|
Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ lở đất ở Maip Mulitaka, tỉnh Enga, Papua New Guinea ngày 26/5/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Papua New Guinea ước tính hơn 2.000 người bị vùi lấp trong thảm họa sạt lở đất
Chính phủ Papua New Guinea ước tính hơn 2.000 người có thể đã bị vùi lấp trong trận sạt lở đất cuối tuần qua tại nước này. Con số trên được đưa ra trong một bức thư của Trung tâm Thảm họa quốc gia Papua New Guinea gửi Liên hợp quốc. Bức thư đề ngày 26/5, được công bố ngày 27/5.
Làng Yambali có nhiều cư dân sinh sống ở tỉnh Enga, miền Bắc Papua New Guinea, gần như bị xóa sổ khi một mảng núi Mungalo sạt xuống rạng sáng 24/5, chôn vùi hơn 150 ngôi nhà khi người dân đang ngủ. Các cơ quan cứu trợ và lãnh đạo địa phương ban đầu lo ngại có khoảng 100 - 300 người đã thiệt mạng dưới bùn và đống đổ nát tại khu vực bị đất lở vùi lấp trải dài gần bằng 4 sân bóng đá, cao gần bằng 2 tầng nhà. Sau đó, Liên hợp quốc (LHQ) ước tính số nạn nhân thiệt mạng hơn 670 người sau khi lãnh đạo địa phương và nhân viên cứu trợ thảm họa lưu ý số liệu chính thức chưa phản ánh đúng con số thực tế cư dân tại khu vực này. Tuy nhiên, số liệu mới từ Trung tâm Thảm họa quốc gia Papua New Guinea gửi LHQ phản ánh thiệt hại có thể còn lớn hơn nhiều. Các cơ quan viện trợ ước tính hơn 1.000 người đã phải sơ tán sau thảm họa, trong khi các điểm cung cấp thực phẩm và nước uống bị tàn phá.
Trong khi đó, LHQ cho biết lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót.
Quan chức Cơ quan di cư của LHQ Serhan Aktoprak cho biết đã hơn 3 ngày kể từ khi thảm họa xảy ra nên các nỗ lực cứu hộ đang phải chạy đua với thời gian. Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ đang phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm. Tình trạng đá lở và nước ngầm chảy bên dưới các đống đổ nát khiến bề mặt hiện trường rất trơn trượt. Quan chức LHQ cho biết khoảng 250 ngôi nhà gần đó đã được sơ tán để đề phòng. Các đội cứu hộ khẩn cấp, do lực lượng quốc phòng Papua New Guinea dẫn đầu, đã có mặt tại hiện trường nhưng các thiết bị hạng nặng cần thiết cho công tác cứu hộ chưa thể tiếp cận ngôi làng hẻo lánh vì con đường chính vẫn bị cắt và lối vào duy nhất là bằng trực thăng.
Kể từ đầu năm, Papua New Guinea đã trải qua nhiều trận động đất, lũ lụt và lở đất, khiến việc triển khai các dịch vụ khẩn cấp và cứu hộ càng khó khăn hơn. Chính phủ nước này vẫn tập trung vào việc dọn dẹp các mảnh vỡ và mở đường dẫn đến ngôi làng, chuẩn bị vận chuyển và phân phối thực phẩm, nước uống, đồng thời hỗ trợ thành lập các trung tâm tạm trú cho người sơ tán.
Ngày 27/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Australia, ông Richard Marles, cho biết chính phủ nước này đã thảo luận việc cung cấp hỗ trợ cho Papua New Guinea trong những ngày qua. Phát biểu trên đài truyền hình ABC, ông Richard Marles cho biết Australia có thể hỗ trợ vận tải hàng không phục vụ các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ. Các quyết định hỗ trợ sẽ được đưa ra tùy theo tình hình thực tế và thông qua các cuộc thảo luận với chính phủ nước láng giềng.
|
Nguyễn Lâm Trường bị lực lượng chức năng bắt giữ. (Ảnh: baoquangbinh.vn) |
Bắt đối tượng mua bán gần 12.000 viên ma túy tổng hợp
Ngày 27/5, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các đơn vị đấu tranh, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Lâm Trường có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ gần 12.000 viên ma túy tổng hợp.
Trước đó, khoảng 20h ngày 25/5, tại khu vực đường tránh thành phố Đồng Hới, thuộc địa phận phường Bắc Lý, lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang Nguyễn Lâm Trường (SN 1990, trú tại TDP 7, phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới) có hành vi mua bán trái phép chất ma túy.
Tại hiện trường, thu giữ 1 túi nylon bên trong có chứa 11.935 viên nén hình tròn. Trường khai nhận số viên nén trên là ma túy tổng hợp dạng hồng phiến, Trường cất giấu để bán kiếm lời.
Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Lâm Trường, lực lượng chức năng thu giữ thêm 30 viên nén hình tròn, màu hồng.
Hiện Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Lâm Trường để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
|
Lực lượng Biên phòng tỉnh Bình Định ra quân xử lý các tàu cá vi phạm. (Ảnh:laodong.vn) |
Tước chứng chỉ 4 thuyền trưởng tàu cá mất kết nối 10 ngày trên biển
Ngày 27-5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định cho biết, đã ra quyết định xử phạt 4 tàu cá có hành vi không duy trì hoạt động thiết bị VMS khi đánh bắt trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m.
Trước đó, qua tuần tra, kiểm soát công tác chống IUU, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn phát hiện 4 tàu cá (chủ tàu đều ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định) hoạt động khai thác ở vùng biển phía Nam, nhưng ngắt kết nối, không duy trì thiết bị giám sát hành trình (VMS) theo quy định.
Qua xác minh, các tàu cá này mất kết nối hệ thống giám sát định vị vệ tinh đã hơn 10 ngày, nhưng các thuyền trưởng không đưa tàu về bến để khắc phục, không báo cáo với đơn vị chức năng.
Với hành vi trên, lực lượng Biên phòng đã lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm hành chính mỗi thuyền trưởng tàu cá 25 triệu đồng, tước quyền sử dụng chứng chỉ thuyền trưởng 4,5 tháng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lắp đặt, tình trạng thiết bị VMS trên các tàu cá, tỉnh Bình Định đang tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là Bộ đội Biên phòng tỉnh đẩy mạnh ra quân để tuần tra, kiểm soát công tác xuất, nhập bến cho các tàu cá trên địa bàn tỉnh.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh có 3.200 tàu cá chiều dài trên 15m đánh bắt xa bờ. Từ năm 2019, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 50% (dưới 10 triệu/tàu) cho đội tàu cá xa bờ tỉnh này lắp đặt thiết bị VMS. Đến nay, 100% tàu cá xa bờ của tỉnh Bình Định đã trang bị và hoạt động theo quy trình VMS./.