Chiều 12/4, tại cuộc họp báo quý I/2024 của Bộ Tư pháp, báo chí đặt câu hỏi về quan điểm của Bộ Tư pháp trước hai luồng ý kiến khác nhau liên quan tới việc cấm tuyệt đối hay có ngưỡng về nồng độ cồn với người tham gia giao thông trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trả lời báo chí, bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp) cho hay, trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia năm 2019 đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có nghiêm cấm hành vi điều khiển giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (Khoản 5, điều 6).
|
Bà Lê Thị Vân Anh - Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự, hành chính (Bộ Tư pháp). Ảnh: TH. |
Phó Vụ trưởng Vụ pháp luật hình sự, hành chính nhấn mạnh, Bộ Tư pháp cho rằng, việc cấm tuyệt đối hay không phải căn cứ vào các tính chất khoa học, thực tiễn và ý thức tham gia giao thông của người dân.
Trong quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp có đề nghị Bộ Công an phối hợp với Bộ Y tế có những nghiên cứu có tính khoa học, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phù hợp với ý thức tham gia giao thông của người dân, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân và hiệu quả trong công tác quản lý trật tự an toàn giao thông để có quy định phù hợp, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Giới hạn 70 tuổi để nâng cao chất lượng
Cũng tại cuộc họp báo, trả lời phóng viên về cơ sở nào để giới hạn 70 tuổi đối với công chứng viên trong Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)?, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết: Luật Công chứng hiện hành không quy định giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Dự thảo luật công chứng đưa vào giới hạn độ tuổi là 70 tuổi nhằm nâng cao chất lượng công chứng viên.
Đây là một trong những điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo luật, khi quy định về tiêu chuẩn công chứng viên, điều 8 dự thảo bổ sung điều kiện “không quá 70 tuổi và bảo đảm sức khoẻ để hành nghề công chứng”.
|
Ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp. Ảnh: TH. |
Bên cạnh đó, để bảo đảm tính ổn định của hoạt động công chứng, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp đối với công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là hai năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Theo ông Lê Xuân Hồng, công việc công chứng yêu cầu cao về tính xác thực hợp đồng giao dịch, do đó đòi hỏi năng lực trí tuệ, trí lực, công chứng viên cần đảm bảo điều kiện về sức khoẻ và sự minh mẫn.
Việc quy định giới hạn tuổi nhằm đảm bảo sức khỏe để đảm nhiệm công việc bởi công chứng viên không phải nghề kinh doanh tự do mà là dịch vụ công được nhà nước ủy nhiệm. Đồng thời, phù hợp quy định độ tuổi lao động hiện nay và phù hợp với thông lệ nhiều nước trên thế giới. Ông Hồng cũng cho biết thêm, theo thống kê số lượng công chứng viên ngoài 70 tuổi hành nghề hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ dưới 10%.
Về vấn đề quản lý nhà nước hoạt động công chứng trong bối cảnh xã hội hóa, Cục trưởng Lê Xuân Hồng nêu rõ, công chứng là dịch vụ công, do Nhà nước ủy nhiệm nên dù xã hội hóa nhưng vẫn cần tăng cường quản lý bởi đây không phải dịch vụ kinh doanh thông thường. Với tinh thần đó, Dự thảo Luật công chứng (sửa đổi) đã có nhiều quy định định hướng phát triển nghề công chứng, tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên trong bối cảnh bỏ Luật Quy hoạch. Theo đó, quy định các Bộ, ngành đưa ra quy chuẩn để phát triển nghề này, các địa phương xây dựng đề án, quy hoạch quản lý, tăng cường vai trò tự quản của các Hội công chứng…/.