Điện Biên: Các công trình nước sinh hoạt chưa phát huy hiệu quả

Thứ sáu, 13/12/2013 15:11

(ĐCSVN) – Nhờ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và nguồn vốn từ Chương trình 134 và 135 của Chính phủ về hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào vùng cao, tỉnh Điện Biên đã đã đầu tư xây dựng hàng trăm công trình lớn, nhỏ với số vốn nhiều tỷ đồng. Song nhiều thôn, bản vùng cao vẫn thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Điện Biên cho biết: toàn tỉnh có khoảng 750 công trình cung cấp nước sinh hoạt được đầu tư xây dựng theo chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 8/10 huyện, thị đã được đầu tư mới và nâng cấp các công trình nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao. Tính theo đầu công trình thì có trên 201.000 người dân khu vực nông thôn và đồng bào dân tộc vùng cao được sử dụng nước sạch sinh hoạt, chiếm 73,1% tổng số dân trong toàn tỉnh. Tính riêng đồng bào các dân tộc vùng cao có khoảng 90 - 95% dân số được đầu tư xây dựng công trình nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, toàn tỉnh Điện Biên còn còn khoảng 23% số xã, bản chưa được đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống cấp nước sinh hoạt vì địa phương chưa tìm được nguồn nước để dẫn về; đặc biệt là một số xã khó khăn như: Ta Ma, Phình Sáng của huyện Tuần Giáo và Trung Thu, huyện Tủa Chùa. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự vận hành, bảo dưỡng công trình sau đầu tư.

Người dân Điện Biên sử dụng nước sạch. Ảnh minh họa


Hiện nay, tại các xã, bản trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt sau đầu tư, nhưng hiệu quả không cao do người dân chưa có kinh nghiệm. Mặt khác, kinh phí chi cho hoạt động này còn hạn hẹp dẫn đến các thành viên trong tổ vận hành, bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt chưa thật trách nhiệm với công việc của mình.

Điển hình như công trình nước sạch tại xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông. Năm 2006, sau khi được đầu tư xây dựng với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, công trình đưa vào sử dụng chưa đầy một tháng thì bỏ hoang. Sau khi xã có kiến nghị bổ sung kinh phí để sửa chữa, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn lên kiểm tra thì được biết, do bể chứa không được thau rửa, bể lọc, hố van, ngăn xả khí bị bùn cát bít kín tấm lưới chắn rác nên không thể dẫn nước về.

Mặt khác, tình trạng công trình cung cấp nước sinh hoạt được đầu tư đầy đủ nhưng đồng bào vùng cao vẫn không có nước để dùng, một phần vì chất lượng công trình kém, cùng với sự thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm của người dân. Nhiều công trình đưa vào sử dụng được ít ngày bị hư hỏng nhẹ nhưng không được sửa chữa kịp thời rồi bị bỏ hoang.

Để phát huy hiệu quả các công trình nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao phát huy hiệu quả thì tại các thôn, bản phải thành lập được tổ quản lý vận hành bảo dưỡng công trình sau đầu tư. Mỗi tổ từ 3 người trở lên thường xuyên kiểm tra các đập đầu mối, các kênh, mương và đường ống dẫn nước về thôn bản để sớm phát hiện ra những hư hỏng nhẹ hoặc các bể chứa bị đất cát, mùn rác ngăn dòng từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời. Mặt khác, chính quyền xã và thôn bản vận động nhân dân đóng góp hỗ trợ kinh phí để chi trả thù lao cho các thành viên trong tổ vận hành, bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt cũng như có nguồn kinh phí dự phòng để mua sắm những thiết bị thay thế khi công trình hư hỏng nhẹ. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cần tổ chức tập huấn cho các thành viên của tổ vận hành, bảo dưỡng công trình nước sinh hoạt để họ có kĩ năng thực hiện duy tu, bảo dưỡng cơ bản công trình. Có như vậy các công trình nước sinh hoạt được Nhà nước đầu tư mới không bị lãng phí, mang lại hiệu quả sử dụng cao.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực