Kiên Giang: Người dân khổ vì thiếu nước sinh hoạt
Thứ ba, 21/07/2015 10:46 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Những ngày qua việc sản xuất và cung ứng nước sạch cho Thành phố Rạch Giá và một phần của huyện Hòn Đất hết sức khó khăn do hiện tượng biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng.
Để duy trì khả năng cấp nước, công ty TNHH MTV cấp thoát nước Kiên Giang đã phải chủ động cắt giảm 50% lượng nước cung ứng so với bình thường và thực hiện cúp nước theo thời gian ở từng khu vực.
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Kiên Giang, từ nay đến cuối tháng 7, lượng mưa và lượng nước từ thượng nguồn đổ về không nhiều, cho nên độ mặn trên các con kênh, rạch vẫn ở mức cao, vì vậy tình trạng khan hiếm nguồn nước vẫn còn kéo dài.
|
Người dân Kiên Giang thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Báo Dân trí |
UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị các ngành chức năng triển khai các biện pháp cấp bách để đảm bảo sinh hoạt cho người dân, trong đó đặc biệt chú trọng đáp ứng nhu cầu nước của các bệnh viện trên địa bàn; huy động tối đa các phương tiện hiện có, kể cả xe chữa cháy trong trường hợp cần thiết để chở nước tạm trữ và trung chuyển đến các bệnh viện, địa điểm phục vụ sinh hoạt; trong trường hợp xấu nhất, Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang phối hợp Sở Y tế và các ngành chức năng nghiên cứu sử dụng nước có nhiễm mặn pha trộn với lượng nước đang dự trữ nhưng phải trong giới hạn được phép, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân.
Trước mắt, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ sử dụng thêm các phương tiện chuyên chở để thu mua nước tạm trữ và trung chuyển đến các bệnh viện, địa điểm phục vụ sinh hoạt; kiểm tra đảm bảo hệ thống cống ngăn mặn, tránh không cho mặn xâm nhập sâu hơn. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, quản lý việc mua bán nước; khuyến cáo người dân có biện pháp tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm.
Kiên Giang là một trong những tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng biến đổi khí hậu. Từ đầu tháng 7 đến nay, tình hình thủy văn trên kênh Rạch Giá Long Xuyên diễn biến rất phức tạp, nguồn nước ngọt từ thượng lưu đổ về tỉnh rất yếu. Xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, có nơi vào sâu đến trên 20 km so với cửa sông. Kể từ năm 1990, đây là lần nhiễm mặn cao nhất trong lịch sử, độ mặn đo được lên tới trên 7/1000.