Tình trạng thiếu nước sạch ảnh hưởng tới hàng triệu người Việt Nam

Thứ sáu, 27/03/2015 11:05

(ĐCSVN) - Ngày 26/3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành chức năng về tăng cường phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác kiểm soát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Tình trạng thiếu nước sạch hằng năm ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam và trong 4 năm qua, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch, ước tính chi phí cho y tế là khoảng 20 triệu USD.. Việt Nam đang đạt tỷ lệ 80% dân số đô thị được cung cấp nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế, tuy nhiên, ở nông thôn dù 85% dân số được cấp nước hợp vệ sinh nhưng chỉ có 42% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc. Ảnh: vov


Nguyên nhân của tình trạng này là chất lượng nước tại nhiều nơi vẫn chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhất là nước cấp từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; trạm cấp nước tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có công nghệ xử lý còn lạc hậu, hệ thống đường ống chưa đảm bảo và có tỷ lệ thất thoát nước cao. Trong khi, công tác tự kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước sạch và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước một số tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành. Một số địa phương chưa giám sát được chất lượng nước khu vực nông thôn.

Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng nước trên cả nước năm 2014 cho thấy, 21,6% số cơ sở cấp nước từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên không đạt vệ sinh chung. Tỷ lệ này ở các cơ sở cấp nước dưới 1.000 m3/ngày đêm là 27,4%. Một số chỉ tiêu không đạt thường gặp như: Nhiễm vi sinh và chất hữu cơ; hàm lượng một số kim loại nặng vượt quá mức cho phép...

 

Tình trạng thiếu nước sạch ảnh hưởng tới hàng triệu người Việt Nam.
Ảnh minh họa


Nhằm cải thiện, kiểm soát được chất lượng nước sinh hoạt cho người dân, đặc biệt tại nông thôn, đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng cần có cách tiếp cận linh hoạt trong đó nhấn mạnh vai trò chủ động của các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc đã đưa ra khuyến nghị tăng cường tần suất kiểm tra định kỳ các nhà máy, hệ thống cung cấp nước sạch, xã hội hóa kiểm định chất lượng nước, cung ứng thiết bị xử lý nước quy mô hộ gia đình với chi phí thấp.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, hiện nay việc xử lý, quản lý chất lượng nước ở các vùng miền, khu vực trong cả nước còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các bộ ngành cần tăng cường phối hợp trong việc rà soát các văn bản pháp luật và các tiêu chí để quản lý chất lượng nước. Đồng thời cần phối hợp chặt chẽ, có lộ trình và phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong thời gian tới, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm tư vấn, tài trợ nhiều dự án cấp nước thiết thực, hiệu quả tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành của Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà tài trợ, giữa các nhà tài trợ với nhau từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cho đến quy hoạch, chiến lược để có thêm nhiều mô hình nước sạch phục vụ người dân hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng, miền. Bên cạnh đó cần nghiên cứu, tính đến các phương án, lộ trình điều chỉnh giá nước nhằm khuyến khích đầu tư, áp dụng những công nghệ mới trong xử lý nước sạch với tiêu chuẩn cao nhất cung cấp cho người dân.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực