Bộ Tư pháp thực hiện hiệu quả các nội dung cải cách hành chính

Thứ tư, 28/09/2022 21:06
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục xác định thực hiện cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên; tiếp tục đổi mới, sáng tạo, gắn công tác thi đua, khen thưởng với kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị…

Ngày 28/9, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 và công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Tư pháp (Ban Chỉ đạo).

Bộ Tư pháp xếp thứ 1 về tổng số điểm chỉ số cải cách hành chính

Theo báo cáo, tổng số điểm Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2021 là 91.90/100 điểm, xếp thứ 1/17 bộ, là năm thứ tư liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì nhóm ba bộ dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính cấp bộ.

 Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh: TH.

Tổng giá trị điểm số của Bộ Tư pháp đều tăng đối với điểm chấm qua thẩm định và điểm đánh giá qua điều tra xã hội học. Phân tích 7 lĩnh vực đánh giá Chỉ số cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tiếp tục duy trì là lĩnh vực được đánh giá cao nhất của Bộ Tư pháp như các năm trước. Bốn lĩnh vực: Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Cải cách thủ tục hành chính; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; Cải cách tài chính công của Bộ Tư pháp đều được xếp hạng thuộc nhóm 3 bộ dẫn đầu về chỉ số cụ thể trong từng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, trong đánh giá Chỉ số cải cách hành chính năm 2021, Bộ Tư pháp cũng đạt chỉ số điểm cao, xếp thứ 3/17 bộ ở nội dung đánh giá thông qua điều tra xã hội học.

Qua thảo luận, các ý kiến đánh giá cao sự quyết tâm và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính thời gian qua. Cụ thể, hầu hết các lĩnh vực cải cách hành chính của Bộ Tư pháp đều tăng tỷ lệ điểm, xếp hạng theo từng lĩnh vực. Tuy nhiên, chỉ ra vẫn có 5 tiêu chí thành phần Bộ Tư pháp bị trừ điểm, đây là những tồn tại, hạn chế cần khắc phục ngay trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, kiến nghị các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất các nội dung cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

Sáng tạo, đổi mới, gắn công tác thi đua, khen thưởng với thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Để thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính của Bộ, ngành Tư pháp, phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị, các đơn vị, nhất là các đơn vị xây dựng pháp luật chủ động thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; thường xuyên kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời phát hiện quy định có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn gây khó khăn, vướng mắc cho đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: TH. 

Trước mắt, các đơn vị phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ, đề xuất Quốc hội ban hành các văn bản tháo gỡ "điểm nghẽn" đang là rào cản đối với phát triển kinh tế  - xã hội như: giải ngân vốn đầu tư công; thể chế trong thúc đẩy chuyển đổi số gắn với cải cách, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tham gia hiệu quả vào cải cách thể chế pháp luật trong lĩnh vực đất đai...

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh, các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục xác định thực hiện cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên. Hàng năm cần xây dựng kế hoạch thực hiện và tổng kết, đánh giá, đề xuất các giải pháp cụ thể theo phương châm: Sáng tạo, đổi mới, hiệu quả; gắn công tác đánh giá, xếp hạng thi đua, khen thưởng với kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của cơ quan, đơn vị; coi đây là 2 nhiệm vụ kép có ý nghĩa nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Mặt khác, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ; nâng cao chất lượng các dịch vụ công của Bộ Tư pháp; hoàn thành việc kết nối 100% dịch vụ công của Bộ Tư pháp với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo kế hoạch của Chính phủ.

Tại Hội nghị cũng nghe công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Bộ Tư pháp (Ban Chỉ đạo). Theo đó, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Nhân dịp này, 3 tập thể và 18 các nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hành chính, góp phần vào việc thăng hạng Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp./.

 

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực