Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh:TH)
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các tôn giáo.
Theo TS Bùi Thanh Hà, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tôn giáo Chính phủ, Luật tín ngưỡng tôn giáo được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018. Luật tín ngưỡng, tôn giáo có nhiều điểm mới, tiến bộ ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi người; của những người bị hạn chế quyền công dân; của người chưa thành niên, của chức sắc, chức việc, nhà tu hành; quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc đến quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Về cơ bản các điều khoản của Luật đã được quy định rất cụ thể từ điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền đến thời hạn các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết.
Đến nay việc xây dựng 2 dự thảo Nghị định đã được thực hiện đầy đủ các bước theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật qua việc xin ý kiến các bộ, ngành, các tỉnh thành, các tổ chức tôn giáo đồng thời đăng trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ xin ý kiến nhân dân.
Góp ý vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, ông Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cần xem xét để phù hợp với quy định của Luật xử phạt vi phạm hành chính để việc vận dụng xử lý được rộng rãi và mềm dẻo hơn. Bên cạnh đó việc phân định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm, cần chỉ rõ được cơ quan có thẩm quyền xử phạt và hành vi vi phạm. Đặc biệt, Ban soạn thảo cần xem xét giảm một số thủ tục hành chính nhằm thực hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính để hướng tới Chính phủ kiến tạo phục vụ nhân dân, giúp người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, trên cơ sở đáp ứng tốt công tác quản lý của nhà nước.
“Việc phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm ở Điều 36, theo tôi chưa rõ, bởi, chưa chỉ rõ được cơ quan có thẩm quyền xử phạt, hành vi vi phạm nào. Nhiều cơ quan đều phạt cảnh cáo và tịch thu tang vật nên cần dựa vào thẩm quyền quản lý nhà nước các cấp để phân định thẩm quyền xử phạt. Không nên dựa vào tiêu chí được phạt loại gì, mà cần dựa vào thẩm quyền cơ quan đó để phân định thẩm quyền xử phạt hành chính thì mới chính xác và đầy đủ” - ông Trần Ngọc Đường nói.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, dự thảo Nghị định quy định các thủ tục, trình tự là điều cần thiết để quản lý Nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, còn có quá nhiều “giấy phép con” mà chủ yếu là các loại thủ tục như các đơn đề nghị, đơn đăng ký, trách nhiệm cơ quan thẩm quyền cấp đăng ký… Do đó, cần lược bỏ các giấy phép con này để tạo thuận lợi, dễ dàng cho các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo khi phải làm các thủ tục hành chính.
Cùng với đó, ông Thường cũng đề nghị dự thảo cần bổ sung quy định xử phạt hành chính đối với việc quyên góp của các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản. Cần có quy định xử phạt hành chính đối với các sai phạm trong xây dựng, tu bổ, sửa chữa các công trình tín ngưỡng tôn giáo, công trình phụ trợ; các hoạt động không phải là hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như tổ chức sản xuất, kinh doanh thương mại trong khuôn viên nhà chùa...
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:TH)
Bày tỏ quan điểm đánh giá cao Luật Tín ngưỡng tôn giáo đã có điểm tiến bộ khi ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng của những người bị hạn chế quyền công dân, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng tôn giáo. Đặc biệt cần xem xét quy định cho phép các chức sắc tôn giáo có thể hướng dẫn các đối tượng là phạm nhân tín ngưỡng tôn giáo đang chấp hành hình phạt tù được thể hiện niềm tin tôn giáo. Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng đề nghị nên đơn giản thủ tục hành chính trong việc giải thể các tổ chức tôn giáo.
Ông Lê Xuân Mai, Trưởng Ban Cai quản Thánh thất Cao Đài Thủ đô đồng tình với quy định cụ thể việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo được quy định chi tiết và khả thi để các tôn giáo thực hiện thuận lợi hơn. Đồng thời, ông Lê Xuân Mai đề nghị bên cạnh việc xử phạt bằng tiền cần có biện pháp bổ sung là đình chỉ để tránh tình trạng phạt cho tồn tại sẽ gây dư luận xấu trong xã hội…./.