(ĐCSVN) - Nước sạch là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con người và đang trở thành vấn đề nóng bỏng trong việc bảo vệ sức khỏe và cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân.
Hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, nguồn nước người dân sử dụng trong sinh hoạt chủ yếu từ ao, hồ, bể chứa nước mưa và nước ngầm lấy từ giếng khơi và giếng khoan. Hàng ngày, người dân vẫn tắm giặt, ăn uống bằng những nguồn nước này, do không bảo đảm vệ sinh nên nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, bệnh ngoài da là rất cao.
Khảo sát tình hình sử dụng nước sinh hoạt của người dân nông thôn ngoại thành cho thấy, ở nhiều nơi người dân sử dụng nguồn nước mưa để phục vụ cho nhu cầu ăn, uống, nguồn nước ngầm lấy lên từ các giếng khoan và giếng khơi để tắm, giặt và phục vụ cho các sinh hoạt thường ngày khác. Đối với nước mưa, do sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp kéo theo lượng khí thải thoát ra từ các nhà máy tăng lên nhanh chóng. Khi mưa những chất thải độc hại theo nước mưa rơi xuống bể chứa nước của người dân. Người dân trực tiếp sử dụng nguồn nước này dễ mắc bệnh.
|
Ảnh minh họa (Văn Miên) |
Còn đối với các nguồn nước ngầm, không phải ở đâu nước lấy lên từ giếng khoan và giếng khơi cũng đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Nhiều nơi, hàm lượng sắt trong nước là rất lớn, chính vì vậy nếu sử dụng nguồn nước này sẽ gây ra những hậu quả không tốt cho sức khoẻ mai sau. Để hạn chế lượng sắt có trong nước, người dân đã thực hiện loại bỏ bằng cách xây bể lọc nước, nhưng với phương pháp và trình độ kỹ thuật hạn chế, những giải pháp mà người dân đang thực hiện hiệu quả không cao. Lượng nước ngầm giờ đây ngày càng bị ô nhiễm do lượng chất thải và nước thải trong sinh hoạt, đặc biệt nguồn nước thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp ngày càng tăng.
Ở những vùng nông thôn có làng nghề truyền thống như tráng bánh, thu gom chất phế thải, chăn nuôi, thuộc da, thì nguồn nước ngầm lại càng bị ô nhiễm nặng nề hơn. Nguồn nước ngầm người dân đang khai thác để sử dụng không những ngày càng bị ô nhiễm, mà còn có nguy cơ cạn kiệt, ở nhiều nơi nguồn nước ngầm không đủ cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt tăng đột biến của người dân trong những tháng hè.
Được sử dụng nước sạch là niềm khát khao của người dân sống ở nông thôn. Một trong những việc có thể làm ngay là, nâng hiệu quả sử dụng và nâng công suất của các trạm cấp nước cũ, đầu tư thêm hệ thống đường ống dẫn nước để đưa nước sạch đến từng hộ gia đình ở vùng sâu. Còn về lâu dài, cần tìm thêm nguồn vốn và huy động sự đóng góp của cộng đồng, xã hội và người dân để xây dựng, bảo dưỡng các trạm cấp nước, nhà vệ sinh an toàn, sử dụng hầm Biogas đảm bảo vệ sinh trong chăn nuôi... Việc làm này vừa có tác dụng giúp người dân được sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt, tránh được những bệnh liên quan đến việc sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng, đồng thời góp phần giúp cho nguồn nước ngầm ở các khu vực nông thôn không bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt, bảo vệ kết cấu địa chất vững chắc ở những vùng này. Nước ngọt là tài nguyên có tái tạo, nhưng sử dụng phải cân bằng nguồn dự trữ và tái tạo, để tồn tại và phát triển sự sống lâu bền.