(ĐCSVN) - Thanh Hóa là 1 trong 6 tỉnh thực hiện Dự án “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung” từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Dự án “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung” có ý nghĩa quan trọng đối với người dân nông thôn, ngoài việc người dân được hưởng lợi từ dự án thì đây cũng là những mô hình mẫu để các địa phương khác học tập. Đây cũng là dự án lớn nhất do ADB hỗ trợ trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Dự án nhằm cung cấp nước sạch và nâng cao điều kiện vệ sinh cho 350.000 người dân nông thôn của 6 tỉnh gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam và Bình Định. Dự án này còn nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức cho người dân trong việc sử dụng nước sạch và công trình vệ sinh cũng như nâng cao năng lực cộng đồng dân cư trong việc tham gia lập kế hoạch, quản lý công trình hạ tầng cơ sở.
Dự án có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, hỗ trợ 6 tỉnh miền Trung, nơi có tỉ lệ cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt thấp so với bình quân chung của cả nước, nơi thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, nguồn nước bị nhiễm mặn và tỉ lệ đói nghèo cao… Dự án được thực hiện từ nay đến hết năm 2016. Với việc triển khai kịp thời của các cấp, các ngành liên quan và sự đồng thuận của người dân trong vùng hưởng lợi, hiện nay dự án đang được thực hiện bảo đảm tiến độ, giúp nhiều hộ dân vùng nông thôn sớm được sử dụng nước sạch.
|
Nhà máy nước sạch tại Thanh Hóa. Ảnh Lê Hợi |
Tại Thanh Hóa, dự án “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được thực hiện từ năm 2010 đến 2016 với các tiểu dự án “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn” ở xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), Thiệu Đô (Thiệu Hóa), Định Long và Định Liên (Yên Định). Năm 2014, tiểu dự án tại xã Tiến Lộc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hiện nay, các tiểu dự án ở Thiệu Đô, Định Long và Định Liên đang được triển khai theo kế hoạch, bảo đảm các công trình được đưa vào sử dụng trong quý II năm 2016.
Tại xã Thiệu Đô, tiểu dự án có 5 hợp phần: Cấp nước sạch; cải thiện vệ sinh hộ gia đình và cộng đồng; nâng cao nhận thức và hành vi vệ sinh của cộng đồng; nâng cao năng lực lập kế hoạch và tổ chức thực hiện; nâng cao năng lực quản lý dự án. Vốn đầu tư tiểu dự án này hơn 32 tỷ đồng, trong đó vốn của ADB hơn 26 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và vốn đóng góp của người dân vùng hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng. Tiểu dự án được xây dựng trên tổng diện tích đất gần 15.000 m2 với nhiều hạng mục, như: Xây dựng trạm xử lý cấp nước với công suất 1.300 m3/ngày đêm, cấp nước 24/24h với tiêu chuẩn cấp tối thiểu 80 lít/người/ngày đêm, chất lượng nước bảo đảm theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ cấp nước sạch cho nhân dân toàn xã Thiệu Đô và đến năm 2025 sẽ cấp nước cho 9.268 người. Đến thời điểm hiện nay, tiểu dự án này đã hoàn thành hồ sơ thiết kế, thi công, hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và đang tiến hành xây dựng. Cùng với đầu tư công trình cấp nước sạch, người dân xã Thiệu Đô còn được hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh hộ gia đình.
|
Người dân Thanh Hóa dùng nước sạch |
Ở 2 xã Định Long và Định Liên tiểu dự án “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn” được đầu tư hơn 38 tỷ đồng, xây dựng hệ thống xử lý nước sạch gồm các hạng mục: Trạm bơm giếng khoan, giàn mưa khử sắt, bể lọc nổi, bể lọc nhanh trọng lực, bể chứa nước sạch, trạm bơm cấp 2 và mạng lưới đường ống. Công suất 1.600m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 10.864 người dân 2 xã. Đến nay, đơn vị thi công đã chuẩn bị các thiết bị, máy móc, nhân lực và đang thi công tiểu dự án theo đúng kế hoạch. Cùng với triển khai xây dựng nhà máy nước sạch, tại 2 xã dự án, 101 hộ nghèo, cận nghèo và 30 hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ cũng được hỗ trợ xây dựng phần ngầm nhà vệ sinh. Ngoài ra, thực hiện tiểu dự án này, Trường THCS Định Long cũng được hỗ trợ 129 triệu đồng xây dựng nhà vệ sinh.
Dự án “Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung” được triển khai ở tỉnh ta đã và đang giúp người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch và sử dụng các công trình vệ sinh bảo đảm tiêu chuẩn, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng.