Sơn La: Phấn đấu 82% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt

Thứ ba, 28/07/2015 11:06

(ĐCSVN) - Tỉnh Sơn La phấn đấu hết năm 2015, 82% dân số nông thôn có nước sinh hoạt sử dụng và 29% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Để đạt được mục tiêu trên, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La, sẽ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng và quản lý các công trình nước sinh hoạt vùng nông thôn. Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn quản lý, kỹ thuật vận hành và sửa chữa các công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho Ban quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt ở các xã, bản, gắn với việc tham quan các mô hình quản lý công trình cấp nước của Trung tâm, qua đó nâng cao chất lượng các công trình nhằm phục vụ tốt nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của nhân dân...

 

 Một trạm cấp nước tại Sơn La. Ảnh minh họa


Để phục vụ tốt hơn nhu cầu dùng nước sinh hoạt của bà con vùng cao, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La thường xuyên theo dõi kết quả xét nghiệm chất lượng nguồn nước; đồng thời thành lập đội thi công trực thuộc trung tâm, chủ động trong công tác sửa chữa, khắc phục sự cố và nâng cấp các hệ thống nước.

Bên cạnh đó, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Sơn La đang tích cực chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nước sinh hoạt liên bản tại xã Vân Hồ (Vân Hồ), Chiềng Mung (Mai Sơn), Mường Bú (Mường La). Nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành đối với các công trình nước sinh hoạt đã được sửa chữa, nâng cấp ở xã Huy Bắc và Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phù Yên; công trình nước sinh hoạt bản Mạt, xã Chiềng Mung (Mai Sơn). Thực hiện quyết toán các công trình cấp nước hoàn thành, gồm: công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Lóng Luông (Vân Hồ); nước sinh hoạt bản Mạt, xã Chiềng Mung (Mai Sơn); nước sinh hoạt bản Pá Khôm, xã Mường É (Thuận Châu).

Đồng thời, trình xin phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình cấp nước sinh hoạt liên bản xã Song Khủa (Mộc Châu) và thời gian thực hiện công trình nước sinh hoạt liên bản xã Chiềng Khoong (Sông Mã), xã Chiềng Dong (Mai Sơn); hoàn thành dự thảo và xin ý kiến tham gia của các huyện, thành phố về hướng xây dựng các hình thức tổ chức quản lý, vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn... Phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 95% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 65% đạt quy chuẩn QC-02 của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sơn La cũng tham mưu lên Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La thực hiện một số cơ chế chính sách. Thứ nhất, ưu tiên cho chính sách xã hội hoá, kêu gọi các lực lượng trong xã hội, các doanh nghiệp cùng bỏ vốn, cùng đầu tư công trình nước sạch; kêu gọi các nhà khoa học quan tâm để tìm kiếm các nguồn nước khác, thu nguồn nước ngầm tầng nông tại các vùng đất ẩm ướt để tạo ra nguồn nước sinh hoạt. Thứ hai, huy động nguồn của Ngân hàng Thế giới thông qua chính phủ dành cho Sơn La, hạn chế xây dựng mới, tập trung vào nâng cấp các công trình cấp nước để các công trình đạt theo tiêu chuẩn quốc gia.

Hiện nay, chỉ có khoảng 25% dân nông thôn ở Sơn La được sử dụng nước hợp vệ sinh. Nguồn nước chủ yếu lấy từ các khe suối, sông và mó nước ngầm chảy ra, chưa qua xử lý. Toàn tỉnh Sơn La còn 32 xã thuộc chương trình 30a đang rất khan hiếm nước. Thậm chí một số xã không có nguồn nước sinh hoạt như Chiềng Muôn, Chiềng Lao, Hua Trai, Nặm Giôn của huyện Mường La. Có những xã thường thiếu nước sinh hoạt từ 4 đến 6 tháng mỗi năm như Hua Nhàn (Bắc Yên), Nà Bó (Mai Sơn), Pú Bẩu (Sông Mã).

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực