Lạng Sơn: Phấn đấu 95% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh

Thứ sáu, 17/10/2014 16:18

(ĐCSVN) - Nhằm thực hiện các mục tiêu về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã phê duyệt Quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 có 95% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước đạt Quy chuẩn QCVN 02/2009/BYT đến năm 2020 là 70%.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, tính đến hết tháng 6/2014, tỉ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh tại Lạng Sơn đạt 81,9%; tỉ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 33,1%; tỉ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 74,7%; tỉ lệ trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 74,7%; tỉ lệ hộ dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 24%; 86,5% trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong đó chỉ có hơn 35% được dùng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hiện tại một số vùng nông thôn trong tỉnh, nguồn nước người dân sử dụng sinh hoạt chủ yếu là ở ao, hồ, bể chứa nước mưa và nước ngầm từ giếng khơi, giếng khoan…

 

 Người dân Lạng Sơn sử dụng nước sạch hợp vệ sinh


Vì vậy, dù Chương trình mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn ở Lạng Sơn đã cơ bản hoàn thành nhưng còn không ít tồn tại, hạn chế như nguồn vốn chương trình này chủ yếu vẫn dựa vào ngân sách Nhà nước, việc huy động đóng góp trong nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, thời gian tới chương trình sẽ phải thực hiện ở những địa bàn khó hơn về cả điều kiện tự nhiên do thiếu nguồn nước đầu nguồn và nguồn lực xã hội hóa.

Bên cạnh đó, nhiều năm qua Chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu đầu tư cho xây dựng công trình cấp nước mà chưa coi trọng và dành sự đầu tư đúng mức cho công tác vệ sinh môi trường. Trong khi đó, việc quản lý, khai thác các công trình sau đầu tư còn kém do sự thiếu ý thức của một bộ phận dân cư. Thực tế cho thấy nhiều công trình cấp nước được xây dựng từ trước đến nay vẫn phát huy hiệu quả, không ít công trình đã xuống cấp, thậm chí hư hỏng, ngừng hoạt động.

Để hoàn thành được chỉ tiêu đề ra, Lạng Sơn cần thực hiện tốt những giải pháp như: áp dụng và phát triển công nghệ cấp nước tiên tiến với các quy mô khác nhau, từng bước hạn chế việc phát triển các công trình cấp nước phân tán nhỏ lẻ. Đặc biệt, cần chú trọng các biên pháp xử lý nước với các quy trình khác nhau đảm bảo nâng cao chất lượng nước phục vụ nhân dân; cần thí điểm để tiến tới áp dunhj nhân rộng công nghệ lọc áp lực đối với công trình cấp nước tự chảy; tận dụng khai thác hợp lý nguồn nước của các hệ thống thủy lợi, thủy điện, hồ chứa…Mặt khác, cần huy động và lồng ghép các nguồn lực, mở rộng tín dụng ưu đãi, sử dụng có hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu và các cam kết của nhà tài trợ đối với các dự án có vốn viện trợ quốc tế.

Đi đôi với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn Nhà nước, các cơ sở tích cực huy động các nguồn lực tại chỗ đầu tư xây dựng công trình cấp nước thì công tác truyền thông, giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề nước sạch cũng như ý thức bảo vệ, quản lý các công trình sẽ là giải pháp quan trọng đã tạo điều kiện cải thiện sinh hoạt cho một phần dân cư, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, góp phần tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới ở Lạng Sơn. Các hoạt động truyền thông tập trung vào các lĩnh vực vận động chính sách, xã hội hóa, thay đổi hành vi và thay đổi tập quán lạc hậu với các đối tượng truyền thông bao gồm các hộ nông thôn và người dân nông thôn, trong đó đặc biệt chú trọng tới phụ nữ và nam giới của các hộ chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh, nhà tiêu hợp vệ sinh, các bà mẹ có con nhỏ và người chăm sóc trẻ, trẻ em trong độ tuổi đi học

Bên cạnh đó, Lạng Sơn cần tiếp tục triển khai các nội dung tuyên truyền tại cộng đồng lồng ghép các hoạt động truyền thông về rửa tay với xà phòng, sử dụng nước sạch, sử dụng và bảo quản nhà tiêu trong các mô hình tham gia của cộng đồng; lồng ghép các nội dung về nước sạch, vệ sinh môi trường với các cuộc họp, sinh hoạt thôn xóm khác hoặc thông qua những người có uy tín trong cộng đồng (già làng, trưởng thôn bản...)...

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực