(ĐCSVN) - Việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Nước sạch và VSMT nông thôn trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua 2 giai đoạn triển khai chương trình, trên địa bàn tỉnh có hơn 58% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 12% sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn Việt Nam.
Từ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Nước sạch và VSMT nông thôn, nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh nguồn nước, công trình cấp nước cải thiện rõ rệt. Sau nhiều năm kiên trì, bền bỉ thực hiện các mục tiêu về nước sạch, toàn tỉnh hiện có gần 36 nghìn giếng đào, gần 500 giếng khoan, trên 20 nghìn lu, bể chứa nước mưa, gần 170 công trình cấp nước tập trung... cung cấp nước sạch cho hàng trăm nghìn người dân.
|
Người dân Hà Giang sử dụng nước sạch. Ảnh: hagiang.gov.vn |
Đối với mục tiêu nhà hợp vệ sinh, kết quả điều tra, khảo sát của cơ quan chức năng cho thấy, khu vực nông thôn có 42.519 nhà tiêu hợp vệ sinh, chiếm gần 29%; khoảng 78% hộ chăn nuôi gia súc, nhưng chỉ trên 30% có chuồng trại hợp vệ sinh. Kết quả khảo sát mới đây cũng xác định, toàn tỉnh có 587 trường học các cấp, trong đó 501 trường có nguồn nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt trên 85%; 165 trạm y tế xã đảm bảo nguồn nước và nhà tiêu theo hợp vệ sinh, chiếm gần 87%.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết: Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn tại Hà Giang, tỷ lệ tử vong ở trẻ em và tỷ lệ người mắc các bệnh truyền nhiễm giảm rất nhiều. Ở các khu vực dân cư sinh sống, trường học, người dân và các em học sinh đã dần thích nghi với việc ăn ở hợp vệ sinh. Nhiều bản, làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Giang đã được hưởng nguồn nước sạch, được tiếp cận và sử dụng các công trình vệ sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra, các vấn đề vệ sinh gia đình, VSMT nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nhằm thực hiện tốt mục tiêu của giai đoạn tới, Hà Giang phấn đấu đến hết năm nay, có 70% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, với định mức bình quân 50 lít/người/ngày, trong đó có 30% đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; 50% hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh; 45% có chuồng trại chăn nuôi hợp quy cách, xử lý được chất thải; tất cả các trường học, bệnh viện, trạm xá, chợ và công trình công cộng ở nông thôn có nước tương đối sạch và giữ VSMT sạch sẽ. Đến năm 2020, có 90% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, định mức bình quân 60 lít/người/ngày, trong đó có 50% đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành; 70% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, có chuồng trại chăn nuôi hợp quy cách, xử lý được chất thải. Điều này sẽ góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực, ổn định dân cư, giữ vững an ninh biên giới của tổ quốc và đóng góp vào hoàn thành mục tiêu cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của quốc gia.
Để đạt được mục tiêu trên, từ nay đến 2020 tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp, sửa chữa 290 công trình cấp nước tự chảy, làm mới 236 công trình; xây dựng mới 289 hồ chứa nước, 10.967 giếng khoan, giếng đào; 86 công trình cấp nước và vệ sinh các trường học, 25 công trình tại trạm y tế, 74.731 nhà tiêu hộ gia đình, 11.210 nhà tiêu tự hoại, 48.653 chuồng trại chăn nuôi... Tổng nguồn vốn thực hiện trên 3 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách đầu tư trên 2,7 nghìn tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 393 tỷ đồng, các nguồn hỗ trợ khác trên 173 tỷ đồng.