Hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số Kon Tum được dùng nước sạch

Thứ năm, 12/11/2015 22:34

(ĐCSVN) - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kon Tum ông Ka Ba Thành cho biết, trong 4 năm (2005-2008) đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đã được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 4.527 hộ, với kinh phí 1,648 tỷ đồng và xây dựng 80 công trình nước sinh hoạt tập trung, với kinh phí 35,049 tỷ đồng.

Trong giai đoạn từ năm 2011-2012, bà con được đầu tư xây dựng 22 công trình nước tự chảy phục vụ cho 22 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số với 2.520 hộ được hưởng lợi; 5 công trình giếng nước phục vụ cho 25 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.612 hộ, mua các dụng cụ chứa đựng nước như: bồn chứa nước, đường ống dẫn nước với tổng kinh phí thực hiện 20,63 tỷ đồng. Năm 2014, đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh được hỗ trợ nước sinh hoạt với mục tiêu hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 5.681 hộ và đầu tư xây dựng 9 công trình phục vụ cho khoản 558 hộ hưởng lợi.

 

 Ảnh minh họa


Trong thời gian qua, từ những kết quả đạt được qua việc triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã góp phần nâng tỷ lệ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh tăng lên theo từng năm trên địa bàn tỉnh nói chung, trong đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từ 17,4% năm 1995 lên 30% năm 2000, 78% năm 2013 và đạt 81,5 năm 2014. Điều đó cho thấy, đây thực sự là một chính sách đã mang lại những lợi ích thiết thực cho cuộc sống hàng ngày của các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cho người dân chủ động hơn về nguồn nước sạch trong sinh hoạt, nhất là vào mùa khô khi khí hậu biến đổi gây hạn hán ngày càng trầm trọng nên nguồn nước tự nhiên từ ao, hồ, khe suối ngày càng cạn kiệt dần; từ đó góp phần giảm thiểu tình trạng dịch bệnh có thể xảy ra nhất là các dịch bệnh lây qua đường tiêu hóa, đồng thời tiết kiệm được thời gian, công sức để tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình nhằm thêm thu nhập; đặc biệt là đã nâng cao một bước về ý thức cải thiện điều kiện sống, chăm sóc sức khỏe của người dân trong chiến lược nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 Ảnh minh họa


Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số mặt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như: Công tác vận động tuyên truyền, phổ biến của các cấp, các ngành về mục tiêu, ý nghĩa của chính sách chưa được thường xuyên, liên tục và trách nhiệm bảo quản, sử dụng của người dân sau khi được hỗ trợ ở một số nơi còn hạn chế. Công tác khảo sát, lấy nhu cầu của người dân từ cơ sở chưa sát với tình hình thực tế, sự phối hợp giữa các ngành chuyên môn và địa phương đôi khi chưa chặt chẽ, nên việc triển khai chương trình còn gặp khó khăn. Nguồn vốn phân bổ hàng năm chưa đáp ứng yêu cầu mục tiêu Đề án, nguồn vốn đầu tư chỉ huy động từ nguồn ngân sách Trung ương, còn nguồn vốn địa phương chưa được huy động. Do địa bàn rộng, các xã chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa nên công tác kiểm tra đôn đốc chưa được toàn diện và chưa nắm bắt được hết tình hình thực hiện cụ thể ở các địa phương để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo đạt hiệu quả cao nhất.

Để thực hiện tốt việc triển khai thực hiện chính sách trong thời gian tới đạt hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp như: Các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của chính sách để mọi người nhận thức rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Xác định những nội dung hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của từng hộ dân và điều kiện thực tế của địa phương, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cần huy động thêm sự đóng góp của chủ hộ, cộng đồng để nâng cao trách nhiệm sử dụng và bảo quản, nâng cao tuổi thọ sử dụng của các công trình. Tăng cường phát huy vai trò giám sát và tham gia đóng góp ngày công của cộng đồng, đoàn thể; gắn trách nhiệm của cộng đồng trong việc khai thác, quản lý, sử dụng và duy tu bảo dưỡng để phát huy hiệu quả sử dụng của công trình.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực