Hải Dương: Phấn đấu 100% các xã có hệ thống cấp nước sạch tập trung

Thứ tư, 06/08/2014 13:53

(ĐCSVN) - Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh tại Hải Dương hiện nay ở mức cao với hơn 97%. Tỉnh phấn đấu đến năm 2015 là 100% các xã có hệ thống cấp nước sạch tập trung.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã có 97,2% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Mục tiêu Chương trình cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn Hải Dương năm 2015 là 100% các xã có hệ thống cấp nước sạch tập trung.

 

 Người dân Hải Dương sử dụng nước hợp vệ sinh


Toàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư, quản lý công trình cấp nước sạch; từ năm 2011 - 2013, các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư 7 trạm cấp nước, cung ứng cho 19 xã trong tỉnh. Nhờ sự quan tâm, tích cực đầu tư của các cấp chính quyền, đến nay, Hải Dương có 71 trạm cấp nước sạch với công suất 70.000m3/ngày, đêm, cấp nước cho 181/229 xã trên địa bàn. Toàn tỉnh chỉ còn 48 xã chưa được sử dụng nước sạch, trong đó có nhiều xã công trình đang được thi công hoặc lập dự án đầu tư. Đến hết năm 2013, toàn tỉnh đã có 97,2% số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Cuối năm 2013, tỉnh Hải Dương có 60% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch, tăng 1,3 lần so với năm 2012, tăng 2,8 lần so với năm 2010. Việc xây dựng công trình cấp nước sạch đã đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người nông dân, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc đầu tư xây dựng, quản lý công trình cấp nước sạch cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Tình trạng đầu tư chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh đã xảy ra tại một số địa phương. Không ít trường hợp cùng một xã nhưng lại có nhiều hình thức đầu tư khác nhau, giá lắp đặt đồng hồ, giá bán nước khác nhau gây ra những thắc mắc cho người dân. Thậm chí, có những trường hợp doanh nghiệp tư nhân huy động người dân đóng góp tuỳ tiện, giá đóng góp quá cao... Tại một số địa phương còn xảy ra tình trạng xây dựng, mở rộng đường giao thông làm ảnh hưởng đến hệ thống cấp nước và ngược lại, các hệ thống nước mới được xây dựng cũng gây thiệt hại cho hệ thống giao thông trên địa bàn. Nhiều công trình cấp nước được bàn giao cho địa phương quản lý nhưng hoạt động kém hiệu quả do không có đủ năng lực, trình độ quản lý. Ngoài ra, nguồn nước ngày càng ô nhiễm khiến việc lựa chọn địa điểm, công nghệ xử lý nước sạch ngày càng khó khăn hơn.

 

Trạm cấp nước sạch. Ảnh minh họa


Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban điều hành Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2015 tăng cường chỉ đạo duy trì tốt sự phối hợp giữa các ngành trong tỉnh như: Kế hoạch & Đầu tư, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục & Đào tạo; tăng cường năng lực quản lý ở các cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã.

Phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông thực sự có hiệu quả, hướng đến (giai đoạn 2014-2015) có sự đột phá trong thay đổi nhận thức của nhân dân về thay đổi hành vi vệ sinh xấu, về sử dụng nước sạch; sử dụng nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; có ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sống. Đưa nội dung giáo dục về nước sạch và vệ sinh môi trường vào chương trình trong các trường phổ thông phù hợp với lứa tuổi học sinh và cấp học.

Bên cạnh đó, Ban điều hành Chương trình MTQG Nước sạch và VSMT nông thôn tỉnh Hải Dương cần xây dựng và ban hành các chính sách đồng bộ để thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tại chỗ... trong đầu tư xây dựng và quản lý công trình sau đầu tư, cũng như chế tài xử phạt đối với các vi phạm trong hoạt động cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; từng bước hình thành thị trường nước sạch và vệ sinh nông thôn phát triển mang tính bền vững.

Huy động các nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và địa phương, vốn tín dụng nước ngoài thông qua chương trình MTQG nước sạch và VSMT nông thôn, kết hợp huy động các nguồn vốn xã hội hoá từ các tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân, các địa phương và cộng đồng hưởng lợi thông qua các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư.

Áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp điều kiện kinh tế, nguồn nước; nâng cao chất lượng công trình và chất lượng nước; triển khai thực hiện quy trình cấp nước an toàn cho các công trình, đảm bảo kiểm soát tốt chất lượng nước từ công trình thu đến các điểm tiêu thụ. Phát triển loại hình nhà tiêu hộ gia đình (hố xí tự hoại), vệ sinh công cộng; đẩy mạnh áp dụng công nghệ Biôga trong xử lý chất thải chăn nuôi.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty cổ phần cấp nước và vệ sinh nông thôn; kiểm soát tốt chất lượng nước và nâng cao chất lượng phục vụ; triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh và phát triển khách hàng phù hợp đảm bảo cân đối tài chính, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tài trợ đạt mục tiêu dự án đã đề ra.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực