng thống Yoon Suk Yeol cho rằng tòa án nên cân nhắc việc luận tội tổng thống khi có tới 1/3 ghế trống trong số 9 thành viên của Tòa án Hiến pháp.
Trả lời phỏng vấn báo giới, người phát ngôn của tòa án, ông Lee Jin cho biết: "Quan điểm của chúng tôi là mọi thứ từ cân nhắc đến tranh luận đều có thể diễn ra ngay cả khi có 6 người". Ông nhấn mạnh: "Không có thay đổi nào trong kế hoạch cho phiên điều trần ngày 27/12 tới".
Các thẩm phán đã tổ chức cuộc họp đầu tiên thảo luận về phiên tòa hôm 16/12 vừa qua. Theo quy định, Tòa án Hiến pháp có 180 ngày để ra phán quyết cuối cùng về việc luận tội ông Yoon.
|
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol phát biểu tại Seoul ngày 27/5/2024.(Ảnh: THX/TTXVN) |
Trong diễn biến liên quan cùng ngày, Quốc hội do phe đối lập nắm đa số đã thông qua báo cáo điều trần xác nhận cho 3 ứng cử viên thẩm phán Tòa án Hiến pháp, tiến gần hơn đến việc lấp đầy các vị trí khuyết trong số 9 thành viên tòa án này.
Phiên điều trần do đảng Dân chủ (DP) đối lập đưa ra, kéo dài từ ngày 23 - 24/12 để xem xét những người được đề cử, gồm ông Ma Eun-hyuk, bà Jeong Gye-seon do DP đề cử, và ông Cho Han-chang do PPP đề cử. Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền đã bỏ phiếu trắng trong các phiên điều trần, lập luận rằng quyền Tổng thống Han Duck-soo không có thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán Tòa án Hiến pháp, đồng thời tuyên bố sẽ đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao để xin lệnh cấm nếu ông tiếp tục.
DP và các đảng đối lập nhỏ, cùng nắm giữ 192 ghế tại Quốc hội gồm 300 thành viên, có kế hoạch thông qua các kiến nghị bổ nhiệm trong phiên họp toàn thể vào ngày 26/12.
DP cũng thông báo sẽ đệ trình kiến nghị luận tội quyền Tổng thống Han Duck-soo vào ngày 26/12. Quyết định của DP được đưa ra vài giờ sau khi cuộc họp Nội các do ông Han chủ trì không xem xét 2 dự luật kêu gọi điều tra của công tố viên đặc biệt về việc Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật và các cáo buộc tham nhũng liên quan đến Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee./.