(ĐCSVN) - Cách Hà Nội khoảng 10 km, khu sản xuất rau an toàn tại xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội là nơi cung ứng rau sạch với số lượng lớn cho nội thành thủ đô.
Trong vai người đi tìm mua rau sạch về đổ bán cho các nhà hàng, quán cơm, chúng tôi đã tìm về “vựa” sản xuất rau an toàn của hợp tác xã nông nghiệp Phương Viên tại địa điểm Xứ Đồng Bãi ngoài, Nam cao tốc Đại lộ Thăng Long, xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội.
Ngay đầu lối vào khu sản xuất, hợp tác xã Song Phương là hàng loạt tấm biển với khẩu hiệu: “Khu sản xuất rau an toàn”, “Mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng Gap”… nhưng thực tế cho thấy, dọc các kênh mương người dân vẫn vứt vỏ chai lọ, bao bì thuốc sâu bừa bãi.
|
Để có những mớ rau tươi ngon, nhiều nông dân đã sử dụng thuốc trừ sâu cực mạnh. Ảnh minh họa |
Khi PV có ý hỏi cần đặt mua gấp lượng rau, quả sạch với số lượng lớn, người dân ở đây liền chỉ ngay cho đến nhà chị Dung (một người dân có vườn đậu đũa đang cho thu hoạch). Vừa bước đến thửa ruộng đậu đũa của nhà chị Dung, chúng tôi gặp chị đang pha chế các loại thuốc trừ sâu Toplaz (loại thuốc trừ nấm, thẩm thấu nhanh tăng cường khả năng quang hợp của cây trồng, giúp bộ lá xanh mướt, cứng cáp) và Pezan (trị sâu cuốn lá, đục quả) và một số loại thuốc khác được để trong ống nhựa chuẩn bị phun cho sào đậu xanh mướt trước mặt.
Chị Dung vừa hòa các loại thuốc sâu vào trong 1 cái gáo nhựa vừa cho biết: “Ruộng đậu đũa đang trong thời kỳ cho thu hoạch, mấy loại thuốc chuẩn bị phun không hề ảnh hưởng gì đến sức khỏe”. Đặt vấn đề với chị Duyên về lượng rau, quả cần mua gấp, chị liền hỏi mua được với giá bao nhiêu, nếu trả giá được thì chiều chị sẽ hái bán.
Một hồi thương lượng giá cả, chị Dung nhất trí bán cho PV với giá 15 nghìn/1 kg và hẹn buổi chiều quay lại “Cháu lấy được nhiều không, phải 15 nghìn/1 kg cô mới bán, có gì chiều cháu quay lại cô hái cho”.
Nói dứt câu, chị Dung liền mặc áo mưa đeo bình thuốc vừa pha lên lưng rồi phun ruộng đậu đũa của mình. Thấy PV tỏ ý lo ngại đến sức khỏe khi ăn phải rau đậu chị vừa phun sẽ bị ngộ độc, chị Dung liền trấn an: “Thuốc này (Toplaz, Pezan…PV) là thuốc hóa học chứ không phải thuốc sâu, phun chỉ để cho con bay bay (côn trùng) bay đi chứ không ảnh hưởng gì. Sau 15 phút là có thể thu hoạch được”.
Sau khi có thông tin về việc nông dân trong vùng sản xuất rau an toàn (RAT) của Hà Nội sử dụng thuốc cực độc, thu hoạch trong ngày không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội đã tổ chức kiểm tra, xác minh thực tế khu vực sản xuất RAT xã Song Phương, làm việc với đồng chí Phó chỉ tịch UBND xã và bà Nguyễn Thị Dung (người phun thuốc) để xác minh, làm rõ thông tin báo đăng và có biện pháp xử lý. Chi cục BVTV đã xác minh 02 loại thuốc bà Dung sử dụng là Toplaz 70WP và Pezan 50 EC để phun cho cây đậu đũa. Trong đó thuốc Toplaz 70 WP là thuốc trong danh mục được phép sử dụng trên rau. Tuy nhiên, bà Dung đã sử dụng thuốc Pezan 50 EC (không đăng ký sử dụng trên rau) để phun cho ruộng đâu đũa là vi phạm khoản 2 Điều 32, pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Tuyên truyền trên loa truyền thanh xã về hành vi vi phạm
Để quản lý tốt công tác đảm bảo ATTP và chất lượng RAT trên địa bàn, Chi cục BVTV Hà Nội đã đề nghị UBND xã Song Phương có các biện pháp xử lý cục thể sau:
Xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Dung về hành vi sử dụng thuốc BVTV không đảm bảo đúng kỹ thuật và thời gian cách ly theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 15, Nghị định số 26/2003/NĐ-CP ngày 19/3/2003 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Đối với ruộng đậu đũa của bà Dung: UBND xã có biện pháp thu và tiêu hủy toàn bộ những quả đậu đũa đến thời kỳ thu hoạch nhưng chưa đảm bảo thời gian cách ly đối với 02 loại thuốc đã phun. Đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ đảm bảo đủ thời gian cách ly mới cho phép bà Dung được tiếp tục thu hoạch đậu đũa để đảm bảo ATTP.
Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của xã về hành vi vi phạm của bà Nguyễn Thị Dung để tăng tính răn đe, tránh tình trạng tái phạm làm ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ RAT của địa phương.
Để đảm bảo chất lượng RAT sản xuất tại xã Song Phương (Hoài Đức- Hà Nội) và toàn bộ diện tích sản xuất RAT của thủ đô, Chi cục BVTV phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thước của người sản xuất, đồng thời giao cho cán bộ chỉ đạo tại các vùng sản xuất bám sát đồng ruộng, phát hiện và đề xuất Chủ tịch UBND xã xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy trình sản xuất RAT, đặc biệt là vi phạm quy định về sử dụng thuốc BVTV .