Thanh Hóa: Phát huy hiệu quả các công trình cấp nước tập trung

Thứ ba, 22/10/2013 13:59

(ĐCSVN) - Thanh Hóa có trên 400 công trình cấp nước tập trung, nhưng chỉ có 65% số công trình đang hoạt động bền vững. Chính hạn chế này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh trên địa bàn.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các công trình cấp nước tập trung nằm phân tán ở 24 huyện, thị, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi. Trong đó, phần lớn các công trình đều do UBND xã chịu trách nhiệm quản lý, một số ít công trình do Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý. Nguyên nhân dẫn đến hiệu quả hoạt động của các công trình cấp nước tập trung nông thôn còn thấp là do công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa công trình chưa được thực hiện thường xuyên, không có kinh phí hoạt động.

Một số nơi do mở đường giao thông, thi công đường điện và các công trình khác làm đứt gãy đường ống, nhưng không có phương án di dời, bồi hoàn thiệt hại và cũng không có biện pháp tu sửa khắc phục kịp thời, làm thất thoát vật tư và làm cho tình trạng hư hỏng của công trình ngày càng trầm trọng hơn.

 

Hệ thống lọc nước tại công trình cấp nước tập trung.
Ảnh minh họa (Văn Tâm)


Tại các địa phương, do không thu được kinh phí đóng góp của dân sử dụng nước và địa phương cũng không có kinh phí hỗ trợ nên công tác duy tu, bảo dưỡng không được thực hiện kịp thời. Bên cạnh đó, hầu hết các công trình đều nằm trong vùng bị ảnh hưởng bão lũ, sạt lở đất thường xuyên trong nhiều năm, gây mất nước hoặc rò rỉ nước đầu nguồn, đứt gãy đường ống, lún, nứt, thậm chí bị cuốn trôi đường ống và các hạng mục khác.

Công trình bị xuống cấp do sử dụng lâu ngày, hết thời gian sử dụng mà không được thay thế. Mặt khác, công trình cấp nước tập trung chủ yếu được xây dựng trên địa bàn vùng núi, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống và dân trí thấp, ý thức của nhân dân còn hạn chế trong việc sử dụng và bảo quản công trình nên công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng công trình còn gặp nhiều khó khăn.

Để phát huy hiệu quả bền vững của các công trình cấp nước tập trung và góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2015 có 85% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, tỉnh Thanh Hóa đã và đang chỉ đạo các đơn vị quản lý sử dụng cần chủ động có các biện pháp vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa công trình đúng quy định, nhất là việc phát hiện, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, tránh để công trình xuống cấp phải ngưng sử dụng.

Bên cạnh đó, các địa phương nơi có công trình cần linh hoạt, phối hợp, lồng ghép sử dụng các nguồn vốn khác nhau để sửa chữa các công trình bị hư hỏng, hoạt động không hiệu quả. Đối với những công trình hư hỏng lớn, vượt khả năng khắc phục của địa phương thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nêu cao ý thức của cả cộng đồng trong việc sử dụng nguồn nước, cũng như tích cực tham gia bảo vệ hệ thống công trình để có thể sử dụng lâu dài.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực