(ĐCSVN) – Các công trình cấp nước sạch nông thôn tại nhiều huyện của tỉnh Quảng Bình được đánh giá là hoạt động rất hiệu quả. Có nước sạch, bà con có điều kiện phát triển sản xuất chăn nuôi, làm giàu trên quê hương.
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện toàn tỉnh có 69 công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn; gần 430.000 người dân ở nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt 61,47% dân số. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, trên 6.700 người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước xây mới, cải tạo và nâng cấp. Tổng vốn đầu tư thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2013 là 22.560 triệu đồng.
|
Người dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Mạnh Chi |
Lê Thanh Huy, Chủ tịch UBND xã Xuân Trạch, cho hay, từ năm 2006, tại 5 thôn ở khu vực Khe Gát, một công trình cấp nước sạch sinh hoạt cũng đã về với bà con nơi đây và phát huy hiệu quả. Từ kết quả đó, dự án công trình cấp nước sạch sinh hoạt của 2 thôn Vĩnh Sơn và Vĩnh Thuỷ được triển khai từ tháng 12 năm 2010 và đến tháng 11 năm 2011 được đưa vào sử dụng.
Công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư với nguồn vốn 2,9 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 800 triệu đồng. Dự án gồm nhiều hạng mục, như: cải tạo bể lọc chậm cũ, xây dựng mới bể chứa, hệ thống đường ống cấp nước dọc theo mép đường Hồ Chí Minh và đường liên thôn đến từng hộ gia đình với tổng chiều dài 8.930m...
Công trình đã góp phần giải quyết nhu cầu nước sạch của hơn 250 hộ gia đình và 1.300 nhân khẩu ở hai thôn Vĩnh Sơn và Vĩnh Thủy. Ông Lê Thanh Huy chia sẻ thêm, hiện tại, mới chỉ có khoảng 70% người dân ở xã Xuân Trạch có điều kiện tiếp cận với nguồn nước sạch. Đặc biệt, bà con ở thôn Ngọn Rào vẫn còn rất vất vả để đưa nước về nhà.
UBND xã Xuân Trạch cũng thành lập một tổ dịch vụ cấp nước nhằm quản lý, khai thác, vận hành và sử dụng hiệu quả các công trình cấp nước sạch sinh hoạt. Các thành viên của tổ dịch vụ cấp nước được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đầy đủ, có chất lượng.
Trước đó, người dân xã Xuân Trạch đã phải trải qua những ngày tháng vất vả vì thiếu thốn nước sạch. Nhiều người dân phải huy động đầy đủ lực lượng đi lấy nước ở sông hoặc khe suối về dùng cho sinh hoạt tối thiểu hằng ngày. Nhưng, mỗi khi trời mưa to gió lớn hay bão lụt, bà con không chỉ gặp khó khăn khi lấy nước, mà ngay cả chất lượng nguồn nước cũng rất khó được bảo đảm. Suốt nhiều năm qua, bà con đã quen sống chung với cảnh thiếu thốn đó.
Hơn 2 năm trở lại đây, khi công trình cấp nước sạch sinh hoạt đưa vào hoạt động ở hai thôn Vĩnh Sơn và Vĩnh Thuỷ, trẻ con trong thôn là mừng vui nhất. Không chỉ thoát được cảnh đội nắng đội mưa lấy nước về, các em thoải mái tắm rửa, vui đùa dưới làn nước mát, không còn lo ngại mất an toàn sông suối hay các dịch bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, công trình cấp nước sạch nông thôn xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được đánh giá là một trong những công trình hoạt động hiệu quả. Công trình được triển khai xây dựng từ năm 2005 và đi vào hoạt động từ cuối năm 2006 tại xã Bắc Trạch. Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Nguyễn Ngọc Tuân cho biết: Từ khi công trình cấp nước sạch nông thôn đi vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả và công năng hoạt động, người dân nhiệt tình đón nhận. Hiện tại công trình đã đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hơn 1.300 hộ dân của xã, với công suất 250 mét khối/ngày. Công trình cung cấp nước sinh hoạt tập trung xã Bắc Trạch đã góp phần nâng cao ý thức sử dụng nước sạch, thay đổi hành vi vệ sinh của người dân ở khu vực nông thôn, chất lượng suộc sống đại đa số người dân nơi đây được cải thiện đáng kể.
Vốn trước đây chỉ sử dụng nguồn nước giếng đào để phục vụ sinh hoạt gia đình, hơn 7 năm qua kể từ ngày có công trình cấp nước sạch nông thôn, gia đình chị Nguyễn Thị Huề ở thôn 5, xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch đã ngừng hẳn việc sử dụng nước giếng mà chuyển sang sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước sạch tập trung của xã. Chị Huề cho biết: “Trước đây, mặc dù biết nước giếng không đảm bảo vệ sinh, không tốt cho sức khỏe nhưng chúng tôi vẫn phải dùng vì không còn cách nào khác. Từ ngày được dùng nước sạch từ công trình cấp nước sạch tập trung của xã, dân chúng tôi phấn khởi và yên tâm lắm” .
Dựa vào Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, tỉnh Quảng Bình phấn đấu đến hết năm 2013, 63% dân số nông thôn của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh và đến năm 2015 ước đạt khoảng 70% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.
Từ nay đến hết năm 2013, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp: tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa 3 ngành là nông nghiệp và phát triển nông thôn - y tế - giáo dục; đẩy mạnh công tác thông tin - giáo dục - truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung sau đầu tư. Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình cũng đề nghị các Bộ, ngành Trunh ương quan tâm hỗ trợ, bố trí bổ sung kinh phí nhằm giải quyết bức xúc và nhu cầu về nước sạch và vệ sinh môi trường cho nhân dân vùng nông thôn.