(ĐCSVN) – Trong những năm qua, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh Ninh Bình đã tích cực đầu tư và xã hội hóa xây dựng nhiều công trình cung cấp nước sạch cho người dân khu vực nông thôn.
Trên địa bàn nông thôn tỉnh Ninh Bình đã xây dựng được 105 công trình cấp nước tập trung, 7 công trình đang xây dựng dở dang và hàng nghìn công trình nhỏ lẻ khác phục vụ sinh hoạt cho nhân dân. Qua đó nâng tỷ lệ số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 91%, trong đó 53,5% số dân được sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn nổi lên một số tồn tại, hạn chế.
Hiện nay có 5 mô hình quản lý các trạm cấp nước tập trung nông thôn có xã do UBND xã quản lý, có nơi do doanh nghiệp, HTX, tư nhân quản lý. Cũng có nơi do Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý. Trong đó, trình độ chuyên môn của đội ngũ quản lý và công nhân vận hành tại các trạm cấp nước phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu do chưa qua đào tạo; chế độ lương, phụ cấp cho công nhân còn thấp, chưa ổn định, có trạm không có lương mà chỉ có phụ cấp cho công nhân hàng tháng. Công tác tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều hạn chế, do vậy một bộ phận người sử dụng nước chưa ý thức được tầm quan trọng của nước sạch, còn lãng phí nước, ăn cắp nước, thậm chí làm hỏng công trình cấp nước. Công tác duy tu, bảo dưỡng định kỳ chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến công trình xuống cấp nhanh chóng; tỷ lệ thất thoát nước cao, có trạm lên đến 50%, cá biệt lên đến 70%.
|
Nhà máy nước xã Yên Từ (Yên Mô, Ninh Bình). Ảnh: Ninh Mạnh Thắng |
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng nước tại các công trình cấp nước chưa được thực hiện đúng quy định; chất lượng nước nhiều nơi chưa đảm bảo, hóa chất dùng để xử lý nước không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng. Giá nước sinh hoạt chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý của toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ nước sạch.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn, UBND tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt phương án tổng thể việc quản lý, khai thác và sử dụng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung theo Thông tư số 54/2013/TT-BTC quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung. Theo đó, giao 30 công trình cho Cty CP Nước sạch và VSMTNT tỉnh Ninh Bình, 24 công trình cho Trung tâm Nước sạch và VSMTNT tỉnh Ninh Bình quản lý, khai thác và sử dụng, còn 54 công trình giao cho các xã quản lý và thực hiện xã hội hóa.
Với chính sách của tỉnh Ninh Bình, khi các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa lĩnh vực kinh doanh nước sạch nông thôn đều được hưởng ưu đãi về đất đai, thuế, ưu đãi trong huy động vốn, được hỗ trợ vốn theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước nông thôn; hỗ trợ bù giá nước sạch nông thôn nếu phương án giá bán nước sạch do UBND tỉnh phê duyệt thấp hơn phương án giá bán nước sạch được tính đúng, tính đủ theo quy định hiện hành thì hàng năm UBND tỉnh sẽ xem xét cấp bù từ ngân sách để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước. Đi cùng với những quyền lợi thì các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa hoạt động cấp nước sinh hoạt nông thôn sau khi được giao quản lý công trình phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ do Nhà nước quy định về chất lượng nước, giá tiêu thụ nước khu vực nông thôn, thuế, sử dụng lao động địa phương.
Với những chính sách ưu đãi của Nhà nước và của tỉnh Ninh Bình cùng với sự nỗ lực và cố gắng của các đơn vị, DN, nhà đầu tư, hy vọng rằng tỉnh Ninh Bình sẽ thực hiện thành công chương trình xã hội hóa cung cấp nước sạch đến người dân các vùng nông thôn, để 100% nhân dân có thể sử dụng nước sạch trong thời gian tới.