Bộ Tư pháp nói gì về đề xuất đấu giá biển số xe?

Thứ tư, 27/04/2022 22:24
(ĐCSVN) - Hiện nay việc chuyển nhượng biển số xe sau khi trúng đấu giá có điểm “vướng” vì Luật Giao thông đường bộ quy định cấm mua bán chuyển nhượng biển số xe. Do đó, vấn đề này đang được tiếp tục nghiên cứu.

Chiều 25/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo, cung cấp thông tin tình hình hoạt động tư pháp quý 1/2022. 

Đấu giá biển số xe theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá đang được Bộ Công an lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đã nhận được nhiều sự quan tâm của báo chí tại cuộc họp báo.

Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: TH. 

Bà Nguyễn Thị Mai - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, xét dưới góc độ pháp luật về đấu giá thì việc đấu giá biển số xe đẹp không có vướng mắc gì cả.

“Điểm b khoản 1 Điều 4 Luật Đấu giá tài sản đã quy định rất rõ một trong các loại tài sản phải bán thông qua hình thức đấu giá. Nếu coi biển số xe là một loại tài sản theo quy định của pháp luật chuyên ngành phải bán dưới hình thức đấu giá, thay cho việc bốc số ngẫu nhiên như hiện nay thì sẽ thực hiện đấu giá theo trình tự thủ tục của Luật Đấu giá tài sản", bà Mai nói.

Theo quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công, biển số là tài sản đặc biệt, công cụ quản lý an toàn giao thông đường bộ. Nếu coi biển số xe là tài sản công, việc "bán" đấu giá sẽ theo trình tự, thủ tục của Luật Đấu giá. 

Tuy nhiên, bà Mai cho hay, hiện nay việc chuyển nhượng biển số xe sau khi trúng đấu giá đang có điểm vướng vì theo quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ đang quy định cấm mua bán chuyển nhượng biển số xe. 

 “Câu chuyện có cho chuyển nhượng hay không hiện nay còn đang nằm trong nghiên cứu của các bên liên quan, tuy nhiên tôi cho rằng nếu như được quy định ở trong Nghị quyết của Quốc hội và hiện nay Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng 2 đạo luật là Luật giao thông đường bộ và Luật an toàn giao thông đường bộ thì có thể cùng với việc đưa biển số xe ra đấu giá theo Nghị quyết của Quốc hội thì sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo tính phù hợp và liên quan đến quyền định đoạt đối với biển số xe”, bà Mai thông tin.

Cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản 

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong Quý I, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính được thực hiện quyết liệt, phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương, theo đó, toàn Hệ thống THADS đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể:

Kết quả công tác thi hành án dân sự 06 tháng năm 2022 (tính từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/3/2022): Đã thi hành xong hơn 200.000 việc, đạt tỉ lệ hơn 49,00% với hơn 35.000 tỷ đồng. 

Về thi hành án tín dụng ngân hàng: Đã thi hành xong gần 2.500 việc với hơn 11.000 tỷ đồng. Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Đã thi hành xong 715 việc tương ứng với hơn 9.000 tỷ đồng. Kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi: Đã tổ chức thi hành xong 45 vụ việc với gần 35.000 tỷ đồng.

 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi  thông tin với báo chí. Ảnh: TH.

Liên quan đến câu hỏi của báo chí về các biện pháp phong tỏa tài sản đối với các vụ án như: Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết Bộ Tư pháp và Tổng Cục Thi hành án đang rất quan tâm tới hai vụ việc nêu trên.

Theo ông Lợi, thực tế thi hành án dân sự vừa qua đã cho thấy nhiều vụ việc bản án tuyên phải thu hồi giá trị tài sản rất lớn nhưng khi tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án xác minh tài sản của các đương sự để thi hành thì chỉ có giá trị thi hành rất nhỏ.

"Điều đó dẫn tới tỷ lệ thi hành, thu hồi được rất ít. Vì vậy, cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn chuyển dịch tài sản ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử rất và điều này đã được quy định cụ thể tại Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự" - ông Lợi nói.

Bên cạnh đó, Chỉ thị 04/CT-TW của Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, thu giữ, kê biên tài sản đất đai, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản.

"Qua báo chí, chúng ta cũng biết cơ quan tố tụng đã áp dụng biện pháp tạm giữ, phong tỏa tài sản của những chủ thể liên quan. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án sẽ tiếp tục theo dõi để kịp thời phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp để đảm bảo việc thi hành án về sau này", ông Lợi nói./.

Khánh Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực