Thảo luận tại hội trường, đa số các ý kiến ghi nhận dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản hoàn chỉnh từng bước khắc phục những khó khăn bất cập, nhằm xây dựng lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần giữ vững an ninh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.
Dự thảo Luật quy định: Độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ (DQTV) đối với công dân nam từ đủ 18 tuổi, đến hết 45 tuổi và công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ và nếu tình nguyện tham gia có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam và hết 45 tuổi đối với nữ.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu tại hội trường. (Ảnh:Quang Khánh).
Một số ý kiến đề nghị nâng độ tuổi và thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV cho phù hợp với dự kiến nâng độ tuổi nghỉ hưu; một số ý kiến đề nghị giảm độ tuổi và thời hạn tham gia DQTV.
Giải trình về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nêu rõ: Quy định độ tuổi tham gia DQTV cơ bản kế thừa Luật DQTV hiện hành, đã thực hiện ổn định và thực tế không phải tất cả công dân trong độ tuổi đều được tuyển chọn tham gia DQTV. Ngoài ra, việc quy định kéo dài độ tuổi và thời hạn nhằm khắc phục một số nơi thiếu người để tổ chức đơn vị DQTV và thu hút công dân có kinh nghiệm, khả năng vào phục vụ trong DQTV. Mặt khác, nhu cầu tuyển chọn công dân vào DQTV không lớn. Nếu tăng độ tuổi lên 5 năm và kéo dài thời hạn đến hết độ tuổi lao động sẽ không phù hợp với hoạt động quốc phòng, quân sự, phát sinh chi phí quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia DQTV.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng quy định này phù hợp với thực tiễn, có tính ổn định và phát huy hiệu quả trong xây dựng lực lượng DQTV.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng phân tích, không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đều tham gia lực lượng dân quân tự vệ mà chỉ sử dụng một tỷ lệ nhất định (khoảng 3,5%). Như vậy số lượng không nhiều nên cần có sự chọn lựa và có tuyển chọn để bảo đảm chất lượng, số lượng cho lực lượng dân quân tự vệ. Đặc biệt với quy định về kéo dài thời gian tham gia lực lượng dân quân tự vệ cũng sẽ không để mất đi chất xám của những người có kinh nghiệm, trình độ, những nơi có điều kiện tuyển dụng khó khăn trong việc phát triển lực lượng.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cũng đồng tình với quy định điều chỉnh độ tuổi cao hơn để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Cơ bản đồng tình với quy định của dự thảo Luật, song đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) kiến nghị cần kéo dài thời gian tự nguyện tham gia lực lượng này. Dẫn thực tế, hiện nay, ở một số địa phương, trong các gia đình chỉ còn người già trẻ em do người trẻ đi làm ăn xa, dẫn đến tình trạng thiếu nguồn lực DQTV tại những địa phương này, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng cần khuyến khích kéo dài tuổi tham gia đối với những dân quân sau khi hoàn thành nghĩa vụ mà có nhu cầu, tâm huyết tiếp tục phục vụ trong lực lượng, nhằm tạo thêm nguồn lực cho DQTV.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị, cần quy định rõ độ tuổi tham gia DQTV trong thời bình đối với những cơ quan, tổ chức có tính ổn định về nhân sự.
Đồng thời, lưu ý việc lực lượng tham gia DQTV cần gắn với quá trình bồi dưỡng, đào tạo nhân lực tại các cơ quan, tổ chức này, bởi nếu sử dụng mà không phát huy hết khả năng, độ tuổi và sự cống hiến của người lao động thì sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực. Trên cơ sở đó, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị, cần có đánh giá tác động toàn diện về độ tuổi tham gia lực lượng DQTV trên cơ sở đối chiếu với độ tuổi lao động đang được điều chỉnh trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhằm tận dụng trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao của người lao động đặc biệt trong các lĩnh vực phòng không, pháo binh, công binh, y tế.../.