(ĐCSVN) - Đến cuối năm 2013, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Sơn La phấn đấu có 80% số dân nông thôn trong toàn tỉnh được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 28% dân số được cấp nước sinh hoạt đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.
Trước đây, nhiều bản làng nông thôn vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc thiểu số có tập quán sử dụng nguồn nước từ sông, suối, mó nước, mương, hệ thống nước tự chảy, nước mưa để ăn uống, sinh hoạt và đây cũng là nguyên nhân của những trường hợp bị ngộ độc, dịch bệnh…
|
Sơn La phấn đấu có 80% số dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh |
Để nâng cao mức sống, giúp người dân từ bỏ dần thói quen sinh hoạt, tập quán dùng nguồn chưa hợp vệ sinh, tỉnh Sơn La đã xây dựng nhiều công trình nước sinh hoạt liên bản đưa nước hợp vệ sinh về với hàng ngàn người dân như: Nước sinh hoạt liên bản trung tâm xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã), liên bản xã Huy Thương, Huy Tường và liên bản Nà Lo, Ngà Lìu xã Huy Hạ (huyện Phù Yên)…
Tuy nhiên hiện nay, tiến độ thi công một số công trình vẫn còn chậm dẫn đến việc nhiều hộ gia đình vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm không hợp vệ sinh. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La đang khẩn trương đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công và nghiệm thu khối lượng hoàn thành các công trình liên bản xã: Chiềng Khoi (Yên Châu); Chiềng Dong, Chiềng Mung (Mai Sơn); Song Khủa, Lóng Luông và liên bản Hang Trùng - Sao Đỏ (Mộc Châu); xã Chiềng Ân và xã Mường Bú (Mường La)… để người dân sớm có thể tiếp cận với nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Mặt khác, việc quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình sau đầu tư chưa được quan tâm đồng đều ở các chương trình, dự án. Một số dự án chưa coi trọng công tác hướng dẫn vận hành, quản lý sau đầu tư cho người dân. Còn có công trình đầu tư chưa phát huy hết công suất, hiệu quả chưa cao, chưa tiến hành thu tiền nước và xây dựng quy chế quản lý cho các công trình cấp nước.
Ðể các công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả thiết thực là một vấn đề đáng quan tâm và trở thành mục tiêu lớn của các dự án, chương trình đầu tư xây dựng. Tỉnh Sơn La cần lồng ghép các chương trình dự án đầu tư trên địa bàn, thực hiện triển khai xây dựng công trình cấp nước các loại, cấp nước cho 24.458 người, đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 951.645 người dân nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Ðồng thời tập trung xây dựng công trình cấp nước tại các bản đặc biệt khó khăn, ưu tiên những bản khó khăn về nước sinh hoạt.
Ðể thực hiện mục tiêu đề ra, Tỉnh Sơn La kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tăng cường vốn đầu tư của Chính phủ và tài trợ của các tổ chức quốc tế để thực hiện chương trình. Bổ sung các cơ chế, chính sách đầu tư đồng bộ giữa các chương trình, dự án phù hợp từng vùng, miền. Ðối với chương trình mục tiêu quốc gia, khi khảo sát thực hiện dự án cũng như các công trình cụ thể, cần chú trọng đến ý thức của nhân dân trên địa bàn, đồng thời quan tâm đến sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Trên thực tế cho thấy, ở đâu mà người dân có ý thức, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo thì hiệu quả của các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư, ở đó sẽ phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm tính bền vững cho các công trình.