(ĐCSVN) - Ngày 26/11, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo “Giải pháp nào nhằm cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai”.
Hội thảo đã tập trung thảo thuận, đánh giá những tác động của môi trường xung quanh đến chất lượng nguồn nước lưu vực sông, đưa ra các nguyên nhân và những giải pháp tổng thể nhằm bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai.
|
Nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai đang bị ô nhiễm nặng. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của các nhà khoa học tham dự hội thảo, hiện nay, hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai đang bị ô nhiễm, đe dọa nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Cụ thể, trên sông Sài Gòn, độ PH trong khoảng 5,16 đến 7,15, có xu hướng tăng dần từ thượng nguồn ra đến cửa sông; các chỉ số như oxy hòa tan, oxy sinh hóa, hóa học… đều không đạt tiêu chuẩn. Tương tự, trên sông Đồng Nai các chỉ số trên cũng không đạt. Mức độ nhiễm khuẩn về mật độ Coliform từ 230 đến 240.000 MPN/100 ml. Nguyên nhân chủ yếu do nước thải từ các khu dân cư, dịch vụ ăn uống dọc sông chưa được thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, nguyên nhân xả thải của các khu công nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh vấn nạn ô nhiễm, nhiều người cũng cho rằng, việc xây dựng hệ thống thủy điện, hồ chứa nước dày đặc tại thượng nguồn cũng khiến cho hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai chết dần chết mòn do thay đổi hệ sinh thái, cạn kiện nguồn nước vùng hạ lưu.
Với những thực trạng đó, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm khôi phục và bảo vệ môi trường hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai, nhất là nguồn nước. Trong đó có tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các địa phương trong vùng liên quan, thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn chặt với công tác bảo vệ môi trường hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Đồng thời cần hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải và rác thải (đô thị và công nghiệp), cũng như xây dựng đầy đủ các nhà máy xử lý nước thải có công nghệ xử lý hiện đại. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tham gia thảo luận, mổ xẻ các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ nguồn nước sông như bảo vệ rừng đầu nguồn, phát triển công nghiệp, thủy điện dọc tuyến sông Sài Gòn - Đồng Nai; các khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề quy hoạch, kinh phí, nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ xử lý nước thải công nghiệp cũng như các giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ nguồn nước trên lưu vực sông.