Đưa nước sạch lên vùng cao

Thứ sáu, 13/12/2013 14:22

(ĐCSVN) – Tỉnh Lai Châu có khoảng 60% số địa phương có độ cao hơn 1.000 m, dân số hơn 380 nghìn người; trong đó chỉ có gần 55 nghìn là cư dân đô thị, còn lại là dân số sống ở nông thôn và số đông là khu vực miền núi với 20 dân tộc anh em sinh sống phân bố không tập trung. Ðó là những khó khăn khi đưa vào thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường...

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Lai Châu, là tỉnh miền núi đặc thù, chủ yếu là huyện nghèo, nên trên địa bàn có nhiều công trình cấp nước của nhiều dự án khác nhau như dự án tái định cư, 134, 135 và 30a. Nhiều công trình có số vốn đầu tư hơn chục tỷ đồng đã “chết hẳn”, trong khi các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ vào mùa khô người dân rất thiếu nước, còn mùa mưa nước lại rất đục, họ phải đi xa hàng chục cây số để lấy nước.

 

 Người dân Phong Thổ hân hoan dùng nước sạch. Ảnh: Vũ Minh


Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, năm 2012, chỉ có gần 20% số người dân nông thôn tỉnh Lai Châu được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ Y tế bàn hành.

Giải pháp cấp nước cho bà con vùng cao Lai Châu

Phong Thổ và Sìn Hồ tỉnh Lai Châu, những địa danh khi nhắc tới thường gợi người ta nhớ ngay đến những vùng đất xa xôi và khó khăn nhất của Tổ quốc. Bà con dân tộc nơi đây không chỉ thiếu cái ăn mà thiếu cả nước sinh hoạt. Với bà con vùng cao, nước là nguồn sống, nguôn sinh sôi nảy nở nên được sử dụng nước sạch là niềm mơ ước của đồng bào.

Theo điều tra ở các điểm di dân tái định cư trên địa bàn hai huyện Phong Thổ và Sìn Hồ, hiện đã xây dựng 23 đầu mối cấp nước. Tuy nhiên 26,1% công trình đầu mối bị cát sỏi bồi lấp, cửa lấy nước bị thu hẹp làm giảm lượng nước dẫn về bể. 65,2% hệ thống kênh, đường ống cấp nước từ đầu mối về bản bị hư hỏng nặng: kênh bị thủng, đường ống bị lấp tắc hoặc bị chặt phá. Đầu mối lấy nước cách xa hộ dùng nước nên đường ống dài đi qua nhiều địa hình phức tạp, chia cắt khiến cho việc quản lý, bảo vệ hết sức khó khăn. Chất lượng nước nhiều điểm không đạt yêu cầu, đa số có hàm lượng Coliform, chỉ tiêu về màu sắc và độ đục vượt giới hạn cho phép… Một nghịch lý đáng buồn ở đây là, mặt nước hồ thủy điện Sơn La dâng lên ngập ruộng dưới chân núi, nhưng bà con ở trên cao vẫn khát nước. Chính vì vậy, nước sạch sinh hoạt cho bà con vùng cao vẫn luôn là điều trăn trở của Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Lai Châu.

Các nhà khoa học Viện Thủy luôn trăn trở làm sao để có được giải pháp cấp nước cho bà con với tiêu chí "thích ứng với thiên nhiên, bền vững với thời gian", vì vậy họ đã sáng tạo ra giải pháp cấp nước bằng đập ngầm. Đây là kết quả của đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu giải pháp cấp nước hữu hiệu cho các điểm di dân tái định cư Thủy điện Sơn La thuộc hai huyện Sìn Hồ và Phong Thổ, tỉnh Lai Châu” do phòng Địa kỹ thuật - Viện Thủy công thực hiện, đã ứng dụng thành công tại 2 điểm thử nghiệm ở Nậm Cha (huyện Sìn Hồ) và Chăn Nưa (huyện Phong Thổ). Nước được thu bằng Băng thu nước được đặt trong lớp cát thô ngầm dưới đất, có tuổi thọ trên 50 năm. Từ lòng suối trơ cạn đáy nhưng hệ thống thu nước bằng băng BTC1 có thể tạo ra dòng nước căng đầy. Lưu lượng của công trình thời điểm mùa kiệt đạt ổn định trên 45 lít/phút. Nước trong đất thu vào băng theo nguyên lý mao dẫn, cát và bụi không thể chui lọt. Dòng nước trong veo, đạt Quy chuẩn Việt Nam. Bất chấp mùa khô hay mưa lũ, nước đều có thể sử dụng được ngay. Không chỉ có vậy, giải pháp này còn có triển vọng áp dụng cho vùng trung du miền núi trên cả nước, hồi sinh hàng loạt công trình đập dâng đã bị bồi lấp, hư hỏng.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực