(ĐCSVN) - Việc tái chế nhựa từ chất thải y tế nguy hại, thuộc danh mục cấm tái chế do Bộ Y tế quy định đang diễn ra rất đáng báo động.
Tái chế nhựa được xem là việc làm hữu ích, vừa tận dụng được nguyên liệu, vừa thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tái chế nhựa từ chất thải y tế nguy hại, thuộc danh mục cấm tái chế do bộ Y tế quy định lại là vấn đề đáng báo động, khi lượng rác thải y tế từ các bệnh viện rất lớn, trong khi các cơ sở thu gom rác thải y tế trôi nổi trên thị trường ngày càng nhiều.
Nhựa thải y tế đi đâu, về đâu?
Chỉ cần khảo sát ở một cơ sở tái chế nhựa không tên trên phần đất của tập đoàn Chấn Hưng ở khu phố 1, thị trấn Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) rất dễ thấy những chất thải nguy hại bị cấm tái chế bơm kim tiêm, bộ dây chuyền dịch, ống dẫn lưu… Chủ cơ sở này đã sử dụng rác thải y tế nguy hiểm xay nhỏ thành hạt nhựa nguyên liệu bán cho các cơ sở sản xuất nhựa khắp cả nước. Chủ cơ sở này cho biết, đã sử dụng hợp đồng với BV Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An để mua rác thải y tế. Theo hợp đồng, BV chỉ bán những chất thải thông thường, không bán chất thải nguy hại và nghiêm cấm dùng nhựa thải y tế để tái chế thành sản phẩm đựng thức ăn. Không ai dám chắc số lượng lớn hạt nhựa này không dùng để tái chế các sản phẩm đựng thực phẩm, nơi tích tụ vi khuẩn gây ra các triệu chứng đau bụng, nhức đầu, ngộ độc... Hộp làm từ nhựa nguy hại sẽ sản sinh chất độc BPA dẫn đến các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, vô sinh, béo phì, ung thư...
|
Nhựa thải y tế. Ảnh: Báo Tuổi trẻ |
"Sản phẩm nhựa đựng thực phẩm an toàn là nhựa melamine, không ảnh hưởng đến sức khoẻ do có độ kháng nhiệt cao, không bị ăn mòn bởi dung môi hay dầu mỡ, không trầy xước, không mùi vị thực phẩm”, PGS-TS. Nguyễn Hữu Hoan, Trung tâm phân tích và xử lý môi trường, Viện Hoá học Công nghệ cho biết.
Chị Phạm Thị Thúy Hà, chủ cơ sở tái chế nhựa cho biết, toàn bộ các rác thải trong kho chủ yếu là rác thải y tế chị "mua từ bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An, về xay nhỏ thành hạt nhựa, làm nguyên liệu rồi bán cho các cơ sở sản xuất của nhiều tỉnh, thành trong cả nước”.
Qua tìm hiểu của phóng viên về cơ sở tái chế nhựa của chị Hà chúng tôi được biết, sau khi công ty cổ phần nhựa Dũng Anh, số 70 đường Huỳnh Thúc Kháng, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản, chị Hà đã tận dụng các thiết bị máy móc sẵn có, và đã sử dụng hợp đồng mua bán với bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An để mua rác thải y tế.
Theo hợp đồng này, bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An chỉ bán những chất thải y tế thông thường, không bán những chất thải nguy hại như: Bơm kim tiêm, ống dẫn lưu, bộ truyền dịch. Đặc biệt nghiêm cấm việc cơ sở này dùng nhựa thải y tế để tái chế thành các sản phẩm đựng thức ăn.
Tuy nhiên, khi hàng đã xuất kho thì bệnh viện sẽ quản lý ra sao hay bỏ mặc cho chủ cơ sở tự sử dụng lại là chuyện khác. Thực tế có rất nhiều bệnh viện không quan tâm đến đầu ra của các loại nhựa thải y tế. Miễn là đã khâu xử lý rác thải được thực hiện thường xuyên, không để xảy ra tình trạng tồn đọng.
