Nghiên cứu công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam
Thứ sáu, 13/12/2013 15:10 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hội thảo và triển khai dự án Nghiên cứu công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Hội thảo là bước khởi động để triển khai dự án "Nghiên cứu công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước" ở Cao nguyên đá Đồng Văn.
|
Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh: Trung Kiên |
Cao nguyên đá Đồng Văn nằm ở độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, trên diện tích gần 2.356km² trải dài qua địa bàn 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Đây là một trong những vùng đá vôi đặc biệt của cả nước, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, được tạo thành từ những điều kiện môi trường và giai đoạn phát triển rất khác nhau kéo dài hàng trăm triệu năm.
Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên ở đây đặc biệt khó khăn như: Địa hình hiểm trở; ít nước ở bề mặt; tồn tại nước ngầm; lưu lượng nước không ổn định; người dân khó tiếp cận... Từ các yếu tố đó dẫn đến Cao nguyên đá Đồng Văn đặc biệt kham hiếm nước. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để khai thác nước ngầm cho Cao nguyên đá Đồng Văn được triển khai sẽ là một đề án thành công cả về mặt xã hội và khoa học công nghệ. Ngoài mục tiêu lấy nước theo công nghệ năng lượng tái tạo, hỗ trợ cộng đồng, dự án được triển khai còn là giải pháp chống biến đổi khí hậu.
Tại hội thảo, các chuyên gia Viện Công nghệ Karlshure - Cộng hòa Liên bang Đức đã giới thiệu tổng quan về dự án nghiên cứu, công nghệ khai thác nước mà Đức đã triển khai áp dụng thành công ở Indonesia (lợi dụng dòng chảy trong hang ngầm đưa nước lên cao trên 250 mét mà không cần điện năng; sau đó lưu giữ vào bể chứa trung tâm và cung cấp nước cho các khu vực dân cư xung quanh). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu ứng dụng thành công tại huyện Gunung Kidul, thành phố Yogyakarta - Indonesia, nhóm chuyên gia tiếp tục triển khai và nghiên cứu ở nhiều khu vực, trong đó có tỉnh Hà Giang.