Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, chiều 8/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp |
Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo Luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số bao gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; Hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; Doanh nghiệp công nghệ số; Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, căn cứ trên tình hình thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất bổ sung nội dung về tài sản số, trí tuệ nhân tạo (AI) và điều chỉnh nội dung “vi mạch bán dẫn” thành “bán dẫn”.
Trong đó, Luật dự thảo nguyên tắc quản lý và phát triển AI. AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế.
Thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu toàn diện (bao gồm cả những vấn đề như sở hữu, quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu, vấn đề bảo hộ quyền tác giả…) để xây dựng một Đạo luật riêng về AIcủa Việt Nam.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, tại thời điểm này Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI. Do đó, cơ bản tán thành sự cần thiết quy định đối với các hệ thống AI được lồng ghép trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường.
Góp ý nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, những quy định tại dự thảo luật chưa đủ mạnh mẽ để đảm bảo cho việc phát triển ứng dụng AI diễn ra một cách có trách nhiệm, có đạo đức. Do đó, đề nghị bổ sung các quy định nhằm hạn chế rủi ro của AI.
Cụ thể, ông đề nghị phải xem xét chi tiết hóa các nguyên tắc đạo đức như: công bằng, minh bạch, trách nhiệm, an toàn và bảo mật trong phát triển ứng dụng công nghệ AI. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế giám sát tuân thủ các nguyên tắc đạo đức, trí tuệ nhân tạo, ví dụ như là thành lập Hội đồng đạo đức, AI độc lập bao gồm chuyên gia nhiều lĩnh vực.
Đồng thời phải cân nhắc kỹ quy định về dán nhãn sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi AI. “Thế nào là sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống AI? Đề nghị làm rõ thêm nội hàm, không quy định chung chung dẫn đến tình trạng khó khăn trong thi hành” – ông Cường đề nghị.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu trách nhiệm khi sự cố trí tuệ nhân tạo xảy ra. “Ứng dụng AI trong giao thông thông minh, xe tự lái… thì khi có sự cố, tai nạn xảy thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Chủ xe, chủ sở hữu AI, hay người phát triển nội dung này?” - ông nêu ví dụ.
Phát biểu ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng đối với nội dung này. AI là một lĩnh vực mới, đặt ra những thách thức về quản lý không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với các quốc gia trên thế giới. Do đó, để bảo đảm phân định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ giữa người dùng, nhà cung cấp, nhà phát triển và bên triển khai thì nên thiết lập định nghĩa rõ ràng cho các hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao. Việc quản lý các sản phẩm công nghệ số quan trọng đòi hỏi các tiêu chí được xác định rõ ràng và minh bạch.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy, cách xây dựng luật pháp, làm sao thấy được khó khăn, vướng mắc trong kinh tế - xã hội để tháo gỡ.
Lưu ý đây là Luật khó, phức tạp, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu bám vào chủ trương, đường lối của Đảng để thể chế hoá, nhất là Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022, Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để tạo lập hành lang pháp lý cho triển khai mô hình lao động việc làm mới trên nền tảng công nghệ số. Cùng với đó, cần quan tâm, rà soát để đảm bảo tính thống nhất, tính đồng bộ của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật hiện hành; tham chiếu các quy định của dự thảo Luật trong mối tương quan với các quy định, văn bản, luật chuyên ngành đang được trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, tiếp tục rà soát và điều chỉnh trên nguyên tắc đảm bảo sự rõ ràng, minh bạch, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Đề cập một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật, lưu ý một số khái niệm rất mới, lần đầu tiên được đưa vào Luật như tài sản số, trí tuệ nhân tạo… Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải giải thích, chuẩn hoá các khái niệm, đảm bảo cách hiểu xuyên suốt trong Luật./.