Trở lại bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An, hàng tuần, những bao tải chứa đựng toàn bộ rác thải y tế của bệnh viện lại được thu gom, chuẩn bị bán cho chị Hà. Tuy nhiên, trong quá trình phân loại, những người được phân nhiệm vụ, phân loại rác thải trước khi đem bán, lại để nguyên hiện trạng như các khoa trong bệnh viện nộp về.
Vì vậy chất thải y tế thông thường đã trộn lẫn với chất thải y tế độc hại, đem bán cho các cơ sở để tái chế. Trung bình mỗi tháng bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An bán từ 20.000 đến 22.000 vỏ dịch chuyền. Thế nên, đã có bao nhiêu bộ dây dịch chuyền, bơm tiêm nhựa được “đính kèm” thì không ai có thể biết được số lượng chính xác. Trong khi đó, không loại trừ trường hợp cơ sở tái chế sẽ dùng cả nguyên liệu là chất thải y tế nguy hại để chế biến, xay thành hạt nhựa.
Theo các chuyên gia, toàn bộ chất thải thông thường xen lẫn chất thải nguy hại thì sẽ thành trở thành chất thải nguy hại. Hơn nữa, có ai dám chắc rằng, số lượng lớn hạt nhựa này không dùng để tái chế các sản phẩm chứa đựng thực phẩm?
Theo phân tích của Dược sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy, “nhựa sau khi tái chế sẽ được làm các dụng cụ chứa đựng các đồ ăn liền, sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, nếu các rác thải độc hại được tái chế sẽ ảnh hưởng rất nguy hiểm cho sức khỏe”.
Trong khi đó, tại cơ sở chế biến hạt nhựa của chị Hà, phóng viên còn phát hiện thấy có rất nhiều phế phẩm nhựa không tái chế được, do các cơ sở khác ngoài tỉnh bán lại cho chị Hà để xay lại làm nguyên liệu nhựa. Vậy cái vòng luẩn quẩn của vấn đề tái chế nhựa này đã được quản lý ra sao, nhất là từ các chất thải y tế nguy hại?
Theo chị Hà, mỗi tháng cơ sở của chị có trên 2 tạ hạt nhựa được xuất kho. Còn trên thị trường, đồ gia dụng làm bằng nguyên liệu nhựa có mặt rất nhiều tại các gia đình và trôi nổi trên thị trường, nhưng có ai biết được nguồn gốc của các loại nhựa để sản xuất thành các sản phẩm quen thuộc dùng hàng ngày? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, để đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng các sản phẩm từ nhựa tái chế.
Rác y tế là vấn nạn toàn cầu
Một chuyên gia đặc biệt của Liên Hợp Quốc về nhân quyền và rác thải độc hại cho rằng, rác thải y tế đang trở thành vấn đề toàn cầu đe dọa sức khỏe nhân viên y tế, bệnh nhân, công nhân thu gom rác và bất kỳ ai thường xuyên tiếp xúc với chất thải độc hại của các BV và các cơ sở chăm sóc y tế khác. Vì vậy, phải xây dựng một cơ chế pháp lý quốc tế đối với việc quản lý và xử lý rác thải y tế, thay thế các lò đốt bằng các biện pháp xử lý rác thải thân thiện với môi trường.
Vấn đề này đặc biệt đáng lo ngại ở các nước đang phát triển vì lượng chất thải y tế của các nước này đang tăng nhanh do các dịch vụ y tế đang được mở rộng, trong khi các công cụ kỹ thuật và tài chính để đảm bảo việc quản lý và xử lý rác thải y tế một cách hợp lý lại thiếu. Theo Bộ Y tế, dù vẫn là yêu cầu bức thiết nhưng xử lý chất thải y tế vẫn là bài toán nan giải mà lý do chính nằm ở vấn đề kinh phí và công nghệ phù hợp với giá thành đầu tư.