(ĐCSVN) - Mục tiêu hàng đầu của ngành cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm tới là nâng cao chất lượng dịch vụ nước sạch với hai nhiệm vụ chính là đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nước sạch.
Trước mắt, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn tập trung năng lực đẩy nhanh các dự án trọng điểm về xây dựng các tuyến ống, giải quyết vấn đề thiếu nước cho các khu vực cuối nguồn. Năm 2010, Tổng Công ty tiếp tục phát triển thêm 120 km đường ống truyền dẫn cấp 1, 2 và hơn 300 km đường ống phân phối cấp 3 ở phía đông thành phố để nâng cao khả năng tiếp nhận nguồn nước từ Nhà máy nước BOO Thủ Đức, cải thiện cơ bản tình trạng thiếu nước ở quận 7 và huyện Nhà Bè.
Mặt khác, nhiều dự án xây dựng mạng truyền dẫn cấp 1, 2 khác cũng đang được triển khai thực hiện nhằm chuẩn bị tiếp nhận nguồn nước sạch mới (đợt đầu 150.000 m3 nước/ngày) từ Nhà máy nước Kênh Đông (công suất thiết kế 200.000 m3 nước/ngày) vào năm 2011.
|
Nhà máy nước Tân Hiệp. Ảnh: Báo Sài Gòn Giải phóng |
Bên cạnh đó, một số giải pháp tình thế như: điều tiết, điều phối lượng nước hoặc lắp đặt bơm tăng áp cũng đang được triển khai nhằm tăng áp lực nước cho các khu vực thiếu nước, nước yếu, cuối nguồn như các phường: Phú Mỹ, Bình Thuận (quận 7); 5, 11, 13, 22 (quận Bình Thạnh); 1, 2, 3 (quận 8) và huyện Nhà Bè. Đặc biệt, vào quý I-2010, thành phố đã khởi công xây dựng hệ thống cấp nước sạch cho huyện Cần Giờ. Dự kiến đến cuối năm nay công trình này sẽ hoàn thành, bước đầu cung cấp nước sạch cho các xã: An Thới Đông, Bình Khánh, Long Hòa và Cần Thạnh.
Theo kế hoạch, đến năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đầu tư khoảng 12.200 tỷ đồng để phát triển thêm nguồn và hệ thống truyền dẫn bổ sung. Nguồn nước sạch sẽ có thêm 940.000 m3/ngày từ các nhà máy nước: Kênh Đông; Thủ Đức giai đoạn 3,4; Tân Hiệp 2, đưa tổng công suất phát nước lên 2.721.000 m3/ngày, đáp ứng hơn 92% nhu cầu sử dụng nước của người dân thành phố. Cũng sẽ có thêm gần 1.400 km đường ống truyền dẫn và phân phối được xây dựng cùng với gần 530 km đường ống được cải tạo.
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất để thực hiện kế hoạch này là vốn. Trong tổng số vốn đầu tư mới này, nguồn vốn ngân sách chỉ chiếm 4%, còn lại phải do doanh nghiệp đầu tư (43%), vốn liên doanh liên kết (30%), vốn vay ODA (19%) và vốn vay tín dụng (4%). Trong khi đó, với giá nước hiện nay, tổng số tiền nước dự kiến thu được từ năm 2011 đến 2015 chỉ đáp ứng được hơn một phần ba số tiền mà Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn cần đầu tư. Vì vậy, để kế hoạch phát triển nguồn và hệ thống truyền dẫn nước sạch trở thành hiện thực, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn đang tích cực vận động khách hàng cùng tham gia đầu tư, đồng thời kiến nghị với thành phố cho phép các quận, huyện làm chủ đầu tư các dự án phát triển mạng trên địa bàn của mình và ban hành giá nước mới.
Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn là nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và chất lượng nước sạch. Đơn vị này đang tích cực áp dụng công nghệ, nguyên vật liệu mới, cải tiến quy trình sản xuất nước như: thay đổi vật liệu lọc từ ba lớp thành hai lớp, có kết hợp với bơm phối khí để nâng công suất lọc nước của Nhà máy nước Thủ Đức; sử dụng PAC hay phèn, tái khoáng hóa, vật liệu lọc... Đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành tổng thể mạng lưới, kết hợp GIS và SCADA. Tuy nhiên một số vấn đề mà ngành cấp nước và người dân TP Hồ Chí Minh đang rất quan tâm là làm thế nào để bảo vệ hai con sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nơi cung cấp nguồn nước cho các nhà máy nước khỏi bị ô nhiễm và giải pháp nhằm hạn chế tỷ lệ thất thoát nước.
Hiện nay, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn đang tiếp tục triển khai một số dự án giảm thất thoát, thất thu nước do Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Hà Lan tài trợ nhưng xem ra rất khó hạ tỷ lệ này xuống dưới 40%.
Hy vọng rằng trong những năm tới, người dân Thành phố Hồ Chí Minh không những sẽ có đủ nước sạch mà còn với chất lượng dịch vụ cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.